(Dân trí) - Hành vi mua bán bào thai chưa được quy định trong hệ thống pháp luật khiến việc xử lý và ngăn chặn từ gốc rễ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hành vi mua bán bào thai chưa được quy định trong hệ thống pháp luật khiến việc xử lý và ngăn chặn từ gốc rễ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nạn "mua bán bào thai" từng xảy ra phức tạp, gần đây đã giảm mạnh nhưng không có nghĩa là được chấm dứt. Việc phát hiện các vụ việc không dễ dàng do xảy ra tại địa bàn miền núi, đời sống kinh tế xã hội còn thấp, nhận thức pháp luật của người dân hạn chế; các trường hợp mua bán chủ yếu là bán đi nước ngoài; việc điều tra, xác minh làm rõ vấn đề thực tế rất khó khăn. Đặc biệt, việc xử lý hành vi mua bán bào thai hiện đang gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, khi chưa được quy định cụ thể trong Bộ Luật hình sự và các văn bản hướng dẫn.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, ngay trong Bộ Luật hình sự năm 2015, tại điểm a, điểm c, khoản 1, Điều 123 quy định 2 tình tiết phân biệt "giết 2 người trở lên" và "giết phụ nữ mà biết là có thai", như vậy, được hiểu bào thai không phải là người thứ 2.
"Các đối tượng không đưa một đứa trẻ đi bán, mà đưa một phụ nữ đang mang thai sang Trung Quốc, đến một địa điểm nào đó để sinh con và trả tiền, hành vi phạm tội chỉ cấu thành khi đứa trẻ được sinh ra rồi bán đi. Việc chứng minh được đứa trẻ bị bán là ai, được sinh ra ở đâu, có đặc điểm như thế nào, đã bán cho ai... không hề đơn giản, do đó việc xử lý rất khó khăn", Trung tá Trần Văn Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An phân tích.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2018 đến nay, chỉ tính riêng 2 địa phương là xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã có hơn 40 phụ nữ vượt biên bán bào thai. Tuy nhiên, thống kê của ngành tòa án tỉnh Nghệ An, từ 1/1/2019 đến nay, mới chỉ có 2 vụ án với 4 bị cáo liên quan đến hành vi đưa phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con để bán và một vụ án/2 bị cáo về hành vi đưa phụ nữ sang Trung Quốc mang thai hộ được đưa ra xét xử. Cả 6 bị cáo liên quan đến 3 vụ án kể trên đều bị truy tố, xét xử về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", theo quy định tại Điều 349 Bộ Luật hình sự.
Theo cáo buộc, có 4 bị cáo được xác định liên quan đến việc đưa 4 phụ nữ mang thai đi Trung Quốc sinh con để bán với giá từ 60-70 triệu đồng tùy theo giới tính đứa trẻ sinh ra. Trong đó, có nạn nhân Moong Thị Lâm (trú xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn), bị tai nạn trên đường đến bệnh viện khám thai và tử vong cùng đứa con trong bụng.
Riêng thai phụ Lương Thị T. (SN 1970, trú xã Hữu Lập, Kỳ Sơn) đã sinh hạ một cháu trai. Theo cam kết ban đầu, T sẽ được trả 60 triệu đồng khi bán đứa trẻ nhưng khi trở về Việt Nam, người phụ nữ này chỉ được nhận 4 triệu đồng từ việc bán chính đứa con của mình.
Với tội danh đã truy tố, 4 bị cáo kể trên bị tuyên phạt từ 12-24 tháng tù giam. Tuy nhiên, đây chỉ là 4 trường hợp phụ nữ mang thai, được đưa ra nước ngoài sinh và bán con bị phát hiện do tình huống bất khả kháng dẫn tới bị bại lộ, còn hơn 30 trường hợp khác, do không bị phát hiện, không tự khai báo, tố cáo, cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý. Đồng nghĩa, sẽ có từng ấy đứa trẻ mang dòng máu Việt đang lưu lạc nơi nào đó bên xứ người và không thể biết được gốc gác, nguồn cội của mình.
Điều đáng buồn hơn, Lương Văn Hồng, chồng của thai phụ Moong Thị Lâm, trong quá trình điều tra, xét hỏi công khai tại phiên tòa thừa nhận biết vợ sang Trung Quốc để sinh và bán con. Việc bán đứa con còn chưa kịp chào đời này cũng đã được bàn bạc, thống nhất giữa hai vợ chồng. Điều này khác hoàn toàn với những gì Hồng đã nói với chúng tôi, sau hơn 3 năm vụ việc chấn động này xảy ra.
Đề cập về 2 vụ án liên quan đến đường dây đưa phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con và bán được xét xử kể trên, ông Trần Ngọc Sơn - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết: "Quá trình điều tra, xét xử, tranh luận công khai tại phiên tòa làm rõ mục đích các bị cáo đưa người khác ra nước ngoài là mua bán bào thai và "đối tượng" các bị cáo hướng tới là "bào thai" để bán. Tuy nhiên, cái này lại không có quy định trong Bộ Luật hình sự để xử lý".
Theo ông Trần Ngọc Sơn, hiện chưa có điều luật nào quy định "bào thai" là đối tượng của tội phạm, cũng như chưa có quy định nào về hành vi "mua bán bào thai" là một tội phạm hình sự. Nhưng theo quan điểm của người đứng đầu ngành tòa án tỉnh Nghệ An, đây là hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền con người.
"Qua theo dõi, tôi thấy, các cơ quan báo chí cũng đã thông tin nhiều vụ việc về hành vi mua bán bào thai. Đây là một phần cơ sở thực tiễn để cơ quan chức năng phải có giải pháp đấu tranh. Trong các cuộc họp nội chính, liên ngành tư pháp hay các kỳ họp hội đồng nhân dân, các cuộc tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề xuất để phòng, chống cũng như đấu tranh đối với "tội phạm" này, cả về công tác tuyên truyền cũng như biện pháp xử lý. Để ngăn chặn hiệu quả ngay, theo tôi trong quá trình chờ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị Quốc hội sửa đổi Bộ Luật hình sự quy định hành vi "mua bán bào thai" là một tội phạm hình sự độc lập, thì liên ngành tư pháp trung ương: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn xử lý về hành vi này. Đồng thời, phải sớm đưa hành vi này vào Luật hình sự", ông Sơn kiến nghị.
Quan điểm này cũng được các đại biểu kiến nghị tại các cuộc hội thảo phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai cũng như trong các diễn đàn Quốc hội. Các đại biểu cũng thống nhất rằng, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý hành vi đưa phụ nữ đang mang thai sang nước ngoài sinh con để bán.
Theo Trung tá Trần Văn Hùng, cần phải xem thai nhi khi còn trong bụng mẹ là khách thể bị xâm hại và được quy định trong Bộ Luật hình sự. Phải xem xét hành vi mua bán bào thai cấu thành tội phạm khi các đối tượng có hành vi mua chuộc, lôi kéo, xúi giục, đe dọa, tập trung và đưa phụ nữ mang thai đi, nhằm mục đích bán đứa trẻ sau khi sinh, không nhất thiết phải đợi sinh ra.
"Ngoài việc bổ sung các quy định pháp luật hình sự đối với hành vi này để có biện pháp xử lý nghiêm khắc, tương xứng với hành vi của những kẻ đưa phụ nữ đang mang thai ra nước ngoài sinh rồi bán con, cũng cần xem xét trách nhiệm của người mang thai. Trong trường hợp này, người mẹ đã cố tình, đồng ý chứ không phải bị lừa gạt, do đó cần được xem là người tiếp sức, "đồng phạm về mặt hành vi" trong việc bán chính đứa con của mình", Trung tá trần Văn Hùng kiến nghị.
Tháng 4 vừa qua, Công an huyện Kỳ Sơn ra mắt mô hình phòng, chống mua bán người tại bản Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm), trong một nỗ lực thu hút sự tham gia của các tổ chức đoàn thể địa phương, cùng lực lượng công an, nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người, mua bán bào thai nơi đây. Phát biểu tại buổi ra mắt, Trung tá Nguyễn Ngọc Thọ - Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: "Cùng với công quản lý địa bàn, phải đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu mua bán người, mua bán bào thai là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng về mặt đạo đức".
Trong khi chưa có quy định cụ thể về pháp luật, xem ra đây là phương án tốt nhất để góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai, dù để thay đổi được nhận thức của người dân là cả một quá trình không hề ngắn.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên