Những phận người khốn khổ ở xóm "nghèo tập thể" tại TPHCM
(Dân trí) - Ở con hẻm 17 Cô Giang, quận 1, TPHCM, căn trọ tập thể 2 tầng là nơi ở của hàng chục lao động nghèo, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Giá thuê trọ ở đây chỉ 20.000 đồng/ngày.
Những người lao động xa xứ
"Lễ này có về quê không chị? Em chưa biết có về được không, để coi tối nay bán được bao nhiêu tiền. Tiền giờ không có, chỉ có nhớ nhà thôi", tiếng í ới lúc sáng sớm của mấy người phụ nữ, sống trong căn trọ tập thể ở hẻm 17 Cô Giang (quận 1, TPHCM), khiến người khác nao lòng.
5h, chị L. (40 tuổi) lật đật thức dậy với giấc ngủ chưa đầy 3 tiếng. Đêm qua, chị phải gánh bánh tráng đi bán khắp thành phố, đến tận 2h sáng mới về. Mỗi ngày, cuộc sống mưu sinh của chị đều đặn trôi qua như thế, thấm thoát đã 9 năm, vừa đủ vắt kiệt sức lực của người phụ nữ 2 con này.
Chị L. làm nghề bán bánh tráng dạo, sống trong nhà trọ ở hẻm 17 Cô Giang. Sống tập thể, chị L. luôn tự ý thức phải dậy thật sớm mỗi ngày để vệ sinh cá nhân, vì căn trọ chỉ có 2 nhà tắm.
Hằng ngày, cứ đến 7h là khu trọ trở nên tất bật. Những người phụ nữ làm nghề bán bánh tráng dạo như chị L. cũng đã thức dậy, việc ai nấy làm, bận rộn soạn hàng đi bán.
Họ không phải máu mủ, ruột thịt, nhưng coi nhau như chị em trong nhà. Họ gặp nhau vài tiếng vào 2 buổi sáng, tối, thời gian còn lại thì chia ra đi mưu sinh, nên mỗi ngày chỉ kịp hỏi thăm nhau vài câu.
Ngồi chiên mớ tỏi trong chiếc chảo cũ, chị L. chợt nhăn mặt khi dầu nóng bắn vào tay. Chị kể rằng nghề này chỉ có khổ chứ không có sướng. Nhưng để kiếm tiền gửi về cho gia đình, chị L. chấp nhận mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, chịu khói bụi, đội nắng, mưa ngoài đường phố.
"Nhiều lúc mệt quá, tôi ngồi ngủ gục ngoài đường. Khách quen tới, ai thấy thương thì tự trộn bánh tráng, tự trả tiền lúc nào mình không hay biết. Lắm lúc chịu không nổi, tôi cũng đổ bệnh, nằm ở nhà. Bệnh nhưng cũng chỉ ở nhà nghỉ 1 ngày thôi, bữa sau phải gắng gượng đi bán", chị L. cười xòa, nói.
Sáng mưu sinh, tối về, chị L. nằm ngủ dưới sàn cũng 3-4 người khác. Căn phòng chật chội, tối om, nóng nực, chị L. cũng chịu đựng, cố ngủ chờ trời sáng thật nhanh.
Khi còn ở quê nhà Bình Định, chị sinh trưởng trong gia đình đông anh chị em, có truyền thống làm nông. Lớn lên, chị L. lo tiền làm ra không đủ ăn, nên quyết định để lại con cho ông bà chăm giúp, theo đồng hương vào TPHCM mưu sinh.
Trên chuyến xe rời quê hương, chị L. đượm buồn khi nghĩ kể từ đây, chị phải xa con, một mình đến nơi xa lạ để kiếm ba cọc ba đồng. Ở thành phố, mỗi ngày trôi qua đều cực nhọc như nhau, chị L. thầm nghĩ không biết đến bao giờ nỗi vất vả này mới kết thúc.
Phận đời chẳng dám ước mơ
Gần trưa, nhìn những người phụ nữ sống cùng căn trọ đang bận rộn chuẩn bị đi bán, bà Huỳnh Thị Lệ (66 tuổi) ngồi trầm ngâm ở một góc, tay cầm cọc vé số 60 tờ chưa bán được một nửa.
Bà Lệ sinh ra và lớn lên ở thành phố. Ba mẹ bà trước đây bán rau ở chợ Cầu Muối (quận 1), còn bà và anh chị em trong nhà cũng buôn bán lặt vặt để kiếm tiền ăn cơm.
Mấy chục năm sau, gia cảnh cũng mắc mãi chữ "nghèo" mà không khấm khá nỗi. Đến mức, khi ba mẹ, anh chị em qua đời, bà Lệ cũng không có nổi một căn nhà để ở.
Tưởng chừng số phận đã đủ khổ sở, bà Lệ chợt buồn bã hơn khi hôn nhân không trọn vẹn, bà phải một mình nuôi con gái mù lòa và sống ở khu trọ tập thể đến bây giờ.
Bà Lệ đi bán vé số, còn con thì đi xin. Mỗi ngày, bà kiếm được khoảng 60.000 đồng, đủ lo cơm nước cho hai mẹ con. Những ngày mưa gió, đổ bệnh không thể đi bán, bà Lệ cố gượng đi xin cơm từ thiện hoặc chỉ ăn đạm bạc với món cơm trộn nước tương.
Thấy con gái mù lòa, phải đi lang thang để xin tiền người đi đường, bà Lệ đau lòng, nhưng cũng không còn cách nào khác. Hôm nào con gái về nhà trễ, bà Lệ đều đứng ngồi không yên.
"Nhiều lúc tôi nằm khóc hoài, tự trách sao số mình lại khổ đến thế. Nhưng khóc xong thì thôi, vì mình phải học cách chấp nhận. Nếu cứ than trách mãi, cuộc đời cũng không thay đổi được", bà bộc bạch.
Nhắc đến ước mơ, cả chị L. và bà Lệ chỉ cười trừ, nói: "Giờ chỉ biết đến đâu hay đến đó, có tiền sống qua ngày, lo cho gia đình là quá đủ".
Mong ước của chị L. tưởng chừng là thứ giản đơn, nhưng lại là khao khát của phần lớn lao động nghèo sống trong căn trọ tập thể này. Mấy chục năm về trước, họ từng mơ mua được căn nhà hoặc có nhiều tiền để được đi đây đó. Nhưng giờ đây, ước mơ lớn nhất chính là có đủ tiền mua thức ăn, trang trải qua ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Chín (79 tuổi), chủ trọ, nơi này có hơn 10 người sinh sống. Bà Chín trải lòng, gia cảnh bà cũng không khấm khá gì. Thương người lao động nghèo, vợ chồng bà Chín bấm bụng thuê cả căn nhà trong hẻm đường Cô Giang, cho họ thuê với giá 20.000 đồng/ngày.
Bà Chín cũng mở tiệm bán rau, củ dưới nhà, gom góp tiền sống qua ngày.
"Ở đây chúng tôi không phải máu mủ, không cùng quê, nhưng có điểm chung là nghèo. Dù không có nhiều tiền, nhưng hễ ai khó khăn thì cũng có người giúp. Chỉ đơn giản là cho nhau bát cơm, miếng thịt, như vậy cũng đủ an ủi rồi", bà Chín nói.