DNews

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày

Dương Nguyên

(Dân trí) - Cụ Hòa là cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất của xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) còn sống. Dù đã 101 tuổi, hàng ngày, cụ vẫn đọc sách, làm thơ, xâu kim... mà không cần mang kính.

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày

Sở thích đọc sách và xem bóng đá

Sáng sớm một ngày cuối tháng 8, khi những tia nắng đầu tiên hắt lên bầu trời, cụ Nguyễn Duy Hòa (thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Hà) trở dậy. Việc đầu tiên trong ngày, cụ ngồi vào chiếc ghế mát xa toàn thân và thao tác các nút điều khiển một cách thuần thục.

Chiếc ghế đặt trong phòng ngủ, con cháu tặng cho cụ một năm nay. Trước kia, khi chưa có ghế, cụ thường tập thể dục buổi sáng ngoài sân.

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày (Video: Dương Nguyên).

Sau 15 phút ngồi ghế mát xa, cụ đi đánh răng, rửa mặt, chải tóc rồi vào ăn sáng. Bữa điểm tâm gọn nhẹ, chỉ lưng bát cơm và một ly sữa ngũ cốc. Ăn xong, cụ mang bát đũa, cốc chén đi rửa nhanh gọn, nhẹ nhàng.

Năm nay 101 tuổi, cụ vẫn minh mẫn, tự lo mọi sinh hoạt đều đặn, nền nếp, không làm phiền đến con cháu. Đặc biệt, đôi mắt của cụ Hòa còn rất tinh tường.

Cụ có sở thích đọc sách, có thể đọc rất lâu không cần mang kính. Trong gian phòng ngủ, cụ để khá nhiều sách viết về quê hương, đất nước, danh nhân trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường, có cuốn dày gần 1.000 trang.

Ngoài ra, cụ ông còn sáng tác được cả trăm bài thơ, tự viết tay hàng ngày.

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày - 1
Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày - 2
Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày - 3

"Tôi xem sách như người bạn già, đọc nghiền ngẫm mỗi ngày. Tôi không hút thuốc, ăn không nhiều nhưng đủ ba bữa. Với bà con lối xóm, tôi luôn sống lạc quan, vui vẻ, hòa đồng. Tôi cũng không biết đó có phải là bí quyết để trường thọ không nữa", cụ cười hiền chia sẻ khi được hỏi về bí quyết sống thọ.

Ông Nguyễn Duy Bình (72 tuổi, con trai cụ Hòa) cho biết, ngoài sách, bố mình còn có sở thích xem bóng đá.

"Bố tôi gần như không bỏ sót trận đấu nào của đội tuyển Việt Nam, các giải đấu nước ngoài ông cũng hào hứng xem cùng con cháu. Xã, thôn tổ chức giải đấu, ông đều ra sân cổ vũ các cháu", ông Bình kể.

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày - 4

Cụ Nguyễn Duy Hòa bên con trai và con dâu (Ảnh: Dương Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Hương (65 tuổi, vợ ông Bình) cho hay, bố chồng bà còn xâu kim được và tự may áo quần. Lo ngại người khách không tin, bà Hương vào nhà lấy ra một sợi chỉ và chiếc kim nhỏ xíu.

Hiểu ý con dâu, cụ Hòa nheo nheo mắt rồi đưa sợi chỉ xỏ qua cây kim trong sự trầm trồ của mọi người.

"Về làm dâu hàng chục năm qua, tôi chưa nghe thấy bố chồng to tiếng với ai bao giờ. Ông nhân hậu, hiền từ. Chúng tôi thật tự hào, hạnh phúc vì bố sống thọ và còn rất minh mẫn", bà Hương chia sẻ.

Ký ức ngày dẫn đầu đội tự vệ đi giành chính quyền

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), ông Nguyễn Duy Hòa được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, cụ được tặng rất nhiều bằng khen, huân - huy chương, các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Những phần thưởng quý giá đó được cụ trưng bày trang trọng trong nhà.

Những ngày tháng 8 lịch sử, ký ức ngày khởi nghĩa giành chính quyền lại ùa về với ông.

Chàng thanh niên Nguyễn Duy Hòa sinh ra trong một gia đình có 12 người con ở làng Kiều Mộc (hay còn gọi là Cầu Mộc, xã Thổ Ngọa xưa, nay là thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Hà).

Thời thực dân phong kiến, người dân sống trong cảnh lầm than, bị áp bức, bóc lột. Trưởng thành, ông Hòa sớm giác ngộ và tham gia cách mạng.

Ông Hòa được giao bảo vệ các cuộc họp bí mật bàn về đấu tranh chống đế quốc, phong kiến của tổ chức Đảng và quần chúng. Để đảo bảm bí mật, an toàn, những hoạt động này đều thực hiện vào ban đêm.

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày - 5

Ký ức về ngày khởi nghĩa giành chính quyền ùa về với cụ Hòa vào những ngày tháng 8 (Ảnh: Dương Nguyên).

Vào ngày 13/8/1945, khi thời cơ giành chính quyền đã đến, tại xã Thổ Ngọa lúc bấy giờ, 2 ủy ban khởi nghĩa được thần tốc thành lập tại thôn Kiều Mộc và Xuân Lộc.

Hai đội tự vệ cũng được lập để giành chính quyền ở huyện Cẩm Xuyên, trong đó ông Nguyễn Duy Hòa được bầu làm Đội trưởng Đội tự vệ làng Kiều Mộc. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa lật đổ chính quyền cũ sục sôi khắp nơi.

Đến sáng 17/8/1945, ông Hòa dẫn đầu Đội tự vệ làng Kiều Mộc hòa vào dòng người có hàng nghìn cán bộ, người dân các xã lân cận.

Họ mang theo gậy gộc, giáo mác, lê, cuốc, xẻng tiến về Giếng Vàng (nay là thị trấn Cẩm Xuyên) và Đồn Trường (nay là trụ sở UBND xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) để thị uy.

Tiếp đó, đoàn biểu tình hàng nghìn người đồng loạt kéo lên huyện đường Cẩm Xuyên. Kèm với tiếng trống, tiếng mõ là tiếng hô khẩu hiệu đồng thanh: "Đả đảo phát xít! Việt Nam độc lập! Mặt trận Việt Minh muôn năm!...".

Thấy vậy, tri huyện buộc phải đầu hàng và bàn giao ấn tín, tài liệu cho chính quyền cách mạng. "Trở về làng Kiều Mộc, tôi dẫn đầu đội tự vệ đến nhà lý trưởng yêu cầu giao nộp hồ sơ tài liệu, ấn tín", cụ Hòa hồi tưởng.

Khởi nghĩa sau đó lan nhanh khắp các huyện, thị trong tỉnh. Ngày 18/8/1945, Hà Tĩnh trở thành một trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước khởi nghĩa giành được chính quyền. Mọi ngả đường, cờ hoa tung bay trong niềm vui chiến thắng.

Vài tuần sau, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc.

Cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất còn sống

Ba năm sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Hòa chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông được giao nhiều nhiệm vụ và giữ nhiều chức vụ trong chính quyền cách mạng ở địa phương.

Thời gian làm Phó bí thư Đoàn thanh niên xã, ông nên duyên với người con gái cùng quê. Ông bà có người con duy nhất là ông Nguyễn Duy Bình.

Thời gian sau, ông Hòa được điều động vào Tỉnh đội Hà Tĩnh, giữ nhiều chức vụ về hậu cần.

Cụ ông 101 tuổi làm những việc khó tin mỗi ngày - 6

Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, cụ Hòa được tặng rất nhiều bằng khen, huân - huy chương, các danh hiệu cao quý (Ảnh: Dương Nguyên).

Đến tháng 4/1955, giai đoạn chống đế quốc Mỹ, ông Hòa được điều động về Quân khu 4. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Chi bộ Ban Tham mưu huấn luyện Trường Hậu cần Quân khu 4 (1968-1970), Trưởng ban Tài vụ hậu cần tiền phương, Quân khu tiền phương tại chiến trường B5 (1971-1972).

Năm 1982, ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

Trở về quê hương, ông Hòa tiếp tục tham gia, cống hiến trong các tổ chức chính trị - xã hội của xã.

Đến tuổi ngoài 70, lên tuổi cụ, sức khỏe giảm sút, người cán bộ lão thành cách mạng mới xin nghỉ công tác xã hội.

Năm 2018, vợ của cụ, bà Đào Thị Thiên, qua đời, thọ 91 tuổi. Cụ Hòa hiện sống cùng vợ chồng con trai, có 6 cháu nội, 2 trai, 3 gái, đều đã trưởng thành.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết cụ Nguyễn Duy Hòa là cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất của địa phương còn sống. Cụ có rất nhiều đóng góp, cống hiến trong các giai đoạn cách mạng của quê hương, đất nước.

"Dù đã 101 tuổi nhưng cụ Hòa còn rất minh mẫn. Trước đây, khi rời quân ngũ trở về, cụ tham gia tích cực tất các hoạt động, chương trình của địa phương. Mấy năm nay, dù tuổi cao nhưng cụ vẫn không ngừng đóng góp ý kiến nhằm giúp việc xây dựng, đổi mới quê hương. Tại thôn cụ Hòa đang sống, chúng tôi xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, đầu tháng 9 này sẽ nghiệm thu.

Cụ Hòa là một đảng viên lão thành cách mạng, một tấm gương sáng, mẫu mực. Trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, chúng tôi đều chỉ đạo nêu tấm gương của cụ Hòa và có tác dụng rất lớn, đặc biệt giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của cha ông", ông Hùng chia sẻ.