Gần 70% người nghỉ hưu nhận mức lương hưu tối đa
(Dân trí) - Thống kê sau 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có khoảng 661.000 người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2021, bình quân có khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới/năm.
Trong đó, 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (chiếm 65,8%). Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, điều này cho thấy, cứ 3 người nghỉ hưu thì khoảng 2 người có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa - 75% trung bình lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 14,2 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này chỉ có trên 3,2 triệu người đang được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có khoảng 5,1 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.
Theo đó, Việt Nam không đạt được mục tiêu về tỷ lệ số người sau tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội năm 2021 đề ra trong Nghị quyết số 28 của Trung ương. Mục tiêu Trung ương đề ra là có khoảng 45% số người độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Trước thực tế trên, để xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, lần đầu tiên bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội cũng sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí được chỉnh theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, hạ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như vậy nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn vẫn được hưởng lương hưu.
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần. Một trong những quy định khuyến khích là giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu. Ngoài ra, người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn.
Liên quan đến các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ban soạn thảo dự luật nêu hai phương án để xin ý kiến. Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Phương án thứ hai là: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025.