Còn được ở với mẹ, ngày nào cũng là 8/3
(Dân trí) - "Về với gia đình" là suy nghĩ, là tâm niệm của nhiều chị em phụ nữ ở xóm chạy thận Đà Nẵng. Khi được hỏi, các chị ước gì trong ngày 8/3? Tất cả đều ước có thêm sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật.
"Xóm chạy thận" là căn trọ nằm trong con hẻm 144, đường Hải Phòng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nơi đây có 15 người thuê trọ, phần lớn là ở tỉnh Quảng Nam.
Họ đều là những bệnh nhân bị thận giai đoạn cuối, chấp nhận thuê trọ ở gần để phòng trường hợp bất thường, vào bệnh viện cho kịp. Những người ở đây sống dựa vào nhau về mặt sức khỏe và cả tinh thần.
Không chồng, không con cũng không quà
Ngày 8/3, giữa lúc ngoài phố, mọi người đang tất bật với những bông hoa, món quà tặng một nửa của mình thì ở "xóm chạy thận" vẫn giữ nhịp sống lặng lẽ như thường ngày.
Khoảng 10h, bà Nguyễn Thị Sáu (75 tuổi, trú Điện Bàn, Quảng Nam) ăn vội miếng cơm từ thiện vừa nhận được rồi lục đục xếp áo quần, đồ dùng cá nhân để qua bệnh viện cho kịp lịch chạy thận.
Bà Sáu đã chạy thận được 10 năm nay, không chồng, không con, dường như xóm trọ này là gia đình của bà. Bệnh tật nên quanh năm bà ở đây.
Có bảo hiểm nên chạy thận bà Sáu không mất tiền, nhưng một mình bà phải tự xoay xở 1 triệu đồng tiền trọ, tiền ăn… đôi lúc có cháu trong họ hàng ra thăm cho vài trăm nghìn, bà cất để mua thuốc lúc trái gió trở trời.
Quê hương với bà giờ là điều gì đó xa xôi lắm. Dù Đà Nẵng vào Điện Bàn chẳng mấy giờ ngồi xe. Nhớ quê, nhớ làng, muốn thắp nén nhang cho cha mẹ cũng chẳng mấy lần về được vì không có tiền xe, đôi khi bà muốn khóc mà dường như không còn nước mắt.
"Cực chẳng đã mới vào đây, nhiều lúc nhìn giường bệnh bên cạnh có con, cháu thay đồ, sức dầu… mình chẳng có ai nên tủi thân, nhưng cũng đành chấp nhận thôi", bà Sáu chia sẻ.
Có 16 năm chạy thận ở Bệnh viện Đà Nẵng, cũng là chừng ấy năm chị Nguyễn Thị Hà (36 tuổi, trú Quảng Nam) không biết đến quà 8/3 là gì. Với chị, ngày phụ nữ cũng như những ngày bình thường khác. Vẫn là những khoảng thời gian chạy thận đầy mệt mỏi.
Cũng không chồng, không con, điều mà chị Hà hạnh phúc nhất là còn được ở với mẹ ngày nào cũng là ngày 8/3. Mắc căn bệnh này, chị sống như cây tầm gửi vì không lao động được gì. Chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào công việc phụ rửa chén cho mẹ.
Chị Hà còn nhớ như in món quà 8/3 đầu tiên và duy nhất đến nay chị tặng mẹ là chiếc nhẫn được chị mua từ số tiền dành dụm nhiều tháng. Món quà tuy nhỏ nhưng mẹ chị lại rất vui, đi khoe cả xóm chạy thận.
"Nhìn nụ cười của mẹ tôi vừa vui lại vừa buồn vì mình là con, 36 tuổi rồi nhưng chưa lo được gì cho mẹ, ngược lại mẹ còn lo cho mình…", chị Hà nghẹn giọng.
Những người mẹ kiên cường vì con
Ngồi trong căn phòng trọ, bà Hà Thị Liên (quê Thăng Bình, Quảng Nam) khoác cho mình chiếc áo dài tay để cố che đi đôi cánh tay chi chít toàn vết kim đâm, phồng tĩnh mạch.
Năm nay bà Liên 53 tuổi nhưng căn bệnh suy thận đã đeo bám bà 9 năm ròng rã. Ngày biết bà bị bệnh, cả nhà lo lắng, bản thân bà cũng hoang mang nhưng vì con bà đành nói "mẹ không sao đâu" để chạy thận.
Bà Liên có 2 người con, cậu con trai năm nay đã 24 tuổi, làm nghề giao hàng ở Quảng Nam và cô con gái út năm nay học lớp 11. Biết mẹ bị bệnh và ba sức khỏe yếu nên cậu con trai bà gồng gánh nuôi em.
Một mình lủi thủi ở Đà Nẵng, nhiều lúc bà Liên lại mang ảnh cậu con trai, cô con gái ra ngắm rồi "cười trong nước mắt vì nhớ con, nhớ gia đình".
"Ngày 8/3 ư, tôi biết đó là ngày phụ nữ nhưng đó cũng là ngày tôi chạy thận!", bà Liên nói và thổ lộ mong ước lớn nhất của bà là có sức khỏe, được về nhà ăn bữa cơm gia đình và được nhìn thấy cậu con trai yên bề gia thất.
Cũng là một người mẹ, bà Nguyễn Thị Tám (50 tuổi, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) có 2 người con trai, người con đầu đã đi làm và cậu con út đang học đại học năm cuối tại TPHCM.
Ngày được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, bà Tấm rất sốc vì biết căn bệnh này sẽ đi theo mình suốt cả cuộc đời. Nhưng rồi cũng 11 năm trôi qua, bà kiên cường chống chọi với bệnh tật để được nhìn thấy con "tự lo cho bản thân mình".
Ngày 8/3, bà không về quê được vì phải chạy thận. Bà Tám nhớ lại, thời điểm chưa bị bệnh, ngày lễ ở quê, bà hay tham gia phong trào phụ nữ ở làng xóm cùng với các chị em.
Sau này bị bệnh, phải xa gia đình chạy thận, nhiều khi thấy buồn và luôn nhớ về những ngày đã xa rồi tự an ủi mình phải cố gắng vì con, vì gia đình. "Niềm hạnh phúc của tôi là ngày 8/3 hàng năm, các con đều gọi điện chúc mừng và động viên mẹ", bà Tám thổ lộ.
Những người phụ nữ mang trong mình căn bệnh suy thận quái ác, bao nhiêu nước mắt cũng chưa đủ để họ kể hết chuyện đời của mình. Nhưng đằng sau nỗi cơ cực đó là cả một niềm tin và nghị lực rất lớn để mỗi người xác định phải vượt lên chính mình và sống tiếp.
"Được có mặt trên đời là một điều ý nghĩa", đó là suy nghĩ, tâm niệm của nhiều chị em phụ nữ ở xóm chạy thận. Khi được hỏi, các chị ước gì trong ngày 8/3? Tất cả đều ước có thêm sức khỏe để sống tiếp đoạn đời còn lại.