DNews

Nam công nhân tiêu 2 triệu đồng/tháng: Chuyện "tầng lớp lao động bấp bênh"!

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Lao động phổ thông ở TPHCM có thu nhập chỉ vừa đủ sống, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào cảnh bế tắc khi xảy ra các sự cố bất ngờ.

Nam công nhân tiêu 2 triệu đồng/tháng: Chuyện "tầng lớp lao động bấp bênh"!

Lương 8 triệu đồng, tiết kiệm được 6 triệu mỗi tháng

Anh An (30 tuổi) ở huyện Củ Chi (TPHCM) đi làm công nhân với mức lương 8 triệu đồng. Chưa vợ con, không phải gửi tiền cho cha mẹ, không mua sắm đồ công nghệ và ít tụ tập ăn nhậu nên mỗi tháng, An chỉ chi tiêu trong khoảng 2 triệu đồng, để dành được 6 triệu.

An chia sẻ chi phí hằng tháng của mình: Phòng trọ bao điện nước 800.000 đồng, tiền ăn 500.000 đồng (công ty bao ăn 2 bữa/ngày), tiền xăng xe 200.000 đồng, 50.000 đồng nạp điện thoại để dùng 4G, mua sắm đồ dùng lặt vặt 200.000 đồng.

Bảng tính chi phí sinh hoạt hằng tháng của chàng trai 30 tuổi khiến cộng đồng mạng bất ngờ vì không thể tưởng tượng nổi có người chỉ chi tiêu 2 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều người khen An biết cách tiết kiệm nhưng hoàn cảnh của An chỉ là cá biệt vì không có gánh nặng con cái, cha mẹ. Bởi với người lao động bình thường, dù sống tằn tiện thì cũng phải có những khoản chi tiêu bắt buộc cho người phụ thuộc.

Nam công nhân tiêu 2 triệu đồng/tháng: Chuyện tầng lớp lao động bấp bênh! - 1

Hầu hết lao động phổ thông chỉ có thu nhập đủ sống, không thể tiết kiệm (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, quy mô trung bình của mỗi hộ gia đình tại TPHCM là 3,3 người, trong đó có 2,2 người trong độ tuổi lao động. Như vậy, trong 1 gia đình, mỗi người trong độ tuổi lao động phải nuôi thêm 0,5 người phụ thuộc.

Lao động là người ngoại tỉnh đến TPHCM làm việc còn phải tốn thêm chi phí nhà trọ và những người phụ thuộc ở quê nhà phải chăm sóc như con nhỏ, cha mẹ già… Những người phụ thuộc này thường không nằm trong các số liệu thống kê của TPHCM.

Nhân sự trẻ Ánh Dương kể về người bạn đồng nghiệp lương 20 triệu đồng mà mỗi tháng phải gửi về quê cho cha mẹ 5 triệu, cho 2 em 5 triệu để ăn học. Còn 10 triệu "khoán" cho khoản tiền nhà trọ, sinh hoạt, trả nợ tiền vay để học đại học nên cô hầu như không tiết kiệm được.

Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife) từng thực hiện khảo sát thực trạng đời sống người lao động tại TPHCM vào cuối năm 2022. Đối tượng khảo sát là 400 người lao động, gồm 300 người ngoại tỉnh và 100 người có hộ khẩu ở TPHCM, làm các nghề thông dụng như nhân viên văn phòng, công nhân, giáo viên, người buôn bán nhỏ, lao động tự do…

Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 73% người lao động phải dùng 10%-30% thu nhập để trả tiền nhà trọ. Cá biệt, có gần 3% số lao động phải dùng đến 50% thu nhập cho tiền nhà trọ. Ngoài tiền nhà trọ, chi tiêu lớn nhất của họ là dành cho tiền ăn, điện nước, điện thoại, cho con đi học…

Nam công nhân tiêu 2 triệu đồng/tháng: Chuyện tầng lớp lao động bấp bênh! - 2

Lao động thu nhập thấp dễ rơi vào cảnh bế tắc khi có sự cố như đau bệnh, tai nạn... (Ảnh minh họa: Hải Long).

Nhóm lao động này cũng không phải là người lười biếng mà mỗi ngày đều làm việc từ 8,4-10,5 giờ. Tuy nhiên, thu nhập của họ chỉ dao động trong khoảng 4,5-15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi tiêu trung bình của 1 hộ gia đình là hơn 12,5 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về mức sống của người lao động phổ thông, nhóm nghiên cứu của Viện SocialLife đưa ra con số: 0,3% có mức sống dư dả, 56% đủ sống và hơn 43% đang ở hoàn cảnh thiếu thốn.

Tầng lớp lao động bấp bênh

Anh Hưng (39 tuổi) học nghề cơ khí, làm thợ máy tại một công ty da giày ở quận Bình Tân (TPHCM). Năm 2011, anh lập gia đình với bạn gái cùng quê, cùng thuê trọ và làm công nhân ở TPHCM. Hai vợ chồng đều có việc làm nên cuộc sống khá ổn định, thu nhập có dư để hỗ trợ cha mẹ hai bên.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng Hưng đồng loạt thất nghiệp, phải tiêu vào tiền tiết kiệm. Đúng lúc này, con nhỏ của anh chị phát hiện mắc ung thư. Ngoài khoản tiền tiết kiệm tiêu sạch, vợ chồng anh còn phải vay mượn thêm bên ngoài.

Cuộc sống khó khăn, vợ chồng lục đục rồi ly hôn. Anh Hưng một mình nuôi con nhưng thất nghiệp vì phải nghỉ chăm con ở bệnh viện, cuộc sống của hai cha con rơi vào bế tắc…

Kết quả khảo sát của SocialLife cho thấy, chỉ có 40% lao động phổ thông có thể tiết kiệm nhưng mức phổ biến chỉ là 1-2 triệu đồng/tháng. Số còn lại hầu như tiết kiệm được rất ít, hoặc không tiết kiệm được đồng nào. Thậm chí, có đến 22,8% số lao động được khảo sát đang phải vay mượn với số nợ trung bình là hơn 77 triệu đồng/người.

Nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức nên không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì đời sống khó khăn nên họ cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thậm chí có người còn không có bảo hiểm y tế.

Nam công nhân tiêu 2 triệu đồng/tháng: Chuyện tầng lớp lao động bấp bênh! - 3

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng SocialLife, nhóm lao động phổ thông có thu nhập thấp, đặc biệt là người từ các tỉnh thành khác đến TPHCM làm việc đang có xu hướng hình thành "tầng lớp lao động bấp bênh".

Khi gặp bệnh nặng, bệnh mãn tính, có gần 72% lao động phổ thông được SocialLife khảo sát trả lời là không có khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Điều này cho thấy tình trạng sống của họ luôn ở tình trạng bấp bênh, ở sát ngưỡng sinh tồn, chỉ cần mắc bệnh là vay mượn, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ…

Chính vì vậy, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc đề nghị nhà nước sớm có chính sách hợp lý để kịp thời hỗ trợ nhóm lao động này khi họ gặp sự cố bất khả kháng để giảm nguy cơ, xu hướng hình thành "tầng lớp lao động bấp bênh".

Ông Lộc gợi ý, cơ quan quản lý nhà nước có thể tham khảo chương trình quản lý và hỗ trợ an sinh xã hội bằng mã số an sinh xã hội đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Điểm chung của các mô hình quản lý và hỗ trợ an sinh xã hội bằng mã số an sinh xã hội trên thế giới là sử dụng mã số an sinh xã hội như một công cụ để quản lý thông tin cá nhân của công dân, từ đó cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội cho họ.

Nam công nhân tiêu 2 triệu đồng/tháng: Chuyện tầng lớp lao động bấp bênh! - 4

Mã số an sinh xã hội thường được sử dụng để xác định độ tuổi, giới tính, hộ khẩu, thông tin thu nhập và các thông tin khác của mỗi cá nhân. Thông tin này rất hữu ích để quản lý các chính sách an sinh xã hội, đánh giá các yêu cầu hỗ trợ của các cá nhân và đảm bảo tính minh bạch của các quy trình quản lý.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, các quốc gia sử dụng mã số an sinh xã hội có chung một hệ thống quản lý thông tin liên kết với các cơ quan chức năng để cung cấp toàn diện các dịch vụ an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ việc làm, lương hưu…

Ảnh: Tùng Nguyên, Hải Long