1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gần 50% lao động tại Việt Nam sợ bị giảm lương, cắt thưởng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng 2023 của UOB, có đến 51% người lao động lo ngại sẽ bị mất tiền thưởng; 48% sợ bị giảm lương; 47% sợ bị mất việc;…

Đó là một trong những nội dung trong Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng 2023, vừa được ngân hàng UOB Việt Nam công bố ngày 1/11.

Gần 50% lao động tại Việt Nam sợ bị giảm lương, cắt thưởng - 1

Buổi công bố "Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng 2023" do UOB ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức chiều 1/11, tại TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Theo đó, UOB đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến 600 người (độ tuổi 18-65), trong thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 26/6.

Bài nghiên cứu còn chỉ ra rằng hơn một nửa lượng người lao động Việt Nam mong đợi về những kỳ nghỉ dài hạn trong, được hỗ trợ sức khỏe tinh thần; 50% người muốn có giờ làm việc linh hoạt; 45% mong được có nhiều lựa chọn cho khối lượng công việc.

Đáng chú ý, có 39% người muốn có bảo hiểm doanh nghiệp cho sức khỏe tinh thần và 36% muốn đổi ngày phép không sử dụng hằng năm thành tiền mặt.

Trong đó những kỳ vọng hàng đầu trong công việc của người lao động sẽ bao gồm công việc có tính ổn định; mức lương và phúc lợi tốt; cơ hội thăng tiến, được đào tạo và phát triển tốt; giữ được sự công bằng giữa công việc và cuộc sống.

Sắp tới, bài nghiên cứu dự đoán rằng 90% người lao động sẽ cân nhắc về văn hóa làm việc, bao gồm các lĩnh vực như: mức độ hạnh phúc của nhân viên, sự đa dạng, minh bạch, rõ ràng của công ty.

Từ những thực tế về tâm lý của người lao động Việt, bài nghiên cứu cũng thể hiện rõ xu hướng chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của nhóm đối tượng này.

Gần 50% lao động tại Việt Nam sợ bị giảm lương, cắt thưởng - 2

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam phát biểu tại buổi công bố (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính.

"Trong khi người tiêu dùng vẫn quan ngại về lạm phát cao, điều đáng khích lệ là họ vẫn không ngừng đón nhận một kỷ nguyên mới của số hóa. Cụ thể, 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%)", ông Paul nói.

Tuy nhiên, có 3 mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%).

Trong đó có những nỗi lo về tài chính khác như khả năng mua các mặt hàng thiết yếu; để dành riêng một khoản đầu tư; thanh toán hóa đơn tiện ích; chi trả cho giáo dục; khả năng mua/thuê nhà,…

Gần 50% lao động tại Việt Nam sợ bị giảm lương, cắt thưởng - 3

Các chuyên gia chỉ ra rằng, người tiêu dùng đang thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ. Có 65% người tiêu dùng đã theo dõi việc chi tiêu và tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến; 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.

"Hiện nay, tiết kiệm là xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam. Hơn 25% người tiêu dùng đang bỏ nhiều tiền hơn vào tài khoản thanh toán và tiền gửi tiết kiệm. Họ cũng đang chi tiền vào bảo hiểm nhiều hơn các nước khác trong khu vực, nhằm đảm bảo tài chính tốt hơn, đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho người thân", ông Paul phát biểu.