"Đề xuất tăng lương hưu 15% là hợp lý, chú ý nhóm lương hưu thấp!"
(Dân trí) - Các chuyên gia lao động nhấn mạnh, cùng thời điểm cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, hàng triệu người đang trông chờ mức điều chỉnh lương hưu từ 1/7 tới đây.
Hai mức đề xuất tăng lương hưu
Ngày 1/7 tới đây, lương công chức, viên chức, lương hưu, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp đồng loạt được điều chỉnh.
Khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp), theo lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Cùng với việc tăng lương cho công chức viên chức, gần 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất quan tâm đến mức điều chỉnh lương hưu tới đây.
Trong việc đánh giá tác động cải cách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và các đối tượng khác, trước đó, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ về vấn đề này.
Báo cáo về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, mức điều chỉnh lương hưu năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10%, ở thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực nhà nước.
Đơn vị này tính toán, lương hưu của người nghỉ sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.
Cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp.
Đề xuất trên căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.
Trong khi đó, lương hưu, trợ cấp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng 15%, theo báo cáo tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội mà Bộ Tài chính thực hiện mới đây.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW...
Chú ý nhóm lương hưu thấp
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là dựa trên yếu tố như giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và tăng lương chung.
Theo bà Hương, sở dĩ lương hưu hay điều chỉnh gắn với tăng lương chung do xuất phát từ nguyên lý đóng - hưởng, chia sẻ của bảo hiểm xã hội.
Về hai mức tăng hưu trí được đề xuất trên, theo quan điểm của bà Hương, mức đề xuất tăng 15% như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu là phù hợp.
Trong tổng thể, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, nhìn vào mức điều chỉnh lương công chức theo thông tin từ Bộ Nội vụ thì mức tăng lương hưu 15% sẽ phù hợp hơn mức 8% (theo đề xuất của cơ quan Bảo hiểm xã hội).
Ngoài ra, bà Lan Hương lưu ý cần đặc biệt chú ý đến những nhóm đang có lương hưu thấp.
"Chúng ta cần xác định một sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống. Nếu lương hưu của người hưu trí thấp hơn mức sàn này, nhà nước cần phải bù đắp bằng số tiền tuyệt đối, thay vì tăng theo tỷ lệ %", bà Hương nói.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bạn đọc Phạm Trung Thông gửi ý kiến đến Dân trí về mức điều chỉnh lương hưu và lương công chức. Bạn đọc này cho rằng, qua các năm, việc điều chỉnh tăng lương hưu và tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức tương đương nhau.
Điều này tạo được sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhau nhiều.
Để đảm bảo công bằng, không chênh lệch nhau nhiều về lương hưu của những người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, bạn đọc Phạm Trung Thông cho rằng cần phải cân nhắc kỹ mức tăng lương hưu.
Từ năm 2016 đến năm 2023, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); 12,5% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng.