Niềm vui những ngày cuối năm ở "xóm chạy thận"
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, "xóm chạy thận" rộn ràng hơn hẳn, các tổ chức hảo tâm đã mang đến nhiều món quà ý nghĩa, giúp bệnh nhân nghèo có một cái Tết đầy đủ, ấm áp hơn.
Niềm vui hiếm hoi của bệnh nhân chạy thận
Mỗi người một quê, một hoàn cảnh, nhưng căn bệnh suy thận đã kéo họ xích lại gần nhau, cùng quây quần trong xóm trọ thuộc phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Xóm trọ này nằm ngay phía sau Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới và được mọi người gọi là "xóm chạy thận", nơi mà sự sống và cái chết như sợi chỉ mỏng manh khiến tình người thêm bền chặt, ấm nồng...
Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, "xóm chạy thận" khác hẳn ngày thường. Sự vắng lặng được thay thế bằng những lời chúc, tiếng nói cười rôm rả, bởi thời gian này, xóm trọ nhỏ đón nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ghé thăm.
Anh Lê Ngọc Vương (SN 1992), trú xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có "thâm niên" hơn 18 năm chạy thận và gần chục năm sống tại khu trọ. Theo anh Vương, hầu hết bệnh nhân bị suy thận đều phải lọc máu 3 lần/tuần, họ rất ít khi về nhà, thậm chí Tết cũng ở lại.
Những ngày cuối năm là thời điểm anh Vương và các bệnh nhân ở "xóm chạy thận" chờ đợi nhất, bởi họ nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, tổ chức. Những món quà ý nghĩa là liều thuốc tinh thần, tạo động lực để bệnh nhân tiếp tục chống chọi với bệnh tật, duy trì sự sống.
"Cuối năm ai cũng hóng Tết, nhưng với chúng tôi, ai về nhà thì cũng chỉ 1-2 ngày, rồi lại vào viện chạy thận, đa số đón Tết ở viện và khu trọ. Tết đến, chúng tôi được nhiều tổ chức tặng quà, nhiều người còn mang đào, quất đến tặng, giúp chúng tôi được hòa trong không khí Tết, vơi bớt khó khăn, nỗi buồn", anh Vương chia sẻ.
Còn với anh Đặng Ngọc Quý (SN 1985), trú xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, người đàn ông này đã trải qua 7 năm chạy thận. Cứ 3 lần/tuần đều đặn, thiếu lần nào sức khỏe anh suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn... Dấu vết để lại trên cánh tay gân guốc là chi chít những vết kim tiêm nổi thành u cục to tướng.
Anh Quý tâm sự, như bao người, anh cũng háo hức được về thăm nhà, được đón Tết trọn vẹn cùng người thân, gia đình, nhưng vì bệnh tật nên mong muốn đó nhiều năm qua chưa thực hiện được.
Nói về những cái Tết ở "xóm chạy thận", anh Quý cười, Tết có thể thiếu bánh chưng nhưng bệnh nhân chạy thận không thể thiếu thuốc. Anh Quý rất mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tiếp tục sẻ chia, giúp cho những bệnh nhân suy thận như anh có thêm động lực giành giật sự sống.
"Ở đây những ngày Tết cũng buồn, nhưng nhờ có sự quan tâm của các mạnh thường quân, tổ chức, chúng tôi ấm lòng hơn rất nhiều. Những món quà, sự sẻ chia giúp chúng tôi có một cái Tết tuy xa nhà nhưng đầy đủ, ấm áp tình người", anh Quý bộc bạch.
Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh
Là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động thiện nguyện, hướng đến người nghèo những ngày Tết đến, Xuân về, vừa qua, Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Đồng Hới đã triển khai chương trình hướng về bệnh nhân của "xóm chạy thận".
Cô giáo Đặng Thị Khánh Quyên, cho biết, thầy và trò nhà trường đã dành nhiều phần quà ý nghĩa đến các bệnh nhân nghèo gồm: tiền, quần áo ấm, nhu yếu phẩm, bánh kẹo với mong muốn các bệnh nhân cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia khi Tết cận kề.
"Với mong muốn sẻ chia những khó khăn, vất vả với bệnh nhân nghèo, nhất là bệnh nhân chạy thận, năm nào chúng tôi cũng dành những suất quà Tết đến với họ. Tôi được biết, các bệnh nhân chạy thận thường xuyên phải lọc máu, khó có cái Tết trọn vẹn, do vậy chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ để khỏa lấp phần nào đó thiệt thòi, nỗi buồn cho họ", cô Quyên nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình, cho biết hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của bệnh nhân chạy thận, hội luôn nỗ lực giúp đỡ và kết nối các nhà hảo tâm.
Hội đã trích quỹ và trao nhiều phần quà tới các bệnh nhân chạy thận. Nhân dịp Tết Nguyên đán, hội cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, trao tặng 2 máy chạy thận cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện thông tin, đơn vị đang quản lý, điều trị cho gần 250 bệnh nhân suy thận mãn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Trung bình mỗi tháng có gần 150.000 lượt bệnh nhân lọc máu chu kỳ và lọc máu cấp cứu. Trong khi bệnh viện chỉ có 31 máy chạy thận nhân tạo, làm việc liên tục 4-5 ca/ngày. Hầu hết các máy sử dụng trên 10 năm, hoạt động với tần suất cao, phần nào ảnh hưởng đến công tác điều trị.