Chuyện bình thường với người đàn ông nhiều lần "cướp cơm hà bá"
(Dân trí) - "Ôi chuyện bình thường thôi mà, cứu được người là vui mừng rồi", ông Hà Văn Thanh chia sẻ khi được hỏi về những lần ông "cướp cơm hà bá".
Chuyện bình thường thôi!
"Ở bản Lìm có ông Hà Văn Thanh bơi giỏi, lặn giỏi, có tinh thần dũng cảm, dám hi sinh bản thân, bất chấp nguy hiểm cứu vớt người gặp nạn, đuối nước. Anh em trong bản ví ông Thanh như con rái cá", ông Vi Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, Quỳ Châu, Nghệ An, nói. Từ giới thiệu của Phó Chủ tịch xã, chúng tôi tìm về bản Lìm, gặp ông Hà Văn Thanh (SN 1975), người được biết đến với cái tên "Thanh rái cá".
Nhà ông Thanh nằm ở lưng chừng đồi, nhìn ra dòng khe Lìm nước trong vắt, lững lờ chảy. Trưởng bản Lìm Lữ Văn Tương, nói: "Nhìn dòng khe Lìm hiền hòa vậy thôi nhưng vào mùa mưa lũ thì khủng khiếp lắm. Chỉ cần mưa 2 tiếng, nước đã dâng ngập cầu tràn, cuồn cuộn chảy. Mưa tạnh, cũng phải mất 3-4 tiếng nước mới rút hết. Nếu mưa vài ba ngày, nước có khi dâng cao quá 5m so với mặt cầu tràn, khi đó thì cả bản "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Trước đây, người dân bản Lìm, bản Lầu (xã Châu Phong) đến trung tâm xã và nhân dân xã Châu Hoàn (Quỳ Châu), muốn lên huyện, đều phải lội qua con khe này. Vào ngày mưa lũ, nước dâng cao, người dân đóng bè nứa, neo dây cáp di chuyển qua khe. Cũng bởi vậy, nhiều tình huống nguy hiểm đã xảy ra.
Năm 2000, chiếc cầu tràn đã được bắc qua khe Lìm, tạo điều kiện cho người dân đi lại. Tuy nhiên, đây vẫn là "điểm đen", nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện vào mùa mưa lũ.
Những lúc nguy cấp ấy, ông Hà Văn Thanh luôn có mặt kịp thời, hóa giải hiểm nguy, cứu người an toàn. Chúng tôi hỏi trong mấy chục năm qua, ông có nhớ đã cứu được bao nhiêu người khỏi dòng nước dữ không, người đàn ông 50 tuổi cười ngượng nghịu: "Không nhớ được đâu, chuyện bình thường thôi mà. Ai gặp nguy hiểm mình cứu thôi, cứu xong là xong. Với lại, chủ yếu người bị nạn đều là khách vãng lai, vô tình đi qua lúc nước dâng, còn người trong bản nắm rõ dòng nước, không ai mạo hiểm khi vượt cầu tràn trong mưa lũ".
Ông Thanh nhìn sang bà Quang Thị Liên (SN 1976) đang ngồi bên cạnh, nhắc về câu chuyện từng suýt bị nước mắt của vợ "ngăn cản" việc cứu người vào năm 2002.
Hôm đó mưa lớn, nước khe Lìm dâng cao, cuồn cuộn đổ về, người dân trong bản tập trung 2 đầu cầu tràn xem lũ. Ông Thanh đang ở trong nhà, nghe tiếng tri hô kêu cứu. Theo phản xạ, ông chạy đi lấy can nhựa 20 lít, lao qua đường tắt, men theo đồi chạy xuống cầu.
Một người đàn ông đang bám vào ngọn cây, nước lũ đục ngầu vây quanh, cuồn cuộn chảy. Hóa ra, có việc gấp, người đàn ông này đã trèo lên mỏm đồi phía trên, cách cầu tràn mấy trăm mét, tìm cách vượt lũ sang bờ bên kia. Lũ quá mạnh, người đàn ông bị cuốn theo, may mắn bám vào được một ngọn cây. Dường như ngọn cây không thể chịu được sức mạnh của dòng lũ, còn người đàn ông mặt tái đi vì sợ.
Ông Thanh nhìn dòng nước, lựa vị trí rồi ôm can, nhảy ùm xuống. Sau nhiều phút vật lộn với dòng lũ, ông dìu người bị nạn vào bờ và được người dân hỗ trợ kéo lên. Khoảng 5 phút sau, thân cây người đàn ông bám trụ trước đó đã bị dòng lũ cuốn phăng...
"Lúc ôm can chạy xuống cầu, tôi thấy vợ con đã ở đấy. Nhìn thấy tôi, rồi nhìn dòng lũ đang cuồn cuộn, bà ấy khóc, nhưng không dám cản tôi lại bởi biết có cản cũng không được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc cứu người thôi, không nghĩ đến việc khác", ông Thanh hồi tưởng.
Nghe chồng kể, bà Liên chỉ ngồi cười lặng lẽ. Dường như, hơn 30 năm chung sống, bà đã quá quen với những thấp thỏm lo âu mỗi khi chồng vội vã đi cứu người.
Xem việc cứu người là lẽ đương nhiên, ông Thanh chưa từng nghĩ đến việc chờ người khác đáp ơn. Nhưng câu chuyện đôi vợ chồng trẻ năn nỉ ông nhận 20.000 đồng "ơn cứu mạng" là một kỷ niệm đẹp trong ký ức của người đàn ông này.
Ông nhớ như in, đó là một buổi chiều muộn giữa năm 2005, nước khe Lìm dâng cao, vượt cầu tràn sau cơn mưa xối xả. Nước dâng cao hơn mặt cầu 30-40cm, từ bờ bên kia, một người đàn ông và một phụ nữ dò dẫm dắt xe máy sang, bất chấp sự cảnh báo của người dân.
Đến giữa cầu, nước đột ngột dâng cao, hai người níu chặt xe máy, đứng như chôn chân giữa cầu, hoang mang tìm kiếm sự giúp đỡ. Người dân bản Lìm chạy đi tìm sào, dây thừng để triển khai việc cứu hộ. Trước tình huống nguy hiểm, ông Thanh không chần chừ, vượt lũ ra, tiếp cận người bị nạn. Dòng nước chảy xiết, cơ hồ muốn đẩy ông ngã nhưng người đàn ông này như được tiếp thêm sức mạnh khi cậu con trai 15 tuổi nối gót, cùng bố đi cứu người.
Được bố con ông Thanh đưa lên vị trí an toàn, người đàn ông ướt nhẹp, vẫn chưa hết run rẩy, hoảng sợ. Anh run run mở ví, lấy tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng khẩn khoản mong ông nhận "xem như vợ chồng em mời anh chén rượu cảm ơn cứu mạng". Ông Thanh nhất quyết không nhận, bởi, ông cứu người đâu phải vì để nhận cảm ơn!.
Cứu được người là mừng!
Lý giải về việc bất chấp nguy hiểm để cứu người bị nạn, ông Hà Văn Thanh cười, bảo tin tưởng vào kỹ năng và kinh nghiệm cũng như sức khỏe của bản thân.
Từ nhỏ, ông Thanh đã theo bố mẹ đi quăng lưới bắt cá trên dòng khe Lìm. Kỹ năng bơi lội, lặn ngụp của ông cũng được tích lũy dần qua năm tháng.
Đặc biệt, ông có khả năng lặn sâu tầm 5m, trong thời gian khoảng 1 phút 30 giây. Trời cho ông cái khả năng hơn người ấy, ông không thể để hoài phí được. Bởi vậy, việc cứu người bị vây hãm trong nước lũ hay đuối nước, ông Thanh xem như đó là điều hiển nhiên phải làm.
Ông Lữ Văn Tương, Trưởng bản Lìm cho biết, ông Thanh cứu người bị nạn từ trước khi Tổ cứu hộ, cứu nạn của bản được thành lập. Khi đã trở thành thành viên của Tổ cứu hộ, cứu nạn, ông Thanh càng nhiệt tình, trách nhiệm hơn trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân mỗi khi gặp tình huống hiểm nguy.
"6 thành viên của Tổ cứu hộ, cứu nạn đều có sức khỏe, có kỹ năng bơi lội, sơ cứu người bị nạn nhưng anh Thanh là người lặn giỏi nhất. Nhiều năm qua, anh đã cứu giúp nhiều người dân gặp nguy hiểm khi đi qua cầu tràn vào những ngày mưa lũ. Trong quá trình tổ hoạt động, anh Thanh luôn phát huy tinh thần dũng cảm, xả thân cứu người, đặc biệt là trong điều kiện chưa có nhiều trang bị cứu hộ cũng như đảm bảo an toàn cho các thành viên", ông Tương nói.
Nghe trưởng bản nói, ông Thanh cười, một mực xua tay: "Tôi chỉ nghĩ cứu được người là được, họ sống là mừng thôi".
Hồi giữa năm 2024, chiếc cầu cứng bắc qua khe Lìm đã được xây dựng, cách cầu tràn bản Lìm hơn 2km. Mỗi khi có mưa lũ, chính quyền xã Châu Phong và ban cán sự bản Lìm bố trí lực lượng chốt chặn 2 đầu cầu tràn, ngăn người dân di chuyển qua đây, đồng thời hướng dẫn người dân đi vòng qua xã Châu Hoàn, đi theo hướng cầu cứng để đảm bảo an toàn.
Cầu tràn bị ngập lũ cũng khiến 10 hộ dân phía đông cầu bị cô lập, đồng thời sinh hoạt, đi lại của hàng trăm người dân bản Lìm bị ảnh hưởng. Bởi vậy có chiếc cầu cứng thay thế cầu tràn, để an toàn hơn cho nhân dân trong mùa mưa lũ là mong mỏi của ông Thanh và bà con bản Lìm nhiều năm qua.
"Không có cái cầu cứng là cũng nguy hiểm đấy. Anh em Tổ cứu hộ, cứu nạn luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, luôn quyết tâm cao đấy, nhưng nếu được trang bị thêm các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hoạt động sẽ tốt hơn", ông Thanh chia sẻ.