Ngày Quốc tế Người cao tuổi:
Nghiên cứu "màn 2 cuộc đời" cho người cao tuổi, tại sao không?
(Dân trí) - "Gần 60% người cao tuổi có sức khỏe và nguyện vọng làm việc. Đồng thời vẫn có tới 30% người cao tuổi vẫn sống dựa vào nguồn thu nhập từ công việc hàng ngày…".
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ thông tin về nhu cầu việc làm của người cao tuổi với PV Dân trí.
- Thưa ông, quan điểm về việc làm dành cho người cao tuổi đã được nhìn nhận ra sao trong thực tế nhiều năm qua?
- Năm 1982, Liên hiệp quốc lần đầu tiên đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Thủ đô Vienna (Áo) với hơn 3.000 đại biểu của các nước, tổ chức phi chính phủ tham gia.
Hội nghị đã khuyến nghị chính phủ của các nước về việc cần quan tâm tới 6 lĩnh vực của người già, gồm: Sức khỏe và ăn uống, nhà ở và môi trường, gia đình, dịch vụ và bảo trợ xã hội, việc làm, nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Như vậy, vấn đề việc làm đã được nhìn nhận là lĩnh vực quan trọng của người cao tuổi trên toàn cầu từ gần 40 năm qua.
Tại Việt Nam, theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi), chiếm khoảng 12,7% dân số. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, Việt Nam sẽ có số lượng người cao tuổi gia tăng trong vài chục năm tới.
Theo những thống kê về việc làm được chúng tôi đã triển khai trước đây: Khoảng 50-60% người cao tuổi vẫn có đủ sức khỏe và nhu cầu tìm việc làm, khoảng 30% người cao tuổi sống bằng chính nguồn thu từ việc lao động hàng ngày.
- Bảo vệ quan điểm duy trì việc làm cho người cao tuổi, chắc hẳn ông cũng có những đánh giá riêng về thế mạnh của nhóm lao động này?
- Việc sử dụng đúng chỗ người cao tuổi trong công việc sẽ giúp ích nhiều cho người sử dụng lao động. Qua hàng chục năm làm việc và trải nghiệm, người cao tuổi đã được đào tạo, tích lũy kiến thức và kỹ năng làm việc.
Đặc biệt hơn nữa, người cao tuổi có ý thức chấp hành công việc và mong muốn sống tốt để làm việc. Bởi những kinh nghiệm trong quá khứ công việc cũng như vị trí trong gia đình, họ sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ.
Với các doanh nghiệp sử dụng người cao tuổi thì giảm nhiều chi phí ngoài lương. Việc thương thảo giữa người lao động và sử dụng lao động dễ hơn. Qua khảo sát, tình trạng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp khá thấp vì họ chấp hành nghiêm chỉnh quy định trong việc làm.
Đơn cử như trong cuộc chiến Covid-19 hiện nay, nhiều người cao tuổi đã không ngại nguy hiểm, dùng kiến thức nghề nghiệp và sức lực để tích cực tham gia trong đội ngũ tuyến đầu chống dịch trên khắp cả nước.
- Cơ hội và nguồn lực của người cao tuổi khi làm việc còn dồi dào. Vậy theo ông cần gì để có thể thúc đẩy hơn nữa chính sách tạo việc làm cho người cao tuổi?
- Tôi rất mong ở Việt Nam có một chương trình việc làm và hệ thống thông tin việc làm riêng dành cho người cao tuổi. Điều này không khó bởi chúng ta có thể tận dụng hoạt động của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm công có sẵn ở 63 tỉnh, thành phố.
Nếu giải quyết được việc làm cho người lao động cao tuổi, nhà quản lý có thể thực hiện một "mũi tên trúng nhiều đích". Đó là khi người cao tuổi duy trì được việc làm và thu nhập, gánh nặng về an sinh sẽ nhẹ bớt và hạn chế nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội.
Muốn vậy, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người cao tuổi làm việc. Đồng thời có các công cụ đòn bẩy giúp người sử dụng lao động sử dụng người lao động cao tuổi vào làm việc.
Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi VN cũng có thể nghiên cứu thành lập một ban chuyên môn về vấn đề này để tham mưu tới các cơ quan chức năng.
Chương trình "màn 2 cuộc đời"
"Nhiều năm qua, Hàn Quốc đã xây dựng chương trình tạo việc làm, hỗ trợ cho người cao tuổi với tên gọi "Chương trình màn 2 cuộc đời". Theo đó, Chính phủ nước này đã hình thành chính sách đánh giá, tìm hiểu người lao động sắp bước vào độ tuổi của người cao tuổi, xây dựng các sàn giao dịch việc làm dành riêng cho người cao tuổi, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận người cao tuổi vào làm việc… Những hoạt động này đã thu hút nhiều người cao tuổi có nguyện vọng và sức lực vào làm việc", ông Lê Quang Trung cho biết.
Xin cảm ơn ông