DMagazine

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố

(Dân trí) - Trong chuyến thăm nghĩa trang, ông Sỹ tay cầm nén hương, miệng khấn "Bố sống khôn chết thiêng, phù hộ cho con tìm được mộ bố" và òa khóc khi nhìn thấy tên bố. Đó là kết quả của hành trình gần 50 năm.

Trong một chuyến thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, ông Sỹ tay cầm nén hương, miệng khấn "Bố sống khôn chết thiêng, phù hộ cho con tìm được mộ bố" và òa khóc khi nhìn thấy tên bố trên tấm bia mộ...

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 1

Cùng không khí "tháng về nguồn", ngày 10/7, một đoàn cán bộ của xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào miền Trung một thời đất lửa, đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Trong đoàn của xã Duyên Hải "về nguồn" lần này có ông Phùng Văn Sỹ (59 tuổi), là con trai của liệt sỹ Phùng Văn Môn. Gia đình liệt sỹ Phùng Văn Môn đã hàng chục năm đi khắp nơi tìm kiếm phần mộ, hài cốt của thân nhân nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Khi đoàn cán bộ của xã Duyên Hải tập trung tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, như thói quen, ông Phùng Văn Sỹ lại dặn dò những người đi cùng đoàn nếu thấy phần mộ liệt sỹ nào ghi quê quán Thái Bình thì chụp lại về đưa cho ông xem, nuôi hi vọng mong manh về việc tìm kiếm phần mộ của bố.

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 3

Sau khi làm lễ, dâng hương tại chính điện, đoàn hành hương chia nhau đi thắp hương cho người thân, coi sóc các mộ phần lân cận tại nghĩa trang. Ông Sỹ cũng cầm nén hương, miệng khấn: "Bố ơi, trời thì nắng, nghĩa trang thì rộng, con tìm bố như tìm chim trên trời. Nếu bố sống khôn thác thiêng, bố phù hộ cho con tìm được mộ bố", rồi ông bắt đầu bước đi.

Ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 có 10.000 liệt sĩ yên nghỉ. Ông Sỹ cứ đi theo hướng vô định. Khoảng 15 phút sau, ông dừng chân trước một ngôi mộ tập thể. Lần đọc từng cái tên trong danh sách 112 liệt sĩ Sư đoàn 320, ông bỗng gặp hàng chữ "liệt sỹ Phùng Văn Môn". Giật mình nhìn lại, ông Sỹ không tin nổi ở mắt mình khi dòng chữ trên bia mộ ghi đầy đủ thông tin năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh, đều trùng khớp với đặc điểm của bố mình.

Vẫn chưa chắc chắn về việc này, ông Sỹ lật đật mang tập hồ sơ cũ của bố ra, so sánh lại từng chữ. Sau khi kiểm chứng chắc chắn là các thông tin trùng khớp, lúc này ông mới dám khẳng định đây chính là nơi yên nghỉ của bố, người liệt sĩ mà cả gia đình đằng đẵng bao năm trời tìm kiếm.

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 5

"Lúc đọc thấy tên "liệt sỹ Phùng Văn Môn", trùng năm sinh, quê quán… mắt tôi mờ đi. Tôi phải dùng tay dụi mắt mấy lần, thậm chí tự cấu véo vào má, tay mình xem đây có phải là sự thực hay chỉ là mơ. Lúc nhận thức được rằng đây là sự thật rồi, không phải là một giấc mơ, tôi mới òa khóc nức nở, ngay bên khu mộ phần tập thể đó", ông Sỹ nhớ lại.

Vẫn không kìm được cảm xúc bản thân mình, ông kể lại: "Phải định hình một lúc, tôi mới có thể gọi điện về cho vợ, nói mãi mới diễn tả được một câu là "tôi tìm thấy bố trong này rồi! Cả nhà tôi nghe tin khi đó cũng ôm nhau khóc vì xúc động. Đây là niềm trăn trở và cũng là nỗi đau đáu, vướng mắc bao nhiêu năm qua của cả gia đình tôi, khi chưa tìm thấy bố!".

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 7

Liệt sĩ Phùng Văn Môn, lên đường nhập ngũ vào năm 1966, khi người con trai duy nhất mới 2 tuổi. Trong thời gian nhập ngũ, ông về thăm nhà được một lần duy nhất, để lại chiếc mũ tai bèo làm kỷ vật.

Cụ Phạm Thị Hoa (81 tuổi), vợ liệt sỹ Phùng Văn Môn chậm nước mắt kể: "Năm ông ấy về nhà, thằng lớn (ông Phùng Văn Sỹ - PV) đã được 3 tuổi. Ông bảo tôi: "Anh đi lần này chưa biết lúc nào sẽ trở về, em ở nhà nuôi dạy con cho tốt, khi toàn quân chiến thắng, đất nước độc lập anh sẽ trở về". Nhưng ông ấy về lần đấy rồi đi mãi…".

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 9

Đến năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320 báo tin liệt sỹ Phùng Văn Môn hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam. Giấy báo tử ghi "thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo", nhưng không đề rõ nơi hy sinh và chôn cất.

Và gia đình cụ Hoa, ông Sỹ bắt đầu nỗi phấp phỏng, đau đáu mong mỏi tìm kiếm hài cốt, phần mộ người chồng, người cha liệt sĩ. Đến tuổi trưởng thành, ông Phùng Văn Sỹ đi nhiều nơi, tìm gặp những người cùng quê với bố mình để hỏi thăm tin tức. Ông cũng đi tìm người trực tiếp ký giấy báo tử của bố gửi về gia đình nhưng cũng không có manh mối nào.

Không nản chí, ông tiếp tục tìm đến các cựu binh Sư đoàn 320 để hỏi thông tin, rồi khi khắp các khu vực từng là chiến trường xưa, vào Đà Nẵng, Bình Dương… lên vùng rừng núi, lùng sục, nghiên cứu thông tin trên Internet… Hành trình ấy, đến tháng 7 này là gần 40 năm. Bao nhiêu công sức, năm tháng trước đó, mong mỏi tìm được phần mộ liệt sĩ Phùng Văn Môn nhưng vẫn không đem lại kết quả.

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 11

Lúc những hy vọng nhỏ nhoi nhất không còn, ông Phùng Văn Sỹ lại động viên mẹ và cả gia đình cố gắng, an ủi bà là "rồi cơ duyên sẽ đến".

Trong lần đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 đầu tháng 7 vừa rồi, ông không xác định gì, chỉ dặn dò người đi cùng đoàn để ý danh tính các liệt sĩ ở nơi có đến 10.000 mộ phần. Nhưng kết quả không ngờ đến vậy, ông tìm thấy phần mộ của bố đang nằm tại đây, chung với 112 liệt sỹ khác của Sư đoàn 320.

Sau khi gọi điện về thông báo cho gia đình việc đã tìm thấy bố, ông Phùng Văn Sỹ liền quay về quê, vay mượn tiền của người thân, thuê một chuyến xe, mua thêm 112 bộ quần áo bộ đội bằng giấy, đồ cúng rồi ngày 14/7, ông cùng mẹ và 16 người thân là chú bác, con cháu vào Quảng Trị.

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 13

Cụ Phạm Thị Hoa, vợ liệt sỹ Phùng Văn Môn kể lại trong dòng nước mắt: "Bao nhiêu năm xa cách, giờ âm dương cách biệt, tìm thấy tên ông ấy nhưng không nhìn thấy hình hài. Bao nhớ nhung cứ thế tuôn trào. Bà khóc ngất khi đó, một phần vì đau thương, xót xa, nhưng một phần cũng vì quá hạnh phúc khi tìm được chồng sau bao năm mòn mỏi chờ đợi".

Còn ông Sỹ cho hay: "Gia đình tôi đến nghĩa trang, cúng bố tôi thế nào, thì tôi cúng đồng đội bố tôi thế ấy. Bao năm xa nhà, xa quê hương, bố tôi chỉ có 111 đồng đội cùng nằm lại đây chia sẻ buồn vui, khắc khoải.

Sau đấy, gia đình tôi xin phép được mang một ít chân hương ở ngôi mộ tập thể của Sư đoàn 320 tại Nghĩa trang Đường 9 về quê nhà, để rước vong linh của bố tôi về với tổ tiên. Tôi sẽ cố gắng tìm các thân nhân của các liệt sỹ còn lại đang nằm trong ngôi mộ chung với bố tôi để viết thư báo tin. Biết đâu, trong những liệt sỹ đang nằm cùng bố tôi vẫn còn những hoàn cảnh như gia đình tôi".

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 15

Cũng theo ông Sỹ, dù không thể đưa bố mình về với quê hương, nhưng niềm an ủi lớn nhất của gia đình là đã tìm thấy phần mộ của bố ông để con cháu sau này biết, tới thăm nom, hương khói.

Hiện ông Sỹ đang là cán bộ tư pháp xã Duyên Hải. Trước đó, ông có 20 năm làm Trưởng công an xã Duyên Hải. Tò mò hỏi về một vết sẹo dài chạy dọc trên má trái của ông Sỹ, ông cho hay, vét sẹo để lại do bị kiếm chém. Trong một lần ông truy bắt trộm khi là Trưởng công an xã, ông bị đối tượng chém, thương tật hơn 20%.

Ông Sỹ kể lại, năm 2007 xã Duyên Hải liên tục xảy ra tình trạng trộm cắp, người dân vô cùng bất bình. Chính quyền địa phương yêu cầu công an xã triển khai các biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự.

Ngày 2/9/2007, ông Sỹ báo cáo kế hoạch tuần tra, kiểm soát và được phê duyệt. Đêm cùng ngày, ban công an xã Duyên Hải chia làm 4 tổ công tác, trong đó ông Sỹ cùng một công an viên tách riêng làm một tổ đi tuần tra. Đêm đó, ông Sỹ nghe tiếng động phát ra tại khu vực mình tuần tra, khi xác định là kẻ trộm, ông chưa kịp hô hoán đã bị đối tượng cầm kiếm chém thẳng vào mặt mình.

Con trai liệt sĩ òa khóc khi bất ngờ tìm được phần mộ của bố - 17

"Thời điểm bị đối tượng chém, tôi không hề có cảm giác gì, vẫn cầm còi thổi, huy động lực lượng truy bắt nhưng thổi mãi không thấy còi kêu mà thấy hơi phì ở một bên má. Đưa tay lên má sờ, tôi thấy ướt, lúc ấy mới hiểu mình bị thương, vết chém xuyên thủng má. Tôi được người dân và anh em công an xã đưa đi cấp cứu. Kết quả, tôi bị thương tật hơn 20% sức khỏe. Đối tượng gây án sau đấy cũng bị bắt giữ và bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tôi nhận giấy chứng nhận là thương binh từ đó" - ông Sỹ cho hay.

Nội dung: Đức Văn

Thiết kế: Tuấn Huy