Hỗ trợ việc làm cho 100.000 lao động nghèo
(Dân trí) - Với hơn 2.600 tỷ đồng đầu tư vào các dự án hỗ trợ việc làm bền vững sẽ có ít nhất 100.000 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được giải quyết việc làm.
Ngày 18/11 tại Ninh Thuận, Cục Việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 khu vực phía Nam.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm dịch vụ việc làm 34 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: "Ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều dự án".
Hội nghị lần này nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện 2 tiểu dự án quan trọng thuộc dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là tiểu dự án 2 hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiểu dự án 3 hỗ trợ việc làm bền vững.
Theo đó, 570 tỷ đồng được huy động để thực hiện tiểu dự án 2 với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động này sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho các vùng khó khăn.
Để thực hiện mục tiêu trên, các hoạt động chính của tiểu dự án 2 là hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Dự án hỗ trợ chi phí thực tế khóa học đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền đồ dùng cá nhân mức 600.000 đồng/người...
Với tiểu dự án 3, dự kiến tổng vốn huy động thực hiện là 2.610 tỷ đồng, trong đó có 1.950 tỷ đồng là vốn ngân sách trung ương, phần còn lại là vốn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác.
Mục tiêu của tiểu dự án 3 là đến năm 2025 thì 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Đại diện Cục Việc làm hướng dẫn kỹ cho các địa phương những vấn đề cần lưu ý và định hướng triển khai trong quá trình thực hiện dự án như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối việc làm...
Đặc biệt, định hướng triển khai hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đại diện Cục Việc làm nêu chi tiết.
Tại hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành khu vực phía Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc triển khai 2 tiểu dự án này.