(Dân trí) - Sáu Xuân rút chốt quả lựu đạn cuối cùng ném về phía địch và hô to "đả đảo đế quốc Mỹ", "Hồ Chí Minh muôn năm". Người nữ chiến sỹ biệt động ngã xuống trước loạt đạn trả thù tàn bạo của kẻ thù.
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Dược (phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) - cháu ruột liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát - khi hay tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát.
"18h5 ngày 20/9, tôi nhận được thông tin Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi lặng người đi vì sung sướng, cả đêm không thể ngủ. Sau hơn nửa thế kỷ, những đóng góp to lớn của liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được đánh giá đúng và ghi nhận. Hơn hết, những trăn trở mà bố tôi canh cánh cả cuộc đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đến nay đã trở thành hiện thực", ông Dược tâm sự.
Theo ông Dược, liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát (1940-1968) là con út trong gia đình ngư dân đông con tại phường Nghi Thủy. Còn bố ông, ông Lê Viết Tiếp, là anh trai thứ 2 trong gia đình.
"Cô tôi vào Nam chiến đấu khi tôi mới 2 tuổi và hi sinh khi tôi 6 tuổi. Trong trí nhớ của một đứa trẻ, tôi không có hồi ức nào về người cô của mình. Bố tôi cũng không kể nhiều về cô. Chúng tôi chỉ biết cô rời bục giảng của giảng đường đại học, xung phong vào miền Nam chiến đấu và hi sinh, còn cụ thể thế nào thì không nắm rõ", ông Dược kể.
Đất nước thống nhất, ông Tiếp và những người thân trong gia đình bắt đầu công cuộc tìm kiếm thông tin của liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế, giao thông và nhiều trở ngại khác khiến việc tìm kiếm thông tin về liệt sỹ Cát hết sức khó khăn. Năm 1990, ông Lê Viết Tiếp qua đời, khi tâm nguyện tìm kiếm người em gái liệt sỹ vẫn chưa hoàn thành. Là con trai, ông Dược hiểu tâm tư của bố và tiếp tục hành trình tìm kiếm thông tin về người cô ruột của mình. Thế nhưng bắt đầu tìm kiếm từ đâu, chính ông Dược cũng chưa hình dung được.
"Năm 1993, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Cục Thể dục - Thể thao, tôi vào TPHCM bắt đầu hành trình tìm kiếm thông tin của cô Bạch Cát. Bước trên con đường và đến ngôi trường mang tên Lê Thị Bạch Cát, trong lòng tôi dâng lên cảm giác tự hào. Chắc hẳn cô đã có đóng góp quan trọng ở mảnh đất phương Nam xa xôi này", ông kể.
Điều kiện kinh tế, biến cố sức khỏe của ông Dược cũng như đặc thù hoạt động cách mạng của nữ chiến sỹ Lê Thị Bạch Cát khiến đã có lúc, hành trình tìm kiếm thông tin liệt sỹ đã phải dừng lại. Kiên trì đi gõ cửa các cơ quan chức năng, tiếp cận từng trang hồ sơ trong Cục Lưu trữ quốc gia 3, hay tìm gặp những người đồng nghiệp, đồng đội... của liệt sỹ Bạch Cát, cuối cùng, những nỗ lực, tâm huyết của ông Dược đã được đền đáp. Mỗi chuyến đi, mỗi tài liệu được thu thập, mỗi nhân chứng ông Dược gặp gỡ, đã góp phần làm sáng tỏ quá trình hoạt động cách mạng của một nữ chiến sỹ biệt động gan dạ, dũng cảm, mưu trí, quyết đoán Lê Thị Bạch Cát.
Từ những thông tin được thu thập, xác nhận, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chức năng... hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đối với liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát đã được hoàn thiện và gửi đi. Biết bao lần bổ sung hồ sơ, bao nhiêu năm chờ đợi, chiều 20/9, niềm vui sướng, tự hào và hạnh phúc của ông Lê Văn Dược đã vỡ òa...
"31 năm, không thể nói hết trong một vài câu, cũng không thể kể hết trong một vài buổi. Những gì bản thân tôi đã trải qua, tôi xin không nhắc lại nữa. Cái quan trọng nhất, những đóng góp của cô tôi trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã được nhìn nhận đúng với giá trị của nó. Để hôm nay, gia đình, dòng họ và cả quê hương tự hào về liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Bạch Cát", ông Dược chia sẻ.
Ông Lê Văn Dược cho chúng tôi xem chồng hồ sơ liên quan đến liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Bạch Cát mà ông cất công thu thập, xác minh trong một thời gian rất dài. Từ bản sao lý lịch đoàn viên, đảng viên, mẩu báo cũ của địch đến những bản xác nhận của đồng đội..., chân dung người liệt nữ - chiến sỹ biệt động Lê Thị Bạch Cát đã được khắc họa một cách chân thực và đầy đủ.
Lê Thị Bạch Cát tham gia phong trào cách mạng tại địa phương từ rất sớm. Tốt nghiệp trường sư phạm, năm 1958, cô được phân công làm giáo viên Trường cấp 1 xã Nghi Tân (nay là Tiểu học Nghi Tân, thị xã Cửa Lò). Năm 1959, cô được cử đi học tại Trường sư phạm thể dục, thể thao và về công tác tại Trường Đại học sư phạm Vinh, sau đó chuyển qua Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An).
Cuối năm 1961, nhà giáo Lê Thị Bạch Cát được điều động đến nhận công tác tại Trường bổ túc văn hóa cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ tháng 2/1962 đến tháng 10/1964, Lê Thị Bạch Cát lần lượt giảng dạy tại Trường trung cấp Thể dục - Thể thao (nay là Trường Đại học Thể dục - Thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh), Trường Cán bộ Thể dục - Thể thao Trung ương (nay là Đại học sư phạm Thể dục - Thể thao Hà Nội) và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Tháng 4/1964, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà giáo Lê Thị Bạch Cát đã viết "huyết tâm thư" và tham gia lớp cán bộ bổ sung cho chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng huấn luyện đặc biệt, nhà giáo Lê Thị Bạch Cát, với bí danh Lê Liên Xuân, có mặt trong đoàn quân mang phiên hiệu K33, hành quân vượt Trường Sơn và có mặt tại Trung ương Cục miền Nam vào tháng 3/1965. 4 tháng sau, Lê Thị Bạch Cát được phân công về Tiểu ban giáo dục Trung ương Cục, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác sinh viên.
Cuối năm 1965, đồng chí Lê Liên Xuân (còn gọi là Sáu Xuân) được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định biệt phái đến thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), cùng cơ sở bí mật bám sát địa bàn, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng cách mạng. Tại đây, dưới sự chỉ huy của Sáu Xuân và các đồng chí của mình, một cuộc biểu tình với sự tham gia của 5.000 người đã nổ ra. Lực lượng cách mạng đã chiếm và giữ được Đài phát thanh Đà Lạt trong thời gian từ ngày 30/3 đến ngày 4/4/1966. Cơ sở cách mạng không ngừng được xây dựng và mở rộng, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu ngay trong lòng địch.
Cuối tháng 5/1966, Sáu Xuân được điều động về công tác tại Quận 4 với chức vụ Quận ủy viên phụ trách thanh niên, Bí thư Quận đoàn thành phố Sài Gòn. Dưới vỏ bọc nữ công nhân nhà máy sản xuất đồ hộp có tên Đinh Thị Lan, Sáu Xuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ địch vận, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng...
Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Sáu Xuân được Khu ủy chuyển đến liên quận 2-4 (nay là quận 1, TPHCM) với chức danh Quận ủy viên, Bí thư Ban chấp hành thanh niên kiêm Bí thư chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2-4.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, Sáu Xuân cùng các đồng chí của mình vận động, xây dựng lực lượng, tổ chức vận chuyển tập kết vũ khí... sẵn sàng cho trận chiến đặc biệt quan trọng này. Thực hiện kế hoạch của cuộc tổng tiến công, Sáu Xuân trực tiếp chỉ đạo phát động nhân dân, phối hợp các đội vũ trang và các đơn vị biệt động khác nổi dậy, tấn công địch các khu vực Phạm Ngũ Lão, Bến Chương Dương, hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn, giáng cho địch những đòn đau đớn.
Trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, yếu tố bí mật đã không còn, địch tổ chức phản công khiến lực lượng cách mạng chịu tổn thất nặng nề. Ngày 5/5/1968, trong một đợt tấn công, Sáu Xuân và đồng đội phải rút vào hẻm 83 Đề Thám để cầm cự. Bị trúng trái pháo, đồng chí Hà Văn Tiết hi sinh, Sáu Xuân và người đồng đội Đào Thị Hồng Nga, Nguyễn Văn Quang bị thương. Là Trung đội trưởng, Sáu Xuân ra lệnh cho 2 đồng chí không bị thương rút ra để bảo toàn lực lượng, còn chị và 2 đồng chí của mình ở lại, quyết tử với địch.
Cuộc chiến không cân sức diễn ra hết sức ác liệt ở hẻm 83 Đề Thám. Sáu Xuân chiến đấu ngoan cường, bắn đến viên đạn cuối cùng và bị thương lần 2. Không còn nghe tiếng súng chống cự, địch bắc loa gọi hàng nhưng bất thành. Chúng tràn vào hẻm để bắt sống "Việt Cộng". Dù bị thương rất nặng, Sáu Xuân rút chốt quả lựu đạn cuối cùng ném về phía địch và hô to "đả đảo đế quốc Mỹ", "Hồ Chí Minh muôn năm". Người nữ chiến sỹ biệt động Sáu Xuân ngã xuống trước loạt đạn tàn bạo của kẻ thù.
"Trong quá trình tìm kiếm thông tin, gặp gỡ nhiều nhân chứng trực tiếp hoạt động, chiến đấu, chúng tôi hiểu hơn về lý tưởng, khí phách cũng như cái tâm và tầm lãnh đạo của cô Bạch Cát. Ngay cả khi bị thương nặng, cô tôi vẫn nghĩ cách để 2 đồng chí của mình ngụy trang, rút ra an toàn. Biết chắc trong cuộc chiến không cân xứng với kẻ thù, cô tôi với tư cách của một người chiến sỹ biệt động, chỉ nhắn nhủ đồng đội báo cáo với tổ chức "sẵn sàng hi sinh đến giọt máu cuối cùng"", ông Lê Văn Dược tự hào về người cô của mình.
Điều ông Dược và gia đình day dứt và trăn trở, là sau hơn nửa thế kỷ chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất này, hài cốt của liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Bạch Cát vẫn chưa được tìm thấy...