"Dù mức hưởng khiêm tốn, có lương hưu vẫn hơn!"
(Dân trí) - Khoảng 9 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu 20 năm là quá chặt chẽ.
Không tích lũy đủ số năm đóng
Theo thống kê, tính hết tháng 12/2022, gần 17,49 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, mới chỉ có gần 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 28,42 triệu người chưa tham gia.
Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong đội tuổi tham gia bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương hiện là thách thức rất lớn.
Cùng với đó, số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, mới chỉ chiếm 35% so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm. Thực tế thực hiện quy định cho thấy, nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Không dừng lại ở đó, nhiều người đã không đủ kiên nhẫn nên rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.
Nhiều quốc gia đã quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm đã đủ điều kiện hưởng lương hưu. Song Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích, dù thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn thì mức lương hưu có thể thấp nhưng khoản lương hưu được trả hàng tháng vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống độc lập của người lao động khi về già…
Bao phủ nhóm lao động 45-47 tuổi mới tham gia bảo hiểm xã hội
Trước thực tế trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được lấy ý kiến định hướng giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm muộn, như 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia hoặc những người tham gia không liên tục.
Những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh. Đồng thời, trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi được đề xuất để góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội như Nghị quyết 28 đề ra, để ngày càng có thêm nhiều người hơn có lương hưu. Quy định đồng thời khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
"Đề xuất này không phải hướng chung đến mọi đối tượng tham gia mà nhắm đến nhóm đối tượng nhất định là người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, quá trình đóng gián đoạn. Việc giảm số năm đóng xuống còn 15 năm giúp họ có điều kiện tiếp cận với lương hưu" - ông Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến thắc mắc, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu dẫn đến mức lương hưu thấp, ông Cường xác nhận, những người có thời gian đóng dưới 20 năm thì mức lương hưu sẽ thấp hơn người có thời gian đóng dài.
"Đây là điều chắc chắn, bởi nguyên tắc khi tính lương hưu, mức lương hưu phụ thuộc vào thời gian đóng dài hay ngắn và mức tiền lương đóng cao hay thấp. Vậy nên nếu thời gian đóng ngắn, mức tiền lương đóng thấp thì mức lương hưu sẽ thấp" - ông Cường phân tích.
Song, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng, nếu không có quy định này, những nhóm đối tượng như xác định sẽ không được hưởng lương hưu.
Ông Cường khẳng định: "Giữa việc thấy rõ là không được hưởng lương hưu, nay có thể nhận lương hàng tháng, một nguồn thu nhập thụ động ổn định, được Nhà nước điều chỉnh định kỳ thì rõ ràng, có lương hưu cho dù mức hưởng khiêm tốn cũng vẫn tốt hơn nhiều những người không có lương hưu".