Bé gái bị đuối nước được người phụ nữ đang thư giãn, đắp mặt nạ sơ cứu
(Dân trí) - Phát hiện bé gái bị đuối nước trong hồ bơi khách sạn, người phụ nữ Trung Quốc đang thư giãn đắp mặt nạ vội chạy đến sơ cứu.
Ngày 10/2, một bé gái được mẹ đưa đến hồ bơi khách sạn ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tự chơi đã rơi khỏi phao và đuối nước.
Thời điểm đó, nhân viên khách sạn không có mặt tại hồ bơi để ứng cứu. Khi được đưa lên bờ, cô bé đã không còn dấu hiệu sự sống.
Lúc đó, Peng Lingmin (đến từ tỉnh Tứ Xuyên) đang nằm thư giãn, đắp mặt nạ bên hồ bơi đã lao đến sơ cứu cho bé gái. Chị gái của Peng đã quay lại khoảnh khắc đó, trong khi chờ xe cấp cứu.
Sau 5 phút Peng nỗ lực thực hiện các động tác hồi sức, bé gái dần hồi tỉnh, được kịp thời chuyển đến bệnh viện.

Cô Peng thực hiện các động tác sơ cứu cho bé gái bị đuối nước (Ảnh: NetEase Hao).
Peng cho biết chưa từng được đào tạo về hô hấp nhân tạo. Nhưng là mẹ của một em bé, cô đã chú ý tìm hiểu các biện pháp điều trị khẩn cấp trên mạng xã hội.
Cô hiểu được tầm quan trọng của việc được đào tạo CPR (hồi sức tim phổi) đúng cách, kêu gọi trường học, công ty và cộng đồng tổ chức những khóa học hồi sức.
Cô cũng đề nghị ban quản lý các hồ bơi công cộng tuyển thêm nhân viên cứu hộ và trang bị thiết bị sơ cứu.
Peng cho biết não cô "trống rỗng" vào thời điểm xảy ra sự cố, chỉ hành động theo bản năng.
"Tay tôi chỉ bắt đầu run khi nghe thấy tiếng bé gái khóc", Peng nói. Sau sự việc, cô và chị gái tiếp tục chuyến nghỉ dưỡng của mình.

Hành động kịp thời của Peng đã cứu sống bé gái (Ảnh: NetEase Hao).
Peng sau đó được khen thưởng 5.000 nhân dân tệ (hơn 17 triệu đồng) kèm chứng nhận từ một quỹ phúc lợi cộng đồng.
"Cảm ơn nữ siêu anh hùng", một người dùng mạng viết.
"Khách sạn nên bị phạt vì không có nhân viên cứu hộ tại hồ bơi", một người khác nói.
Theo dữ liệu do Liên đoàn từ thiện Trung Quốc cung cấp, mỗi năm có khoảng 8 triệu người tử vong do ngừng tim ngoài bệnh viện ở nước này. Tỷ lệ sống sót sau cơn ngừng tim ngoại viện ở mức đáng báo động, chỉ 1%, thấp hơn so với tỷ lệ 10% ở Mỹ và 8% ở Châu Âu.
Theo báo cáo năm 2021 của Tạp chí quản lý y tế công cộng Trung Quốc, chỉ có 1% dân số nước này có kiến thức sơ cứu.
Theo các chuyên gia, khi phát hiện trẻ đuối nước, điều đầu tiên cần làm là đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước, đánh giá tình trạng hô hấp và tim mạch.
Nếu nạn nhân không thở hoặc tim ngừng đập, cần nhanh chóng thực hiện các bước: Ép tim ngoài lồng ngực bằng cách đặt tay trên xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3-1/2 lồng ngực với tốc độ 100 lần/phút. Ngoài ra, cần thổi ngạt kết hợp với ép tim. Thổi ngạt giúp cung cấp oxy cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người cấp cứu, thực hiện 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt; nếu có hai người cấp cứu, thực hiện 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.
Trong khi thực hiện cấp cứu cần kiểm tra lại tình trạng nạn nhân sau mỗi 2 phút, đánh giá lại xem người đuối nước có thở lại hay không, có mạch không.
Khi nạn nhân có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra chức năng sau hồi sinh tim phổi.
Việc dốc ngược nạn nhân để nước chảy ra khỏi miệng, theo các chuyên gia, là một sai lầm phổ biến. Hành động này chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn như hồi sức tim phổi, gây tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.