1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

"Gõ cửa" tận làng giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm

Phạm Hoàng Nay Săt

(Dân trí) - Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội) đề nghị các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến tận thôn, làng về các chính sách, gói hỗ trợ việc làm đến người dân.

Ngày 29/10, Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH do ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm - làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện hỗ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid - 19.

Tại buổi làm việc, bà Rcom Sa Duyên - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai - cho biết, địa phương đã thành lập ban điều phối hoặc tổ công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt và hỗ trợ 215 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó hỗ trợ bổ sung 5 lao động mang thai và 78 trẻ em) với số tiền 880 triệu đồng.

Gõ cửa tận làng giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm - 1

Bà Rcom Sa Duyên - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai báo cáo trước Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH tại tỉnh Gia Lai.

Các địa phương đã chi trả kinh phí hỗ trợ 160 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó hỗ trợ bổ sung 4 lao động mang thai và 49 trẻ em) với số tiền 646 triệu đồng.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị bệnh Covid-19 (F0) và đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn đến 1.662 F0, với số tiền 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ tiền đến 594 F1, với số tiền 701 triệu đồng; hỗ trợ thêm 187 trẻ em là F0, F1 với số tiền 187 triệu đồng.

Gõ cửa tận làng giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm - 2

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai.

Hỗ trợ 44 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 163 triệu đồng và 17 hướng dẫn viên du lịch với số tiền 63 triệu đồng.

Có 624 hộ kinh doanh đã được duyệt hồ sơ chi hỗ trợ với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Các địa phương đã hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ cho 569 hộ kinh doanh với số tiền 1,7 tỷ đồng.

Ngân hàng chính sách đã duyệt hồ sơ và giải ngân cho vay trả lương ngừng việc của 56 đơn vị có nhu cầu vay vốn với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng nhằm trả lương cho 1.016 lượt người lao động.

Gõ cửa tận làng giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm - 3

Đoàn công tác của Bộ LĐ - TB&XH đã trả lời những thắc mắc về chính sách tại buổi làm việc ở tỉnh Gia Lai.

Về Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, đã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động tại 17 huyện, thị xã, thành phố với hơn 7.000 lao động với số tiền là 11, 5 tỷ đồng. Các địa phương đã chi trả kinh phí hỗ trợ hơn 6.500 lao động với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 28/10, tổng số người được hỗ trợ là 27.512 người với số tiền 68,7 tỷ đồng. Tổng số gần 29.000 hồ sơ đã được tiếp nhận đang thụ lý, giải quyết

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cũng trình bày những khó khăn. Cụ thể, tính đến ngày 27/10, toàn tỉnh có hơn 42.000 lao động từ các tỉnh trở về địa phương. Trong đó có hơn 13.000 lao động là người dân tộc thiểu số.

Tình hình dịch Covid-19 còn phía Nam diễn biến phức tạp nên người lao động còn e ngại, chưa mạnh dạn quay trở lại làm việc. Chính vì vậy, vấn đề tạo việc làm cho bà con về quê tránh dịch đang là "bài toán khó".

Gõ cửa tận làng giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm - 4

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện hỗ người lao động và người sử động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Trước những khó khăn đó, tỉnh Gia Lai cũng đã thực hiện ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động có đăng ký nhu cầu quay trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam. Miễn phí xét nghiệm Covid-19, có chính sách hỗ trợ xe đưa người lao động đến các tỉnh làm việc, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho một tháng đầu tiên.

Đồng thời, tỉnh đã kết nối với các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, các quy định phòng chống dịch của từng tỉnh để hỗ trợ đưa người lao động quay trở lại làm việc.

Đối với các lao động trở về tại địa phương, tỉnh đang tiến hành rà soát các lao động đang thất nghiệp. Qua đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Vũ Trọng Bình - Cục Việc làm,  Bộ LĐ - TB&XH đã đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh Gia Lai đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, sáng tạo, chủ động thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả giúp cho người dân từ vùng dịch trở về. 

Cục trưởng cũng chỉ rõ ra những hạn chế tại tỉnh Gia Lai như, các sở ngành chưa nắm được số lượng đối tượng thụ hưởng các chính sách; thiếu đối thoại với doanh nghiệp, người lao động để tất cả mọi người đều nắm rõ, tiếp cận chính sách một cách tốt nhất.

Trước những tồn tại đó, Cục trưởng Cục Việc làm yêu cầu tỉnh cần quan tâm, đánh giá nhu cầu lao động tại địa bàn, nhất là lao động thời vụ thu hoạch nông nghiệp. Nắm kỹ tình hình số lao động từ địa phương khác về tỉnh để lao động, sản xuất, qua đó để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Tại buổi làm việc, Cục Việc làm cho biết, đã và đang chỉ đạo xây dựng hệ thống Trung tâm dịch vụ toàn quốc để kết nối cung cầu việc làm trên khắp 63 tỉnh, thành. Vừa qua, Cục cũng đã tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến giữa các tỉnh phía Nam, phía Bắc.

Cục Việc làm yêu cầu tỉnh Gia Lai chủ động phối hợp cùng các Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Nguyên để xây dựng đề án hệ thống kết nối việc làm nhằm thúc đẩy giao dịch việc làm trực tuyến cung cầu trên phạm vi toàn quốc.