Những đứa trẻ không thân phận
(Dân trí) - Giữa thành phố lớn, phát triển bậc nhất cả nước vẫn có hàng trăm trẻ không một mảnh giấy tờ chứng minh thân phận của mình…
Phiêu bạt giữa đời
Bé Nh. sống lang thang cùng mẹ trên vỉa hè quận 11. Thấy cháu ngủ trước thềm nhà lạnh lẽo, chủ nhà thương tình cho vào nhà ngủ nhờ nhưng không dám cho người mẹ vào.
Khi biết chuyện, chính quyền địa phương nhiều lần tiếp xúc người mẹ, hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho bé. Mẹ bé cho biết là chồng bỏ đi, chị sinh bé ở một bệnh viện trên địa bàn thành phố nhưng cơ quan chức năng xác minh tại bệnh viện không có thông tin.
Mẹ con bé sống lang thang, không có nơi tạm trú cố định nên cũng không làm được mã số định danh. Chính quyền địa phương vận động chủ nhà mà mẹ con Nh. ngủ nhờ cho họ đăng ký tạm trú tại địa chỉ này nhưng chủ nhà chưa đồng ý. Do đó, Nh. vẫn chưa làm được giấy khai sinh hay bất kỳ giấy tờ gì khác.
Th. thì ở trọ cùng bà ngoại tại quận 11. Bà kể sang Trung Quốc nhận cháu rồi đưa về Việt Nam, đi xe đò qua đường tiểu ngạch, không có thông tin xuất nhập cảnh hay giấy tờ gì để chứng minh 2 người là bà cháu. Cơ bản nhất là giấy chứng sinh của Th. cũng không có. Do đó, Th. cũng không làm được giấy tờ gì để chứng minh thân phận của mình.
Những đứa trẻ sống lang thang, không giấy tờ tùy thân rất dễ rơi vào cạm bẫy và con đường phạm pháp (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
Bé T. ở huyện Củ Chi, TPHCM. Trước đây, mẹ của T. đăng ký kết hôn với người nước ngoài, sau đó có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam. Năm 2012, mẹ T. về nước, lấy chồng khác rồi bỏ, đến đời chồng thứ 3 thì sinh ra T.
Chính quyền địa phương nỗ lực hết sức để vận động mẹ T. làm giấy khai sinh cho cháu nhưng khi liên hệ Sở Ngoại vụ thì không có giấy tờ gì để xác định quốc tịch của người mẹ. Trên giấy tờ, mẹ T. đã thôi quốc tịch Việt Nam. Từ đó, T. cũng không vô danh trên giấy tờ.
Tại quận Bình Tân có 2 trường hợp trẻ em sinh ra tại Campuchia, cha mẹ không có giấy tờ chứng sinh của con. Chính quyền địa phương tiếp xúc nhiều lần vẫn chưa thể làm giấy khai sinh cho 2 bé vì ràng buộc của Luật Hộ tịch.
Tại quận 7 có 2 đứa trẻ không thể làm giấy khai sinh vì cả cha mẹ các bé không có giấy tờ tùy thân, giấy chứng sinh của con, vì thế đương nhiên... không có.
Tại quận Bình Thạnh có 2 đứa trẻ cũng trong tình cảnh không có giấy tờ tùy thân vì không cha, mẹ thì đi tù. 2 bé ở cùng bà ngoại, lang thang từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, các cơ quan vẫn chưa thể làm giấy tờ cho 2 bé.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM, cho biết: "Qua các cuộc giám sát và ý kiến cử tri, HĐND thành phố phát hiện một số trẻ em dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng chưa nhận được chính sách chăm lo vì chưa có giấy tờ tùy thân".
HĐND TPHCM đã tổ chức khảo sát thực tế và thống kê hơn 1.000 người không có giấy tờ chứng minh thân phận của mình, trong đó 575 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi...) đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương.
Sau khi xác minh 575 trẻ không có giấy tờ tùy thân nói trên, cơ quan chức năng thông tin có 444 trẻ đang thực tế cư trú ở TPHCM, số còn lại đã di chuyển sang địa phương khác.
Đủ cảnh thiệt thòi
Cha mẹ chị Qu. là người Việt sống ở vùng Biển Hồ (Campuchia). Từ năm 8 tuổi, Qu. về Việt Nam sinh sống nhưng không có giấy tờ tùy thân. Khi sinh con, do không có giấy tờ nên chị Qu. không làm được giấy khai sinh cho con gái. Thấy thủ tục phức tạp, cuộc sống khó khăn nên Qu. bỏ qua, không để ý đến chuyện này.
Đến khi con gái Qu. được 1 tuổi, bé phát bệnh hiểm nghèo, phải phẫu thuật gấp mà chị không kịp làm khai sinh để làm thẻ BHYT cho con nên phải đóng số tiền phẫu thuật rất lớn.
Chị Qu. chia sẻ: "Sau ca phẫu thuật, em được chính quyền hỗ trợ làm khai sinh cho con để có BHYT. Tuy mất công nhưng sau đó thì tiền chữa bệnh cho con đỡ tốn kém, áp lực hơn nhiều".
Trở về từ Campuchia, Qu. không có giấy tờ tùy thân nên con gái cũng không có giấy khai sinh, tốn rất nhiều tiền khi bệnh nặng (Ảnh: Tùng Nguyên).
Khi nghiên cứu về hoạt động làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em, tiến sĩ Lê Văn Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, còn ghi nhận trường hợp trẻ nhiễm HIV nhưng vì không có giấy tờ định danh nên không thể nhận thuốc miễn phí. Vì vậy, cơ sở bảo trợ chăm sóc bé phải rất tốn kém chi phí để điều trị cho bé.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết: "Trong quá trình làm việc, chúng tôi ghi nhận nhiều gia đình nhiều thế hệ không có giấy tờ tùy thân. Từ ông bà, cha mẹ cho đến các cháu đều không có giấy tờ gì. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của những đứa trẻ. Từ lớp 1 đến lớp 5, các cháu có thể được gửi học ở các lớp học tình thương nhưng lớn lên thì học ở đâu?".
Không có giấy tờ tùy thân ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của những đứa trẻ.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, khi không có giấy tờ tùy thân, các cháu chịu đủ cảnh thiệt thòi, không được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm y tế, giáo dục… Đồng thời, các bé không có giấy tờ tùy thân có nguy cơ rơi vào các vấn nạn như lao động sớm, bị khống chế làm việc phạm pháp.
Trước hệ quả rất lớn tác động đến tương lai của đứa trẻ không có giấy tờ tùy thân, HĐND TPHCM xác định việc giúp trẻ làm giấy tờ, để các cháu được thụ hưởng các chính sách phúc lợi là một hoạt động quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an Thành phố, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố, Công Đoàn viên chức Thành phố và chính quyền các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thống kê và hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho từng trường hợp. Tính đến ngày 21/11, 6 đơn vị trên đã hỗ trợ cấp giấy khai sinh cho 417/444 trường hợp.
Theo ông Phạm Đình Nghinh, bảo vệ trẻ em ở lĩnh vực nào cũng quan trọng nhưng giấy tờ pháp lý là cái gốc để đảm bảo mọi quyền của các em. Vì không có giấy tờ tùy thân, các em sẽ không được bảo hộ và hưởng chính sách an sinh xã hội.
Quy trình chuẩn
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, khẳng định: "Làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đảm bảo không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mỗi trẻ em đều được hưởng quyền lợi cơ bản về an sinh xã hội".
Với quyết tâm đó, 6 đơn vị liên ngành và chính quyền 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đã nỗ lực suốt 1 năm qua để giải quyết từng hồ sơ, cấp giấy tờ tùy thân cho 417 trường hợp rất nan giải.
Làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của chúng ta.
Theo ông Phạm Đình Nghinh, trong quá trình triển khai hỗ trợ làm giấy tờ cho các em, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Khó nhất là tính di động của nhóm đối tượng này rất lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cháu đã theo cha mẹ di chuyển qua nhiều địa phương khác nhau, không còn ở địa chỉ cũ để cơ quan công an xác minh, làm giấy tờ.
Khó khăn thứ hai là sự thiếu chủ động của chính gia đình. Người nuôi dưỡng trẻ mải lo cơm áo gạo tiền hằng ngày, không quan tâm đến việc làm giấy tờ cho con trẻ. Thậm chí, các đơn vị còn gặp phải sự thiếu chủ động từ một số cơ sở nuôi dưỡng trẻ, thiếu chủ động từ một số địa phương...
Thứ ba, tính phức tạp của vấn đề này rất lớn khi có nhiều trường hợp là gia đình nhiều thế hệ đều không có giấy tờ dẫn đến việc xác minh nguồn gốc trẻ gần như bất khả thi. Đó là chưa kể đến các vướng mắc về pháp luật hộ tịch, các vấn đề nhân thân có yếu tố nước ngoài...
Để làm giấy tờ cho 444 trẻ em trên, 6 đơn vị do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM chủ trì đã phải tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành giải quyết từng ca khó khăn. Nhiều cán bộ chuyên môn tư pháp, hộ tịch, công an phải ngồi cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ từng vướng mắc pháp lý cho những hồ sơ khó. Nỗ lực lớn nhất là cán bộ địa phương phải liên hệ lấy thông tin, vận động gia đình, xác minh hồ sơ cho từng trẻ...
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM trong hành trình xác minh nhân thân cho trẻ lang thang (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Qua chương trình này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã tổng hợp các tình huống phát sinh, cách giải quyết hồ sơ cho từng trường hợp một để soạn thảo bộ cẩm nang hướng dẫn công tác cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố.
Quy trình phối hợp xử lý nhân khẩu đặc biệt, diện không có giấy tờ tùy thân (Nguồn: PC06 Công an TPHCM).
Ông Phạm Đình Nghinh cho biết, không phải hoàn tất việc làm giấy tờ cho 444 trẻ đã xác minh trong năm 2024 là xong mà tình trạng này vẫn luôn tiếp diễn khi người dân các nơi vẫn di cư về thành phố.
Trong quá trình giải quyết 444 hồ sơ này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tiếp nhận thêm gần 100 hồ sơ mới, đã xác minh bước đầu và chuyển sang cơ quan công an 80 hồ sơ. Chưa kể, ngoài trẻ em dưới 16 tuổi thì vẫn còn nhiều thanh thiếu niên 16-18 tuổi và người trưởng thành trên 18 tuổi đang sinh sống ở TPHCM cũng không có giấy tờ tùy thân.
Do đó, ông Phạm Đình Nghinh hy vọng khi đã có quy trình chuẩn, các cơ quan, đơn vị, địa phương gặp trường hợp tương tự sẽ căn cứ vào đó để giải quyết, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho những trường hợp trên.