Nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà mong muốn nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực tại các địa phương...
"Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn khó xóa bỏ nhưng không có nghĩa là không thể chấm dứt", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh thông điệp đó tại hội nghị tổng kết Chương trình gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Theo bà Hà, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, xây dựng các tài liệu hướng dẫn tiêu chuẩn các dịch vụ xã hội, y tế, tư pháp. Cùng với đó triển khai, nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới ở các địa phương.
Thời gian tới, ngành sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Bình đẳng giới, xây dựng, vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Thứ trưởng mong muốn được tiếp tục hợp tác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc trong hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan, ban ngành, địa phương của Việt Nam.
Về phía các bộ, ngành, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để triển khai các quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực.
Kết quả triển khai Chương trình gói dịch vụ thiết yếu từ 2017-2022 cho thấy tính sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, hành pháp và tư pháp, xã hội được cải thiện rõ rệt tại địa phương thí điểm là tỉnh Bến Tre.
"Các đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được mở rộng ra đến 89 xã phường thuộc thành phố Bến Tre, huyện Chợ Lách, Bình Đại, Mỏ Cày Nam và Ba Tri.
Thành viên của các đội được cung cấp các công cụ như sổ tay, bảng kiểm, được tập huấn về công tác phòng ngừa, xử lý bạo lực giới, đảm bảo an toàn và hỗ trợ người trải qua bạo lực để biết cách xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn.
Đội phản ứng nhanh phòng chống gia đình của tỉnh Bến Tre đã trở thành mô hình tiêu biểu trên toàn quốc", bà Nguyễn Nguyệt Minh - Chuyên gia cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UN ODC) thông tin.
Chia sẻ về thành tựu từ gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em ở địa phương, bà Võ Ngọc Châu Quyên - đại diện tổ phản ứng nhanh tỉnh Bến Tre chia sẻ, quá trình triển khai cho thấy những kết quả rất đáng kể.
"Việc các tổ phản ứng nhanh phát triển rộng rãi đến xã phường thì các vụ việc bạo lực trẻ em, phụ nữ khi được phát hiện ở địa phương, qua báo cáo trực tiếp hoặc qua đường dây nóng thì thời gian đến với từng trường hợp cụ thể được xử lý rất nhanh.
Qua việc tiếp cận thông tin đó có sự gắn kết phối hợp kết nối các dịch vụ giữa các đơn vị liên quan, từ đó kết nối nhanh chóng hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực. Đó là một thành tựu rất lớn mà chúng tôi đã đạt được", bà Quyên nói.
Ý kiến đại biểu đề xuất đánh giá kết quả để nhân rộng mô hình thí điểm hỗ trợ nạn nhân trong cộng đồng như nhà tạm lánh, ngôi nhà bình yên, trung tâm một cửa, đường dây nóng dễ nhớ, dễ tiếp cận và hiệu quả.
Trưởng đại diện tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) tại Việt Nam - bà Elisa Fernandez Saenz đề xuất Chính phủ Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa nguồn lực cho các dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực.