PhotoStory

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong "mang may mắn đến người khác"

Thực hiện: Xuân Hinh - Phương Nhi

(Dân trí) - "Biết đâu trong này có tờ trúng giải đặc biệt thì mình mang may mắn đến cho người ta, tôi chỉ cần kiếm 100.000 đồng/ngày thôi" - cụ Hứa Thị Bé (TPHCM) chia sẻ.

 

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong mang may mắn đến người khác - 1

Bán vé số hơn 40 năm nay, cụ Bé cho biết khá buồn vì buôn bán ế ẩm sau dịch.

Ngày trở lại buồn thảm

Tầm 12h trưa ngày 21/10, giữa cái nắng cháy da, cụ Hứa Thị Bé (90 tuổi, ngụ Quận 8, TPHCM) chậm rãi đi từng ngóc ngách dọc đường Hưng Phú để chào mua vé số. Vừa đi cụ Bé vừa rao: "Vé số Bình Dương, Vĩnh Long... chiều xổ số bà con ơi". Tuy vậy, cả tuyến đường cũng chỉ vài người mua vé số khiến cụ buồn ra mặt.

"Nghỉ 4 tháng rồi con ơi, giờ đi làm lại kiếm tiền ăn với trả tiền phòng trọ, 2 triệu đồng/tháng. Không đi làm thì lo đói, giờ đi làm thì lo dịch, lo không ai mua", cụ Bé thở dài.

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong mang may mắn đến người khác - 2

Nhìn đống vé số còn "ế" sau một ngày dài, cụ Bé như muốn bật khóc. 

Cụ Bé cho biết đã bán vé số đã 40 năm nhưng vẫn chưa "giàu nổi" nên sẽ bán đến khi không thể đi được nữa. Tay nâng niu những tờ vé số còn thơm mùi giấy, cụ Bé nói: "Biết đâu trong này có tờ trúng giải đặc biệt thì mình mang may mắn đến cho người ta, tôi chỉ cần kiếm 100.000 đồng/ngày thôi".

"Được đi làm lại mừng lắm, ở nhà đâu có tiền. Tuổi của tôi chỉ đi bán vé số thôi chứ có đi làm gì kiếm tiền được. Đi làm phụ con cái nữa, ăn bám sao đặng", cụ bà 90 tuổi tâm sự.

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong mang may mắn đến người khác - 3

Cụ chỉ mong kiếm 100.000 đồng/ngày từ bán vé số.

Cụ Bé tâm sự, hầu hết những con đường ở khu vực quận 8 đều có dấu chân của mình. Việc rong ruổi khắp các con đường từ sáng đến tối như một thói quen nên "ở nhà buồn thúi ruột bay à. Bán hết vé không mệt đâu, có tiền sao mệt".

Gần 4h chiều, khi chân đã mỏi, áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vé số vẫn còn gần nửa, cụ Bé lại thở dài. Lau những giọt mồ hôi, cụ như muốn bật khóc.

"Sáng lấy 50 tờ vé số ở đại lý còn nợ tiền đã trả đâu. Đi từ sáng tới giờ chỉ ăn được chút bánh mì mà vẫn không bán được, còn dư 20 tờ. Buồn lắm nhưng thôi, có việc là vui rồi, bán được là vui rồi", cụ Bé vừa nói vừa tức tốc trở về trả vé cho đại lý.

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong mang may mắn đến người khác - 4

Bà Trịnh Hoàng Anh cho biết cũng sợ dịch bệnh nhưng vì cuộc sống vẫn phải bám trụ bán vé số.

Chủ đại lý cũng... "khóc"

Cũng như cụ Bé, ngày 21/10, bà Trịnh Hoàng Anh (70 tuổi, ngụ quận 5) mừng "rớt nước mắt" khi đại lý gọi đến lấy vé số đi bán sau thời gian nghỉ dịch. 4 tháng nghỉ làm, bà và chồng bị tai biến đã tiêu sạch số tiền tiết kiệm. Được đi bán lại, bà mất ngủ cả đêm.

"Bữa mới nhận được một triệu đồng của thành phố hỗ trợ nên lấy đi đặt cọc 100 tờ vé số rồi đem bán. Tưởng người ta mua đông mà ai ngờ ế quá, từ sáng tới chiều mới bán được mười mấy tờ", bà Hoàng Anh than thở.

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong mang may mắn đến người khác - 5

Bà Diệp Mai cũng buồn rầu vì ế vé.

Cùng cảnh ngộ với bà Anh, bà Diệp Mai (67 tuổi, ngụ quận 5) cũng cho biết ngày trở lại tuy vui... nhưng "ế". Cứ tưởng sẽ bán được 200 tờ/ngày như trước dịch nhưng thực tế lại khiến bà Mai buồn rầu.

"Ế lắm, sau dịch ai cũng cạn kiệt, tiền đâu mà mua. Nhưng tôi vẫn ráng bán, biết đâu "ôm vé" vậy mà trúng được vài trăm ngàn cũng đỡ...", bà Mai tự an ủi khi cầm gần 100 tờ vé số trên tay.

Theo chủ đại lý vé số Hòa Phát (trên đường An Dương Vương, quận 6), trước dịch, có gần 20 người bán vé số dạo lấy vé từ đại lý của anh. Đến nay chỉ còn vỏn vẹn 2 cụ già đến lấy vé, những người còn lại anh không cách nào liên lạc được.

Cụ bà 90 tuổi bán vé số cầu mong mang may mắn đến người khác - 6

Chiếc bàn nhỏ vừa là để bày biện vé số, vừa là điểm tựa khi mỏi của bà Diệp Mai.

Cũng theo chủ đại lý này, buôn bán tại chỗ ế ẩm, lại không còn những người bán vé số dạo như trước khiến thu nhập của anh những ngày qua giảm đến 60% so với trước dịch.