1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ chối công việc hấp dẫn ở TPHCM, công nhân về quê với lương 7 triệu đồng

Hoài Nam

(Dân trí) - Xác định phải tăng lương cho người lao động khi đi làm trở lại, có thợ tay nghề cao lương đến 30 triệu đồng, anh Sơn hụt hẫng khi một số nhân viên báo: "Em về quê rồi!".

"Sếp đừng buồn em nha"

Anh Lê Minh Sơn, giám đốc một công ty trong lĩnh vực nhôm kính ở TPHCM chia sẻ, công ty đang sắp xếp để hoạt động trở lại sau hơn 4 tháng đóng cửa vì giãn cách. Dự án, hợp đồng tồn đọng, rất nhiều việc nhưng tình hình nhân sự, anh thở dài: "Vô cùng chao đảo". 

Anh xác định, thời gian qua ai cũng đã chịu tổn thất, khi hoạt động trở lại sẽ nhiều việc hơn, nên cần được động viên, khích lệ nhân viên. Ngay từ đầu mùa dịch, anh đã sớm thông báo với nhân sự khi đi làm trở lại, lương sẽ tăng 10 - 20% tùy vị trí.

Từ chối công việc hấp dẫn ở TPHCM, công nhân về quê với lương 7 triệu đồng - 1

Ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều người lao động rời thành phố về quê (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Vị giám đốc cho biết, thời gian rồi công ty không có bất cứ nguồn thu nào, còn thua lỗ vì phải gánh nhiều khoản chi phí. Vậy nhưng, để hỗ trợ nhau và để giữ người, công ty vẫn trả mức lương nhất định cho người lao động để trang trải. 

Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ thực phẩm, thuốc men cho nhân viên, gia đình. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều người đã lên đường về quê. Có người xác định về luôn, có người thì hồi sau mới rõ.  

Anh bất ngờ nhất với trường hợp cậu thợ kính quê Nghệ An. Cậu này gắn bó lâu nay với mức lương gần 25 triệu đồng/tháng. Dù biết lương sẽ tăng nhưng giờ này cậu ta vẫn đang ngồi uống nước chè chát với bố mẹ ở quê, xác định không trở lại. 

"Cậu gọi điện cho tôi, nói: 'Sếp đừng buồn em nha!'. Sau nhiều năm đi làm, cậu ấy đã có một khoản tiết kiệm kha khá, giờ về làm mướn cho một xưởng gần nhà với mức lương chỉ hơn 7 triệu đồng để được gần gia đình", anh Sơn chia sẻ. 

Công ty của anh Sơn chỉ còn hơn 60% nhân sự đi làm lại, đáng lo nhất là nhiều vị trí quan trọng bị trống, rất khó khăn để hoạt động. 

Từ chối công việc hấp dẫn ở TPHCM, công nhân về quê với lương 7 triệu đồng - 2

Lao động di cư trên đường rời TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Định hình lại giá trị 

Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, người lao động di cư rồng rắn rời khỏi thành phố khi mất thu nhập, cạn kiệt về tài chính, đời sống khó khăn... Cùng đó là đủ nỗi lo lắng, bất an trong cuộc sống ở trọ tù túng, lại không biết khi nào có thể đi làm lại. Lúc nghịch cảnh, nhiều người nhận ra doanh nghiệp không thể đồng hành cùng mình. 

Vậy nhưng, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp làm đủ mọi cách, nỗ lực trả lương trong khả năng, đóng bảo hiểm xã hội, lo việc tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ thực phẩm...  nhưng không ít lao động đã chọn "dứt áo ra về". 

Dịch bệnh tác động đến tất cả mọi người. Không chỉ là vấn đề thu nhập, tiền bạc mà lúc này, người lao động bắt đầu quan tâm đến nhiều yếu tố về môi trường sống, môi trường làm việc, sự an toàn...

Đồng thời, từ biến cố chưa từng trải qua này, nhiều người định hình lại các giá trị về cuộc sống, gia đình, người thân.

Chị Nguyễn Thu Thảo, làm việc tại một công ty giày da ở thành phố Thủ Đức, TPHCM chia sẻ, nhiều năm qua vợ chồng chị đi làm, để con cái cho ông bà. Đợt này, hai vợ chồng chị quyết định sẽ trở về quê, chồng kiếm việc gì đó, vợ làm vườn, chăn nuôi. 

Từ chối công việc hấp dẫn ở TPHCM, công nhân về quê với lương 7 triệu đồng - 3

Nhiều người lao động đi làm ăn xa quê lâu năm định hình lại giá trị sống sau cú sốc Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

"Chứng kiến nhiều mất mát từ dịch bệnh, chúng tôi nhận ra mình đã để lỡ quá nhiều thứ, nhất là thời gian bên cạnh con. Chúng tôi chọn trở về để ở gần con cái, gia đình, quê hương", người mẹ 42 tuổi trải lòng. 

Trong hội thảo mới đây về nguồn nhân lực của TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, qua khảo sát, họ ghi nhận sau khi trở về địa phương, nhiều lao động có cơ hội việc làm, có thu nhập khá tốt.  

"Có thể thu nhập không bằng ở thành phố nhưng bù lại, họ không phải lo lắng điều kiện ăn ở, tiền trọ, gần gia đình... Họ so sánh và đưa ra lựa chọn và phải nói với nhiều người ở lại địa phương là lựa chọn thông minh", ông Tiến nêu quan điểm. 

Theo ông, để người lao động quay lại thành phố sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần quan tâm, bảo đảm tiền lương, phúc lợi và các chế độ với người lao động phải bảo đảm để họ đủ sống, có tích lũy; cùng lưới an sinh phải phát huy được tác dụng kích thích, thu hút người lao động gắn bó với doanh nghiệp.  

Bên cạnh việc cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cùng nhiều cách thức "hút" người lao động, thị trường cũng cần phải chấp nhận sẽ có sự dịch chuyển lao động. 

Điều này, đòi hỏi các chính sách tạo việc làm tại các địa phương cho người dân. Các doanh nghiệp cần chủ động chú trọng đến việc đào tạo, đào tạo lại cũng như đầu tư để nâng cao hiệu suất công việc... để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.