Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6):
Ưu tiên chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Người cao tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 và dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập. Ngoài sức khỏe, các vấn đề tinh thần và kinh tế của người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Lạc quan trong bão dịch
Bày tỏ với PV những ngày đầu tháng 6, bà Lê Phương Lan, 61 tuổi, trú tại Long Biên (Hà Nội) không khỏi lo lắng khi những ngày qua, dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp. Bà chia sẻ: "Tôi vẫn hàng ngày làm việc ngoài đường phố, phải tiếp xúc với rất nhiều người nên mỗi lần nghe tin Hà Nội có thêm ca mắc mới thì rất lo lắng".
Dịch Covid-19 khiến công việc, sinh hoạt hàng ngày của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà thường phải dậy sớm hơn để chuẩn bị đồ ăn, nước uống đem theo đi làm hoặc về nhà ăn trưa thay vì ăn hàng quán như trước kia.
Đã trên 60 tuổi nên bà Lê Phương Lan đặc biệt quan tâm tới vấn đề sức khỏe. Từ ngày dịch bệnh quay trở lại, bà luôn đem theo đồ ăn và đeo khẩu trang, hạn chế đến những khu vực có ca mắc Covid-19
Bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Minh Đức 70 tuổi trú tại Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng: "Tôi nghe đài để cập nhật tin tức hàng ngày, dịch bệnh đợt thứ 4 này diễn biến khó lường, khiến người già như chúng tôi rất lo lắng".
Ở đợt dịch đầu tiên, ông Nguyễn Minh Đức ở nhà không đi làm hơn 2 tháng để tránh việc lây lan của Covid-19. Theo ông, đối với những người cao tuổi, sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất.
Để đảm bảo sức khỏe, ông duy trì chế độ ăn uống, ngủ nghỉ một cách hợp lý và không quên đeo khẩu trang khi đi làm.
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, bà Nguyễn Thị Ba 74 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân.
Bà Nguyễn Thị Ba cho hay: "Tôi có nhiều bệnh nền như mỡ máu, huyết áp cao… nên phải cẩn trọng với dịch bệnh. Tuy ở vùng quê ít người nhưng tôi vẫn hạn chế ra đường. Ngày trước, mỗi ngày tôi đều sang hàng xóm rồi đến thăm con cháu trong thôn, dịch bệnh nguy hiểm nên chỉ sang khi có công việc cần".
Không hoang mang trước những diễn biến của dịch bệnh, theo bà Nguyễn Thị Ba, việc người cao tuổi tự bảo vệ theo khuyến cáo của chính quyền địa phương trước nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều cần thiết.
Để người cao tuổi không bị cô lập
Trao đổi về vấn đề này với PV, Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng: "Người cao tuổi là nhóm đối tượng rất nhạy cảm với dịch bệnh Covid-19 vì có nhiều bệnh nền và khả năng miễn dịch kém khiến nguy cơ lây nhiễm cao, việc điều trị gặp khó khăn".
Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến người cao tuổi bị hạn chế những hoạt động về tinh thần và những hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tâm lý của người cao tuổi bị tác động không nhỏ, công tác chăm sóc người cao tuổi cũng bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
"Trước đây, người cao tuổi có thể đến bệnh viện nếu cảm thấy vấn đề sức khỏe không được tốt, tuy nhiên, nhiều người lựa chọn việc điều trị tại nhà thay vì vào viện để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh" - Bà Phạm Thị Hải Chuyền đơn cử.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhóm người cao tuổi vẫn đang tham gia thị trường lao động bị ảnh hưởng hơn cả, nhất là những người lao động cao tuổi làm việc trong môi trường không có quan hệ lao động.
Ngoài ra, người cao tuổi ở vùng dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: "Nhiều người cao tuổi phải điều trị hoặc cách ly. Cũng có không ít gia đình, con cái đi cách ly, bố mẹ già ở nhà vừa chống dịch lại vừa chăm lo cho các cháu".
Đề xuất những giải pháp giúp đỡ người cao tuổi trong bối cảnh hiện nay, theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cơ quan chức năng cần có chính sách đưa những người cao tuổi đang làm việc, lao động hàng ngày vào nhóm đối tượng yếu thế và hỗ trợ đảm bảo cuộc sống, để có thể tạm thời dừng tham gia vào những hoạt động, công việc tiếp xúc nhiều người.
Đối với người cao tuổi nói chung, bà Phạm Thị Hải Chuyền nhận định: "Người cao tuổi cần có ý thức tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn để người lao động tự tin và chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19".
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, những người trẻ và khỏe mạnh trong gia đình cần biết rõ về mọi điều cần làm để bảo vệ người có yếu tố nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Các thành viên gia đình cần tăng cường quan tâm người cao tuổi, thăm hỏi, động viên, chăm sóc để người cao tuổi tránh bị cô lập và sợ hãi.