DNews

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những tình nguyện viên Nghệ An rơi nước mắt gặp người dân bản Liền (Lào Cai) đi ngược ra tìm lương thực. "Đây là nhóm thiện nguyện đầu tiên vào với bà con", họ nói, khi trên vai nặng trĩu hàng hóa.

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập

5 ngày trong tâm lũ

Sau 5 ngày lăn lộn ở Lào Cai, Yên Bái cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ, đoàn cứu trợ Đội xe 0 đồng (Thanh Chương, Nghệ An) trở về với công việc hàng ngày.

26 tấn hàng hóa trị giá gần 300 triệu đồng, gần 200 triệu đồng tiền mặt là tấm lòng của người dân Thanh Chương gửi gắm đoàn, đã được trao đến đồng bào bị bão lũ phía Bắc.

"Đã xem qua ti vi rồi nhưng ra tận nơi, chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát, chúng tôi thấm thía bà con mất mát như thế nào trong cơn lũ lịch sử này", anh Nguyễn Tư Hoàng (Đội xe 0 đồng) chia sẻ sau hành trình cứu trợ qua 10 điểm thuộc huyện Bắc Hà (Lào Cai) và thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 1

Xe cứu trợ chở hàng hóa của người dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) sa lầy trên đường tiếp cận khu vực bị chia cắt (Ảnh: Tư Hoàng).

5 ngày ở tâm lũ, các thành viên trong đoàn mệt nhoài khi chỉ chợp mắt được ngày vài tiếng đồng hồ, di chuyển trên những cung đường sạt lở, vai ê ẩm vì mang vác hàng hóa lội bùn đất. Nhưng những mệt nhọc ấy như lùi về phía sau, khi những túi hàng cứu trợ đến tận tay người cần.

Anh Hoàng vẫn nhớ như in khi vượt cung đường sạt lở, bùn lầy trơn trượt vào bản Liền (xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Sau 1 đêm mắc kẹt ở xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), đoàn xe thiện nguyện của huyện Thanh Chương được đích thân ông Vàng Văn Ngân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Bắc Hà vượt đèo ra đón, dẫn đi đường tắt qua xã Cốc Ly để vào trung tâm huyện.

"Anh cho chúng tôi vào nơi nào khó khăn, bà con cần cứu trợ nhất", anh Hoàng đề đạt.

Ông Ngân khẽ nhíu mày: "Khó đấy anh ạ. Bản Liền, xã Nậm Khánh bị thiệt hại nặng nhưng đường đang bị chia cắt, nguy hiểm lắm, ô tô chưa vào được. Quãng đường 60km nhưng sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn chỉ vừa một bánh xe máy qua thôi, còn 6km phải đi bộ".

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 2

Đoàn cứu trợ của nhóm xe 0 đồng được người dân địa phương hỗ trợ, chở hàng hóa vào bản Liền, xã Nậm Khánh, Bắc Hà, Lào Cai (Ảnh: Tư Hoàng).

"Anh cứ để chúng tôi thử, bà con trong đấy đang cần", anh Hoàng quả quyết, nhưng làm cách nào để vào đó với cả chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm thì vẫn chưa nghĩ ra.

Chưa biết tính sao thì thấy một đội xe máy rất đông, phía sau đã trang bị đầy đủ giá sắt để chở hàng, anh Hoàng đánh bạo lại hỏi: "Anh chị có thể chở chúng tôi và số hàng hóa kia vào bản Liền được không?".

"Em từ miền trong ra cứu trợ bà con hả?. Được, đi, đi ngay em ơi, người dân trong đó đang đói lắm", một người đàn ông với khuôn mặt không giấu nổi sự mệt mỏi nhưng đôi mắt ánh lên khi thấy đoàn cứu trợ đến.

18 tài xế, trong đó có 2 nữ, là giáo viên, tiểu thương, cán bộ địa phương, ngay lập tức tiến lại điểm tập kết hàng. 12 chiếc xe được huy động để chở thịt hộp, sữa, xúc xích, bánh, gạo, màn, đèn pin và cá khô, vừng lạc... 6 xe còn lại chở 6 thành viên trong đoàn.

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 3

Người dân bản Liền vượt sạt lở đi nhận cứu trợ (Ảnh: Tư Hoàng).

Đoàn xe ầm ì leo dốc, lách qua những lối đi chỉ tầm gang tay trơn trợt, một bên là vực sâu. Đến đoạn xe không thể di chuyển, cả đoàn xuống tăng bo hàng hóa qua bùn lầy rồi gùi đi sâu vào bản.

"Chúng tôi gặp một nhóm người dân đi ngược chiều, tiều tụy, hốc hác. Họ bảo lương thực dự trữ đã hết mấy ngày rồi, đói quá nên tìm đường ra xã xin gạo. Nhận từ đoàn những túi quà gồm thịt hộp, bánh mì, gạo, cá khô...., bà con khóc, bảo mừng quá, không bị đói nữa. "Các anh chị là đoàn thiện nguyện đầu tiên đến với bà con", nghe họ nói vậy, chúng tôi cũng rưng rưng muốn khóc", anh Hoàng kể.

Chuyến đi đáng nhớ với anh Hoàng và anh chị em trong đoàn, không chỉ là đã trao tận tay tình cảm của bà con quê nhà với đồng bào vùng lũ, mà suốt chuyến đi, họ luôn được chính quyền các địa phương và người dân hỗ trợ hết mình. Như 18 người dân đã bất chấp hiểm nguy, đưa anh Hoàng và các cộng sự vào bản Liền, đã tự xem đó là bổn phận của mình mà từ chối khoản tiền xăng đoàn cảm ơn.

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 4

Nữ tình nguyện viên Nghệ An ăn tạm miếng mì tôm sống trên đường chuyển hàng cứu trợ vào bản làng bị lũ chia cắt ở Lào Cai (Ảnh: Tư Hoàng).

Tiếng reo hò bên kia sông Chảy

Khi cơn lũ dữ tàn phá các tỉnh miền Bắc, chị Đặng Thị Hoa (trú huyện Yên Thành, Nghệ An) cùng những người bạn của mình bắt tay kêu gọi sự đóng góp của người dân và các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn. Người góp công, người góp của, người góp chuyến xe, người đảm trách tay lái, cả guồng máy bắt đầu ráp với nhau nhưng vận hành trơn tru, nhuần nhuyễn, bởi chất xúc tác duy nhất là tình cảm hướng về đồng bào vùng lũ.

"Anh em nóng ruột quá, tự tổ chức đi và tự dặn mình, phải có trách nhiệm với sự gửi gắm, tin tưởng của các mạnh thường quân và phải làm mọi cách để tình cảm ấy đến được tay nhân dân vùng lũ", anh Nguyễn Hữu Kiên, một thành viên của nhóm chia sẻ.

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 5
Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 6

Đoàn cứu trợ tập kết hàng để vượt sông Chảy đến với bà con đang bị cô lập (Ảnh: Hữu Kiên).

Đoàn liên hệ với Mặt trận Tổ quốc huyện Bảo Yên (Lào Cai), nơi bị lũ tàn phá nặng nề và được biết các thôn 3 Vanh, 4 Vanh, thuộc xã Xuân Thương, huyện Bảo Yên đang bị chia cắt. Tuyến đường bộ đến 2 khu vực này bị hư hỏng nặng nề, không thể lưu thông, cách duy nhất để tiếp cận là dùng thuyền vượt sông Chảy. Nhưng con sông mùa lũ, nước đục ngầu chảy ào ào khiến vị cán bộ địa phương ái ngại, lo đoàn không thể đảm bảo an toàn khi vượt sông.

4 chiếc thuyền được bố trí để chuyển hàng qua sông trong nỗi lo lắng của các thành viên đoàn và cơ quan chức năng. Nhưng ở trong hoàn cảnh này, khó có sự lựa chọn khác. Công tác đảm bảo an toàn được đưa lên hàng đầu.

Hàng hóa được tăng bo từ ô tô xuống, tập kết bên bờ sông. Những chiếc thuyền chao đảo, phải gắng hết sức giữ thăng bằng để chất đồ lên.

Ngày ngủ 2 tiếng, vượt bùn lầy, sạt lở đi tiếp tế bản bị lũ cô lập - 7

Người dân thôn 3 Vanh hỗ trợ đoàn cứu trợ đưa hàng hóa về khu tập trung để chuyển tới từng hộ dân (Ảnh: Hữu Kiên).

"Điều chúng tôi thực sự cảm động là khi hàng hóa được chuyển xuống thuyền, bà con nghe tin có đoàn cứu trợ qua, đã tập trung bên kia bờ sông reo hò.

Khi hàng qua, bà con trực tiếp vận chuyển vào nhà văn hóa, dù bão lũ cuốn trôi đi mọi thứ, dù ai cũng khó khăn nhưng mọi người rất trật tự, không chen lấn, không tranh giành. Thậm chí, có những trường hợp rất thương, chúng tôi đưa thêm một phần quà nhưng họ từ chối, bảo "để dành cho người khác"", anh Kiên kể.

Những tình nguyện viên từ vùng rốn lũ miền Trung đã lặng người trước nỗi đau thương, mất mát của đồng bào mình, nhất là đứng trước nỗi đau của người dân Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên). Không thể đến tận nơi để giúp bà con, đoàn tranh thủ vào bệnh viện, nơi một số nạn nhân đang điều trị thăm hỏi, trao phần quà động viên, chia sẻ...

"Đứng trước những thiệt hại đồng bào phải gánh chịu sau cơn lũ dữ, chúng tôi thấy những gì mình làm mấy ngày qua là quá nhỏ bé. Chỉ mong rằng, những việc làm bé nhỏ ấy, cùng nhân dân cả nước, sẽ tiếp thêm niềm tin và động lực để bà con sớm vượt qua, sớm ổn định cuộc sống", anh Quang Hào, thành viên của nhóm chia sẻ.