(Dân trí) - Chẳng ai tin, những tài xế taxi, thợ sửa xe này bỏ tiền mua xăng, chở người khác miễn phí. Mặc những lời xì xào, những "gã gàn" trở thành điểm tựa cho bệnh nhân nghèo xứ nhút Thanh Chương (Nghệ An).
Chẳng ai tin, những tài xế taxi, thợ sửa xe này lại có thể bỏ tiền mua xăng, chạy xe chở người khác miễn phí. Bỏ ngoài tai những lời xì xào, những "gã gàn" trở thành điểm tựa cho bệnh nhân nghèo xứ nhút (món ăn làm từ mít) Thanh Chương (Nghệ An).
Đang dở tay sửa xe máy cho khách thì chuông điện thoại của anh Nguyễn Phùng Úy (41 tuổi, trú xã Thanh Dương, Thanh Chương) vang lên. Lau vội tay, anh Úy bấm nút nghe "Alo, xe 0 đồng xin nghe". Đầu bên kia, một giọng nữ nhỏ nhẹ, gấp gáp, khẩn thiết nhờ xe đến chở mẹ đi viện. Sau một số câu hỏi để kiểm tra tính xác thực của thông tin cũng như tình trạng của người cần hỗ trợ, anh Úy vội đóng cửa hàng, chạy ra xe. Gần 3 năm nay, người thân của anh Úy đã quá quen với hình ảnh này, cũng không hỏi nữa.
Sau khi hoàn thành việc đón và chở người phụ nữ ở xã Thanh Lương xuống Bệnh viện ung bướu Nghệ An, anh Úy trở về với công việc thường ngày của mình. "Tội quá, nhà một mẹ, một con, chị ấy bị ung thư, con gái mới 15 tuổi...", anh Úy thở dài. Anh Úy là trưởng nhóm, điều phối viên, tổng đài, kiêm tài xế của nhóm "xe 0 đồng".
Nhóm "xe 0 đồng" được hình thành cuối năm 2021, từ ý tưởng của 2 tài xế taxi Nguyễn Hữu Ất, Trần Hữu Đường và ông chủ doanh nghiệp Nguyễn Tư Hoàng, với mục tiêu hỗ trợ bệnh nhân nghèo quê Thanh Chương. Quá trình hoạt động, nhóm bổ sung thêm nhiều thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách. Vì lí do cá nhân, hai thành viên đồng sáng lập Nguyễn Hữu Ất, Trần Hữu Đường và một số người khác dừng tham gia, Nguyễn Tư Hoàng rút về phụ trách công tác hậu cần. Hiện nhóm còn 4 thành viên chủ chốt là Nguyễn Phùng Úy, Trần Văn Cường, Nguyễn Đình Mạnh và Trần Thị Ngọc Dịu. Nhóm hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Thanh Chương, cung đường Thanh Chương - các bệnh viện ở TP Vinh (Nghệ An) và ngược lại. Những chuyến xe có mặt bất kể lúc nào, dù là giữa trưa nắng hay đêm muộn, chở những phận người bị bệnh tật, nghèo đói vùi dập kịp đến bệnh viện. Những chuyến xe không chỉ giúp bệnh nhân nghèo bớt đi một khoản chi phí mà còn tiếp thêm cho họ niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu, để họ không cô độc trên con đường níu giữ sự sống.
"Huyện Thanh Chương khá rộng, nhu cầu di chuyển của người dân rất cao, nhất là đối với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, do chi phí cho một chuyến cấp cứu bằng xe chuyên dụng cao. Trong khi đó số xe có hạn, bởi vậy, nhóm ưu tiên phục vụ những trường hợp thực sự khó khăn nên các bệnh nhân, trừ trường hợp cấp cứu thì đều phải xác minh kỹ về hoàn cảnh kinh tế", anh Trần Văn Cường - thành viên nhóm "xe 0 đồng" cho hay.
Với nguyên tắc hỗ trợ miễn phí, các thành viên tự đổ xăng chạy, hoàn toàn không thu bất kỳ đồng nào từ người bệnh. Thời điểm giá xăng tăng kỷ lục lên tới trên 34.000 đồng/lít, thực sự là một thách thức không nhỏ đối với những tài xế thích làm "việc bao đồng" này.
Chị Trần Thị Ngọc Dịu là thành viên nữ duy nhất của nhóm. Mặc dù thuộc phái "chân yếu tay mềm" nhưng nữ tài xế này không nề hà sự phân công của trưởng nhóm, sẵn sàng gác lại công việc riêng để hỗ trợ tối đa cho người bệnh nghèo, bất kể đêm khuya hay trời mưa rét. Khác với các thành viên nam khác, chị Dịu hiện là công chức nhà nước, đặc thù công việc chuyên môn, chị chỉ có thể tham gia vận chuyển bệnh nhân ngoài giờ hành chính. 4 thành viên còn lại, thì có đến 3 người là trụ cột kinh tế của gia đình, bởi vậy, để thành viên đảm bảo kinh tế gia đình và hỗ trợ kịp thời nhất cho người bệnh, anh Phùng Úy phải điều phối nhịp nhàng, phân công lịch cho từng người trong nhóm. "Người bệnh có khó khăn, cùng quẫn mới nhờ tới mình. Khi đó, nếu không dở khách là tôi sẵn sàng đi ngay, không kể đêm hay ngày. Có những lúc vừa tới cổng, bệnh nhân đã được dìu ra chờ sẵn, nhìn thấy xe đến, mừng quá họ khóc, mình cũng thấy ngậm ngùi", tài xế taxi Nguyễn Đình Mạnh - thành viên nhóm "xe 0 đồng", chia sẻ.
Sau hơn 2 năm hoạt động, "xe 0 đồng" thực sự đã trở thành chỗ dựa và cứu cánh của không ít bệnh nhân nghèo. Thế nhưng, ít ai biết rằng, giai đoạn đầu các thành viên của nhóm cũng phải chịu không ít áp lực từ dư luận và ngay cả người thân của mình. Họ chẳng tin có những người kiếm sống từng đồng lại vô tư đi chạy miễn phí, nếu không phải là "gàn" thì chắc làm để đánh bóng bản thân. Thậm chí, có người còn bảo nhóm chẳng thể duy trì được lâu dài. Cũng có người lại cho rằng, các tài xế này chỉ chạy thuê nhận tiền của một mạnh thường quân đứng sau, do vậy họ đương nhiên phải có bổn phận phục vụ người bệnh nên cứ mặc nhiên đòi hỏi, "ra lệnh" với tài xế. Trong khi đó, mải miết với những chuyến xe thiện nguyện bằng chính đồng tiền mình bỏ ra nên ít nhiều kinh tế của anh em của nhóm cũng bị ảnh hưởng.
"Nhiều khi đang chở người bệnh đi viện thì khách gọi xe, đành phải từ chối khách. Vợ tôi ban đầu cũng không bằng lòng đâu, nhưng tôi bảo nhà mình có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, nhờ trời, cả gia đình ta đều khỏe mạnh. Còn những bệnh nhân nghèo kia, họ không có gì để bấu víu cả, mình chỉ có thể giúp họ vài chuyến xe, bớt được đồng nào thì họ có thêm tiền mua thuốc để điều trị. Dần dần vợ tôi cũng hiểu ra, vui vẻ ủng hộ chồng", anh Cường chia sẻ.
Còn với anh Úy, công việc sửa chữa xe máy, xe đạp, ngoài chi tiêu hàng ngày, mỗi năm có thể tích lũy được 50-60 triệu đồng để phòng khi cần. Khi tham gia đội "xe 0 đồng", khoản tích lũy này cũng không còn, trong khi đó nhu cầu chi tiêu trong nhà không giảm. Sau những cuốc "xe 0 đồng", anh tranh thủ trưa, tối sửa xe cho khách. "Nhiều khi bệnh nhân gọi, phải giấu vợ, bảo khách gọi đi xe. Có lần phải vay tiền anh em để bù vào tiền chi tiêu đưa cho vợ rồi tranh thủ làm nhiều hơn để trả. Thực ra tôi hiểu nỗi buồn lo của vợ nhưng cứ động viên, làm công tác tư tưởng dần dần. Không biết có phải là duy tâm không nhưng từ khi tôi chạy "xe 0 đồng", bệnh tình của con ổn định hơn. Thấy con như thế, vợ tôi cũng dần không phản đối nữa. Tất nhiên, là trụ cột gia đình, mình phải chu toàn cho vợ con nhưng tôi cũng như các anh em khác, phải cân đối giữa việc kiếm tiền và làm thiện nguyện để vẹn đôi đường", anh Úy tâm sự.
Tiếng lành đồn xa, người dân biết đến nhóm "xe 0 đồng" nhiều hơn, số cuộc gọi nhờ hỗ trợ vì thế cũng tới tấp "bay về", nhất là các thời điểm giao mùa, nhiều người phải nhập viện. Nhiều mạnh thường quân và bạn bè trên Facebook biết, hỗ trợ thêm anh em một khoản kinh phí xăng xe, dù không nhiều lắm. Thông qua nhóm "xe 0 đồng", nhiều nhóm thiện nguyện trong và ngoài nước đã kết nối, nhờ vậy những món quà thơm thảo của các tấm lòng hảo tâm đã được nhóm chuyển kịp thời đến người dân trong dịp Tết hay sau các trận bão lũ, thiên tai.
Những chuyến đi kịp thời, người bệnh được can thiệp sớm, sức khỏe ổn định hơn, nhưng cũng có những chuyến đi không thể giúp người bệnh chống được mệnh trời, để lại cho những "tài xế 0 đồng" nhiều tâm tư. Thực ra, xe dùng để vận chuyển bệnh nhân là xe cá nhân, không được trang bị những vật dụng hỗ trợ cấp cứu chuyên dụng, cũng không thể để người bệnh nằm một cách thoải mái, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nặng. Bởi vậy, việc có một chiếc xe cấp cứu chuyên dụng là hết sức cần thiết.
"Hiện chúng tôi đang vận động bà con nhân dân, các doanh nghiệp, con em Thanh Chương thành đạt ở trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí mua xe cấp cứu chuyên dụng. Tất nhiên, dù xe cấp cứu chuyên dụng nhưng vẫn hoạt động trên tinh thần hỗ trợ 0 đồng cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một chiếc xe cấp cứu chuyên dụng mua lại, dùng ổn cũng rơi vào tầm gần 600 triệu đồng. Hiện nhóm mới vận động được gần 200 triệu, vẫn còn cách mục tiêu một quãng khá xa", anh Nguyễn Tư Hoàng - một thành viên của nhóm cho hay.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên