DMagazine

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ

(Dân trí) - Trong lễ cưới, con bướm trắng bay tới đậu trên phần mộ cô dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Bên phần mộ chú rể, bát hương bùng lên... Lời hẹn ước sau nửa thế kỷ nằm xuống của họ nay đã trở thành sự thực.

Trong lễ cưới giữa nghĩa trang liệt sĩ, con bướm trắng bay tới đậu trên phần mộ cô dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Bên phần mộ chú rể, bát hương hóa, bùng lên thành ngọn lửa. Lời hẹn ước thành vợ, thành chồng của họ trở thành sự thực, sau nửa thế kỷ nằm xuống.

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ - 1

Những ngày tháng 7 tri ân, tôi có dịp đến xã Nam Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) và được nghe kể câu chuyện về một đám cưới đặc biệt - đám cưới của hai dân công hỏa tuyến đã ngã xuống cùng lời hẹn ước nên vợ, nên chồng từ nửa thế kỷ trước. 

Trong tâm trí của ông Nguyễn Hữu Tường, người chị gái - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn (còn có tên là Nguyễn Thị Diện, SN 1947) vốn đẹp người, đẹp nết, bắn súng giỏi, ném lựu đạn cừ trong các hội thi quân sự của địa phương vào thời điểm đó. Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, chị Diễn trong đội hình dân công hỏa tuyến của địa phương, có mặt khắp các trọng điểm đánh phá ác liệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trước yêu cầu của chiến trường, chị Diễn được bổ sung cho Công ty Đường sắt 769, vào xây dựng tuyến đường sắt vận tải, đoạn qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. 

Nối tiếp người chị gái, ông Tường cũng gia nhập quân ngũ, thuộc biên chế lực lượng Công an vũ trang tỉnh Nghệ An (nay là lực lượng bộ đội biên phòng). Một đêm cuối năm 1972, đang ở đơn vị, ông Tường được thủ trưởng thông báo "Đơn vị cho em về phép giải quyết việc gia đình". Dẫu vị thủ trưởng không nói rõ lí do nhưng linh tính điều không lành, ông Tường cuốc bộ xuyên đêm, vượt chặng đường hơn 20 cây số về nhà.

"Rạng sáng, tôi về đến nhà. Mẹ đang khóc. Giấy báo tử của chị tôi vừa được gửi về nhà. Trong giấy ghi chị là tử sĩ, mất trên sông Đò Vàng, thuộc địa bàn xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 29/12/1972, nhằm 24/11 âm lịch", ông Tường nghẹn ngào.

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ - 3

Sau này, tình cờ ông Tường đọc được bức thư chị gái gửi về cho mẹ. Trong thư chị Diễn thông báo tình hình sức khỏe, công việc và cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã nảy sinh tình cảm với anh Đặng Văn Cự, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang).

"Con dồn phép 4 năm để qua Tết con về thăm mẹ. Chúng con cũng dự định đợt này về báo cáo gia đình 2 bên để xin phép tổ chức...", ông Tường vẫn nhớ như in từng dòng chữ, dù nhiều năm trôi qua bức thư đã bị thất lạc. 

Câu chuyện tình yêu của anh Đặng Văn Cự và chị Nguyễn Thị Diễn được ông Nguyễn Phong Vũ (trú huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) kể lại: "Lúc đó tôi 14 tuổi, chị Diễn ở trong nhà tôi, còn anh Cự ở nhà ông nội tôi, cách đó 2 căn nhà. Chị Diễn coi chúng tôi như em út trong nhà, ngoài thời gian làm nhiệm vụ, chị bày dạy chúng tôi nhiều điều lắm, nên chúng tôi cũng quý, xem chị là thành viên trong gia đình. Chuyện chị Diễn và anh Cự yêu nhau cả đơn vị và người dân ở đây ai cũng biết. Hai người đã tính qua Tết về phép sẽ tổ chức đám cưới. Anh chị ấy hi sinh, an táng cạnh nhau ở bên sông Đò Vàng, sau này được cất bốc, đưa về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới, hai phần mộ cũng được bố trí cạnh nhau".

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ - 5

Năm 1994, ông Tường mới có thời gian đi tìm mộ chị gái. Phải mất 3 chuyến đi, với sự giúp đỡ của nhiều người và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, cuối cùng, ông cũng đến được nơi chị gái mình đang yên nghỉ. Những chuyến đi thấm đẫm ân tình của những cán bộ đường sắt, của người xe ôm, của vợ chồng cựu binh bán hàng trước cổng ga, của cán bộ chính sách..., khiến hành trình tìm chị gái của ông bớt gian nan hơn.

Trở về quê nhà, với các thông tin được khâu nối từ nhiều nguồn về quá trình phục vụ chiến đấu của chị gái, ông Tường làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với chị Nguyễn Thị Diễn. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký quyết định công nhận liệt sĩ và trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. 

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ - 7

Thực hiện nguyện vọng của gia đình và dòng họ, ông Tường nhiều lần vào nghĩa trang để đưa hài cốt chị gái mình về quê. "Lạ lắm, lần nào tôi khất âm dương xin hương hồn chị để đưa về quê thì đều không được. Sau này tôi nghĩ, có lẽ cả tuổi trẻ của chị đã ở đây, ngót nửa thế kỷ chị nằm lại giữa các đồng chí đồng đội. Hơn nữa, chị được an táng cạnh người mình yêu nên chị không nỡ rời xa chăng?. Nghĩ vậy nên gia đình quyết định để chị yên nghỉ lại bên anh Cự và đồng đội", ông Tường kể.  

Trong khi đó, do giấy báo tử bị thất lạc nên gia đình không biết anh Đặng Văn Cự được an táng ở đâu. Đầu năm 2022, thông qua hình ảnh về phần mộ được đăng tải trên một website về liệt sĩ, đối chiếu thông tin danh tính, năm sinh, quê quán, đơn vị, gia đình mới biết anh Cự đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới. Cũng lúc này, người thân mới biết về câu chuyện tình yêu của anh Cự và cô dân công hỏa tuyến xứ Nghệ Nguyễn Thị Diễn. Thông tin được khớp nối, hai gia đình đi đến thống nhất: Tổ chức đám cưới, hoàn thành ước nguyện đang dang dở của anh Đặng Văn Cự và chị Nguyễn Thị Diễn.

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ - 9

Ngày 3/4, đoàn nhà trai từ Bắc Giang cùng gạo, gà, trầu cau, bánh phu thê... vào Nghệ An. Mọi công đoạn của lễ "vấn danh tơ hồng" được thực hiện đúng nghi thức và phong tục truyền thống của một đám cưới bình thường, chỉ khác rằng, cô dâu, chú rể không thể hiện diện... 

Sau lễ ăn hỏi tại nhà cô dâu, hai họ "hành quân" vào Quảng Bình. Đoàn cử hành hôn lễ có thêm những người con xứ Quảng đã thay mặt gia đình chăm sóc, hương khói 2 phần mộ và người tiếp sức, hỗ trợ ông Tường trong hành trình tìm mộ chị gái mình - những người nay đã trở thành người thân trong gia đình họ. 

Thắp hương ở đài tưởng niệm chung các liệt sĩ, hai họ chính thức tổ chức lễ cưới cho cô dâu Nguyễn Thị Diễn và chú rể Đặng Văn Cự bên phần mộ của hai người. "Trong lúc tổ chức lễ cưới, một con bướm trắng bay tới đậu trên bó hoa nơi mộ chị tôi. Bên phần mộ anh Cự, chân hương bỗng "hóa", bùng lên ngọn lửa. Trên đài tưởng niệm liệt sĩ của nghĩa trang, chân hương cũng bùng lên. Có lẽ hương hồn chị tôi và anh Cự, cùng hương hồn các liệt sĩ đã về chứng kiến cho một đám cưới đặc biệt, để anh chị tôi, với tình yêu nảy mầm trong chiến tranh, hòa vào tình yêu đất nước, đã đi đến đoạn kết đẹp, danh chính ngôn thuận là vợ, là chồng, trọn đời trọn kiếp bên nhau", ông Nguyễn Hữu Tường xúc động nhớ lại. 

Hoàn thành lễ cưới tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới, gia đình nhà trai mời nhà gái ra Bắc Giang để tham dự lễ cưới tại nhà thờ của dòng họ. Ngoài việc thông báo cho tổ tiên, các bậc tiền nhân và con cháu về sự kiện đặc biệt này, còn là nghi thức nhập họ cho con dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. "Trong gia phả của dòng họ, chú Cự được ghi "qua đời khi còn trẻ, chưa có vợ con". Nay bên cạnh tên chú đã có thêm dòng chữ "Vợ: Nguyễn Thị Diễn". Sau tròn nửa thế kỷ kể từ khi cô chú có dự định đám cưới thì nay mới trở thành sự thật. Cô Diễn đã trở thành dâu con của dòng họ Đặng chúng tôi, trở thành người vợ hiền của chú Cự. Chắc hẳn dưới suối vàng, cô chú đang rất hạnh phúc và mãn nguyện", ông Đặng Văn Cần - trưởng họ Đặng, chia sẻ.

Chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sĩ - 11

Kết sợi dây tơ hồng cho một tình yêu đã trải dài suốt nửa thế kỷ nhưng ông Cần cũng như người thân của anh Đặng Văn Cự vẫn còn một tâm nguyện chưa thể hoàn thành. Do giấy báo tử bị thất lạc, phần mộ mới tìm thấy, nên đến nay, anh Đặng Văn Cự chưa được công nhận là liệt sĩ. Hiện, gia đình đang hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng công nhận anh Đặng Văn Cự là liệt sĩ.  

"Mộ chú Đặng Văn Cự trong nghĩa trang được khắc bia liệt sĩ. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, ngành chức năng để những cống hiến, hi sinh của chú Cự sớm được công nhận", ông Cần bày tỏ.

                                          Nội dung: Hoàng Lam

                                          Thiết kế: Tuấn Huy