Giải quyết điểm nghẽn giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
(Dân trí) - Trẻ em không có giấy tờ tùy thân là điểm nghẽn trong công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tồn tại nhiều năm nay. TPHCM đã gần hoàn tất việc xóa bỏ điểm nghẽn này.
Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau
Ngày 21/11, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an Thành phố, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố và Công Đoàn viên chức Thành phố tổ chức tọa đàm "Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt".
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích thực trạng và những khó khăn cụ thể trong công tác cấp giấy tờ cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt. Việc thiếu giấy tờ pháp lý không chỉ cản trở các em trong việc học tập, tiếp cận y tế mà còn ảnh hưởng lớn đến tương lai của các em.
Theo các đại biểu, hiện việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Những vướng mắc chính là thiếu giấy tờ chứng minh từ cha mẹ, khó khăn trong thủ tục hành chính, thiếu sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan đã khiến quá trình cấp giấy tờ trở nên phức tạp.
Đặc biệt, các quy định pháp lý hiện hành chưa có sự linh hoạt cho các trường hợp đặc biệt, trong khi nhiều gia đình và trẻ em không nhận được sự hỗ trợ cần thiết về thông tin và pháp lý.
Ngoài ra, nhận thức của một số gia đình, đặc biệt là gia đình di cư, về tầm quan trọng của giấy tờ tùy thân còn hạn chế, dẫn đến tình trạng không làm giấy tờ cho trẻ hoặc bỏ sót các thủ tục liên quan.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, cho biết: "TPHCM là địa phương thu hút đông người dân các tỉnh thành đến sinh sống, làm việc; trong đó có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, di cư cùng gia đình từ vùng sâu vùng xa, có nhiều khó khăn về việc làm giấy tờ tùy thân".
Khi không có giấy tờ tùy thân, các em không được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm y tế, giáo dục… Đồng thời, có nguy cơ rơi vào các vấn nạn như lao động sớm, bị khống chế làm việc vi phạm pháp luật.
"Do đó, làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của chúng ta. Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, mỗi trẻ em đều có quyền lợi cơ bản về an sinh xã hội", ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.
Còn 27 trường hợp vướng mắc
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho biết 6 đơn vị đã phối hợp với nhau xây dựng một cơ chế kết nối hiệu quả giữa cơ quan công an, tư pháp, y tế, giáo dục… để xác minh, cấp giấy tờ tùy thân cho các em tốt hơn. Từ cơ chế này, một quy trình chuẩn đã ra đời, làm mô hình mẫu cho các đơn vị thực hiện theo.
Thống kê khi triển khai kế hoạch cho thấy, trên địa bàn thành phố có 575 em tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương rơi vào hoàn cảnh này; trong đó có 444 trẻ đang thực tế cư trú ở TPHCM, số còn lại đã di chuyển về các tỉnh thành khác.
Tính đến sáng 21/11, 6 đơn vị đã hỗ trợ cấp giấy khai sinh cho 417/444 trường hợp, còn 27 trường hợp chưa được cấp giấy khai sinh. Đây đều là những trường hợp còn nhiều vướng mắc mà 6 đơn vị phối hợp vẫn chưa thể giải quyết.
Đại diện các quận, huyện trình bày từng hồ sơ một trong 27 hồ sơ chưa thể giải quyết. Lãnh đạo Công an TPHCM, Sở Tư pháp Thành phố cho ý kiến giải quyết từng trường hợp một.
Ông Cao Thanh Bình thống kê cho thấy các đại biểu đã đóng góp 18 nhóm giải pháp, đề xuất nhằm giải quyết vướng mắc trong việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong 27 trường hợp chưa giải quyết thì đã có giải pháp cho 21 trường hợp và sẽ hoàn thành trong tháng 12. Tuy nhiên, vẫn còn 6 trường hợp trẻ em phải chờ xin ý kiến của các cơ quan trung ương.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị các đơn vị tiếp tục nỗ lực, phối hợp với nhau để giải quyết dứt điểm, cần thì tổ chức họp liên ngành giải quyết từng trường hợp còn vướng mắc.
"Nếu làm bằng tất cả trái tim, trách nhiệm của chúng ta với trẻ em, tất cả các trường hợp vướng mắc đều có thể có cách giải quyết được", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá: "Cấp giấy tờ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là điểm nghẽn trong nhiều năm, không chỉ ở TPHCM, dẫn đến nguy cơ có nhiều trẻ em sống ngoài vòng pháp luật, bị bỏ lại phía sau, không được hưởng các chính sách an sinh xã hội. TPHCM đã giải quyết được vấn đề tồn tại nhiều năm nay".