DMagazine

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an "canh" phụ nữ xã mang bầu

(Dân trí) - Để ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An phải cắt cử cán bộ đến tận bản "canh" chị em phụ nữ từ khi họ mang bầu cho đến lúc sinh hạ đứa trẻ thành công.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An phải cắt cử cán bộ đến tận bản "canh" chị em phụ nữ từ khi họ mang bầu cho đến lúc sinh hạ đứa trẻ thành công.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 1

Trong những hội thảo về phòng, chống mua bán người, các ngành tư pháp đều nêu rõ khó khăn về xử lý hành vi mua bán bào thai. Ở giai đoạn này, người phụ nữ chưa sinh con, trong khi đó, theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì thai nhi chưa được xem là một con người, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn xử lý đối với hành vi này. Bởi vậy, khi vụ việc được phát hiện thì ngành chức năng chỉ có thể xử lý được hành vi này về tội danh "Tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép", với khung hình phạt nhẹ hơn, do đó tính răn đe cũng bị giảm.

Các ý kiến đều cho rằng, đây là kẽ hở của pháp luật, chưa sát với thực tiễn đấu tranh, xử lý đối với hành vi liên quan đến vấn nạn mua bán bào thai. Đối tượng xấu thường lợi dụng kẽ hở này để thuyết phục, dụ dỗ đưa người mang thai ra nước ngoài sinh con.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 3

Thống kê của xã Hữu Kiệm cho thấy, từ năm 2018 đến nay, toàn xã có 29 phụ nữ vượt biên bán bào thai. Vào thời điểm nạn mua bán bào thai nở rộ, chính quyền thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giúp bà con nhận thức được hành vi này là sai trái, vi phạm đạo đức.

Bà Mùa Y Xài - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Hữu Kiệm kể: "Chúng tôi đến họ đóng cửa không tiếp đâu. Phải đến mòn cổng họ mới chịu gặp. Hỏi lý do đi bán con thì họ tỉnh bơ, bảo nghèo quá, khó khăn quá, có người thì bảo là bị xúi dục. Phân tích, vận động đừng nghe theo kẻ xấu mà bán con đi thì họ quát, bảo không bán con thì anh chị có nuôi cho không. Có trường hợp bán một lần, có trường hợp bán đến 2 lần, lần thứ 3 mang bầu vẫn trốn đi nhưng đã được chúng tôi ngăn chặn kịp thời".

Theo bà Mùa Y Xài, trong 3 năm trở lại đây, tất cả phụ nữ tại 3 bản Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, khi mang bầu đều được Trạm Y tế, Hội phụ nữ và Công an xã lập danh sách để theo dõi, quản lý.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 5

Thực tế, mặc dù các ngành chức năng đã rất sát sao trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn thai phụ đi bán bào thai nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra, dù không còn công khai như trước đây.

Còn nhớ, vào tháng 4/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công 3 thai phụ quê huyện Kỳ Sơn sang Trung Quốc chờ sinh con để bán. Vào thời điểm này, các thai phụ đang mang thai ở tháng thứ 5, tháng thứ 7 và một người đã cận kề ngày sinh nở. Điểm chung của những người phụ nữ này là ám ảnh về cái nghèo và biến cố tình cảm.

Họ tìm đến việc bán đứa con đang quẫy đạp trong bụng như một cách để giải thoát bản thân mà không mảy may suy nghĩ, những đứa trẻ ấy sau này sẽ như thế nào. Và tôi cũng không nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt những người mẹ suýt bán đi núm ruột của mình, khi họ được "giải cứu" và đưa về quê hương.

"Muốn thoát đói, thoát nghèo thì phải phát triển các mô hình kinh tế. Nhưng chị xem, ở trên này, địa hình, khí hậu, điều kiện canh tác, khoa học kỹ thuật... cái gì cũng khó. Trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo, rồi sản phẩm làm ra bán cho ai?", bà Mùa Y Xài thở dài. Khi cái đói, cái nghèo cả về kinh tế và học vấn còn bủa vây thì nỗi lo về vấn nạn mua bán bào thai ở những bản làng miền Tây Nghệ An vẫn còn dai dẳng.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 7

Việc thay đổi nhận thức cần nhiều thời gian, trong khi nguy cơ luôn âm ỉ, buộc các ngành chức năng và địa phương phải có biện pháp "nóng". Trong thời gian qua, chính quyền và công an xã Hữu Kiệm đã triển khai nhiều biện pháp trong việc quản lý, ngăn chặn phụ nữ mang thai rời địa bàn đi bán bào thai.

Chị Ven Thị Khuyên (SN 1988, trú bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm) hiện đang mang bầu ở tháng thứ 6. Cách đây một tháng, vợ chồng chị Khuyên đã ký vào bản cam kết "không bán thai nhi vì bất kỳ mục đích, lí do gì". Bản cam kết có xác nhận của đại diện ban quản lý bản và gửi về Công an xã Hữu Kiệm để theo dõi.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 9

Thiếu tá Nguyễn Văn Trường - Trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết: "Mua bán bào thai chủ yếu xảy ra ở các bản của người Khơ Mú sinh sống, đời sống đại bộ phận người dân khó khăn, dân trí thấp, bởi vậy các biện pháp hành chính như ký cam kết cũng chỉ mang tính tương đối. Đặc thù khu vực miền núi, bà con có thời gian dài vào ở trong rừng để tiện cho việc sản xuất nên công tác quản lý phụ nữ mang thai không hề dễ dàng. Bởi vậy, công an xã phải cắt cử cán bộ bám sát địa bàn, "canh" từng trường hợp đang mang bầu". Thiếu úy Chích Văn Phươn là người Khơ Mú, có nhiều yếu tố thuận lợi hơn nên được phân công nhiệm vụ mà như anh nói là "không ở đâu có" này.

"Tất cả phụ nữ mang thai, mang thai ở tháng thứ mấy đều phải được lập danh sách và theo dõi thường xuyên. Trung bình một tuần tôi phải vào kiểm tra 2-3 lần, vậy mà có lần vẫn "mất dấu" một trường hợp, thời điểm đó chị này mang thai gần sinh rồi", Thiếu úy Chích Văn Phươn kể.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 11

Thiếu úy Phươn có một cuốn sổ, ghi từng trường hợp mang thai. Thậm chí anh còn nắm rõ thời gian mang thai và dự kiến sinh của chị em còn hơn cả chồng họ. Trường hợp nào "mẹ tròn con vuông" thì được đưa ra khỏi danh sách, và chỉ đến lúc đó, anh mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Thời điểm này, theo danh sách của anh Phươn, bản Đỉnh Sơn 2 có 6 phụ nữ mang thai từ 4-6 tháng; bản Đỉnh Sơn 1 có một phụ nữ mang thai đang ở tháng thứ 6. Nếu mỗi ngày đến thăm một người, Thiếu úy Phươn còn không có thời gian về với vợ con!.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như siết chặt công tác quản lý nhân khẩu, di biến động trên địa bàn, cũng như hiệu quả của công tác tuyên truyền, tình trạng mua bán bào thai ở xã vùng biên này cơ bản đã được ngăn chặn từ khi bắt đầu manh nha. Thế nhưng, để có thể giải quyết tình trạng này một cách triệt để vẫn cần có giải pháp căn cơ và đủ sức răn đe hơn.

Kỳ 2: Bản cam kết kỳ lạ và chuyện cắt cử công an canh phụ nữ xã mang bầu - 13

(Còn nữa...) 

  Nội dung: Hoàng Lam

    Thiết kế: Thủy Tiên