Người mẹ kể phút gào thét, cho tay vào miệng con trai co giật vì cúm A
(Dân trí) - Dù đã qua 2 tuần, mỗi lần nhắc lại sự việc con trai 5 tuổi lên cơn co giật vì cúm A, chị Dung vẫn chưa thôi ám ảnh. Mỗi đêm nghe tiếng con chuyển mình, chị bật dậy ngay, lập tức theo dõi tình hình.
Cuối tháng 1, chị Nguyễn Thị Dung (30 tuổi, ở Quảng Ninh) phát hiện con trai Nguyễn Đăng Hải Nam (5 tuổi) có nhiều dấu hiệu nghi mắc cúm A. Bé xuất hiện dấu hiệu sốt cao 38 - 39 độ C về đêm, đau mỏi người.
Vợ chồng chị thay phiên nhau theo dõi tình hình của con, đồng thời ra hiệu thuốc mua que test. Sau khi xác định bé Nam mắc cúm A, chị cho con uống thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ.
Bé Nam có hạ sốt, nhưng cơn sốt không dứt, kéo dài sang ngày hôm sau. Cơ thể trẻ lúc nóng lúc sốt rét, người mẹ túc trực, kiểm tra liên tục.
Người mẹ Quảng Ninh run rẩy, gào thét khi con trai co giật vì cúm A (Video: NVCC).
Đến chiều 23/1, khi hai mẹ con thiếp ngủ trên sofa, chị Dung bất giác nghe tiếng con cựa quậy.
"Tôi chợt tỉnh dậy, thấy con lên cơn co giật, sốt cao 41 độ C. Tôi hét lớn, gọi nhiều lần nhưng con không phản ứng", chị Dung kể lại.
Trong cơn hoảng loạn, người mẹ cho tay phải vào miệng bé Nam, tránh việc con cắn vào lưỡi. Đứa trẻ cắn mạnh vào tay mẹ khiến chị Dung kêu lên vì đau đớn. Chị cố gắng chịu đựng cơn đau, bế con ra ngoài cầu cứu những người xung quanh vì lúc này không có ai ở nhà.
"Xem lại video cảnh bế con ra ngoài cầu cứu, tôi rất thương con, nhưng trong hoàn cảnh đó không còn cách nào khác", người mẹ tâm sự.
Nhiều người hỗ trợ chị Dung lấy khăn lau người, chườm để hạ sốt cho cậu bé. Sau khi sơ cứu, thấy bé Nam không còn dấu hiệu cứng người, chị gọi xe đưa con đến bệnh viện cấp cứu.
Bé trai được chuyển đến Khoa cấp cứu - nơi có rất nhiều trẻ em đang điều trị vì cúm A. Các bác sĩ cho bệnh nhi truyền nước, uống thêm liều thuốc hạ sốt. Người mẹ cũng tranh thủ kiểm tra vết thương ở tay phải.
Đến 17h cùng ngày, bé trai đã tỉnh táo, có thể ăn cháo, nói chuyện bình thường. Chị Dung cho con xuất viện, về nhà tiếp tục chăm sóc.
![Người mẹ kể phút gào thét, cho tay vào miệng con trai co giật vì cúm A - 1 Người mẹ kể phút gào thét, cho tay vào miệng con trai co giật vì cúm A - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/VEt7s5SOYDcZBcIdHfrbk-xW3kI=/thumb_w/1020/2025/02/07/pluscmakhngngskhiaichabstcogitkhthncontrailnutinchngkinconbcogitmbnthncungchntayrunkgbitlmgnaxemlimvnthys-ezgifcom-crop-1-1738922735024.gif)
Khoảnh khắc chị Dung cho tay vào miệng con trai để ngăn bé cắn vào lưỡi (Ảnh cắt từ video).
Sau khi con trai đã ổn định, chị đăng bài lên mạng xã hội cảnh báo các bậc phụ huynh trong việc theo dõi tình hình sức khỏe các con giữa thời điểm bùng phát dịch cúm A.
"Cúm A không đáng sợ khi ai chưa bị. Sốt co giật khổ thân con trai. Lần đầu tiên tôi chứng kiến con bị co giật mà bản thân cuống cuồng, chân tay run rẩy không biết làm gì nữa", chị thoáng rùng mình.
Bé Hải Nam là con thứ hai của vợ chồng chị Dung. Trước đây, chị từng chủ quan cho rằng trẻ em chỉ ốm sốt bình thường, cho đến khi bé Nam mắc cúm A.
"Đến nay tôi vẫn còn ám ảnh và sợ hãi. Mỗi đêm, nghe tiếng con cựa mình trong giấc ngủ, tôi lo lắng, bật dậy ngay lập tức theo dõi con", chị nói.
Dưới bài viết của chị Dung, nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm, để lại bình luận hỏi thăm và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. Điều này đã động viên tinh thần, giúp chị có thêm kiến thức chăm sóc 2 con và gia đình.
TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân và khi giao mùa (hay còn gọi cúm mùa).
Ngoài các triệu chứng ban đầu như sốt, viêm long đường hô hấp, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng sung huyết, đỏ toàn bộ, mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc. Nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Khi trẻ có biểu hiện của sốt cao và viêm long đường hô hấp, cha mẹ cần cho con đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
Phần lớn trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán mắc cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Những trường hợp có biểu hiện của biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, nâng cao thể trạng cho trẻ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ.