DNews

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói "Nghệ ngữ" chuẩn không cần chỉnh

Hoàng Lam

(Dân trí) - Lần đầu tiên đến nhà người vợ Việt, anh Martin chan nước mắm ăn cơm khiến cả nhà mắt chữ O, mồm chữ A ngạc nhiên. Người đàn ông Đức sau đó còn nói tiếng Nghệ chuẩn đến mức nhiều người "ghen tỵ".

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói "Nghệ ngữ" chuẩn không cần chỉnh

Trên trang Facebook cá nhân của chị Nguyễn Thị Hòa (39 tuổi, quê Nghệ An, hiện sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ) đăng tải nhiều video về cuộc sống thường ngày của chị và chồng - anh Martin Knöfel. Điều khiến người dùng mạng xã hội ấn tượng là trong các video đăng tải, anh chàng Martin Knöfel nói tiếng Nghệ đặc sệt - thứ tiếng khiến nhiều người dân Việt Nam còn cảm thấy "bị đánh đố". Dưới các video, nhiều bình luận để lại lời khen ngợi chàng rể Tây hết lời.

Thực ra anh chàng kỹ sư xây dựng người Đức Martin Knöfel biết và yêu tiếng Nghệ trước khi gặp chị Hòa. Nhưng chính tình yêu với người vợ Việt Nam đã khiến anh thêm yêu và học nói tiếng Nghệ để "vợ nghe đỡ nhớ nhà".

Đến nhà bạn "ăn ké", chàng trai ngoại quốc "dính tiếng sét ái tình"

Martin (39 tuổi) tình cờ quen chị Hòa trong một lần đến nhà chị ăn cơm theo lời mời của người anh rể vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2007. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy khiến chàng trai ngoại quốc dính ngay "tiếng sét ái tình" và tìm mọi cách để trò chuyện với cô sinh viên ngành sư phạm.

Ấn tượng ban đầu của chị Hòa về Martin Knöfel là đẹp trai, dễ thương, chứ cũng không nghĩ người đàn ông này sẽ là định mệnh của cuộc đời mình. Sau cuộc gặp, anh chàng người Đức thường xuyên nhắn tin hỏi han, trò chuyện. Dần dà, tình yêu nảy nở giữa hai người. Sau thời gian yêu xa, năm 2008, đám cưới của chị Hòa và anh Martin diễn ra ngay tại quê vợ.

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 1

Theo "tiếng gọi tình yêu", chị Hòa rời quê nhà Nghệ An sang Thụy Sĩ cùng chồng.

Ngày cưới, một tình huống "cười ra nước mắt" mà bây giờ, mỗi khi nhớ lại, chị Hòa không nhịn được cười. Số là trong ngày diễn ra hôn lễ, Martin không thấy vợ ở nhà, tìm mãi không được, gọi điện thoại không thấy bắt máy, tưởng vợ "đào hôn", anh chàng quýnh lên đi tìm, còn "khóc ăn vạ" bố vợ. Chỉ đến khi người em họ chở đến tận nơi chị Hòa đang trang điểm, anh Martin mới "thở phào".

Sau đám cưới, Martin trở lại Đức, hoàn thành nốt chương trình đại học, chị Hòa ở lại Việt Nam công tác trong ngành giáo dục. Năm 2010, anh Martin đón vợ qua Thụy Sĩ - nơi anh vừa nhận công việc được 3 tháng, kết thúc cảnh "vợ chồng ngâu".

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 2

Chị Hòa cùng gia đình chồng tại Đức.

"Cũng như nhiều vợ chồng khác, chúng tôi gặp nhiều rào cản từ văn hóa, lối sống khi đến từ hai quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, vợ chồng tôi tôn trọng sự khác biệt của nhau, sự khác biệt về văn hóa, tập tục của mỗi nước.

Chúng tôi không cố gắng thay đổi suy nghĩ, tín ngưỡng tập tục của nhau mà cố gắng hòa nhập. Tôi cố gắng học nói tiếng Đức để giao tiếp với gia đình anh dễ dàng hơn và anh cũng như vậy. Nếu có gì không hài lòng về nhau, chúng tôi ngồi lại trò chuyện nghiêm túc để đối phương không lặp lại những điều đó nữa. Mỗi người cố gắng vì người kia một chút, dần dần hòa hợp với nhau khi nào không hay", chị Hòa tâm sự.

Mê tiếng Nghệ, yêu Bác Hồ

Chị Hòa luôn thấy mình may mắn khi có người chồng hiểu, tâm lý và yêu vợ hết mực. Người đàn ông này sẵn sàng làm mọi việc để vợ vui. Việc học và nói tiếng quê vợ cũng là cách anh thể hiện tình yêu với người phụ nữ đã chấp nhận xa gia đình, xa quê hương bản quán để đến với một đất nước xa lạ.

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 3

Sự tôn trọng và thấu hiểu khiến cuộc sống vợ chồng chị Hòa luôn ngập tràn trong tình yêu.

"Anh Martin rất thích nói tiếng Nghệ. Anh cũng thường chủ động nói tiếng Nghệ khi ở nhà với vợ. Anh nói, như thế để vợ đỡ nhớ quê hương", chị Hòa xúc động chia sẻ.

"Tiếng Nghệ khó, nhưng Martin mê tiếng Nghệ lắm. Càng khó, càng "độc", Martin càng muốn chinh phục nó", anh Martin tiếp lời vợ.

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 4

Anh Martin có thể đọc cả bài thơ dài bằng tiếng Nghệ An.

Nhiều năm trước, anh chàng người Đức này đã đến Việt Nam du lịch. Anh đi đến nhiều nơi và đặc biệt ấn tượng với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam nhưng khi đến Nghệ An, Martin bị "bỏ bùa" bởi thứ tiếng "nằng nặng", có phần khó nghe và khó phát âm với người nước ngoài.

Điều đặc biệt là vốn liếng tiếng Nghệ của Martin đều do anh tự học, chủ yếu là từ người thân trong gia đình chị Hòa và những người hàng xóm. Thời gian đầu, anh phải thường xuyên lên mạng "hỏi ông Google", tất nhiên, với "Nghệ ngữ" thì Google nhiều khi cũng... "bó tay". Sau dần, anh nghe thật kỹ, cố gắng phán đoán ý nghĩa của từng từ, không hiểu thì hỏi vợ, hỏi mọi người.

Cũng bởi "học lỏm" nên nhiều khi Martin bị những người hàng xóm nhà bố mẹ vợ trêu chọc bằng những từ lóng đặt sệt tiếng Nghệ để rồi khi hiểu ý nghĩa của nó, anh chàng chỉ biết cười trừ.

Nếu như không ít người Việt Nam còn thấy khó với "mô, tê, răng, rứa" thì anh chàng lại dùng thành thạo và rất đúng ngữ cảnh. Một số từ đặc trưng của vùng Nghệ An, Hà Tĩnh - Martin gọi là "Nghệ Tĩnh quê choa" - cũng không thể làm khó được anh.

Anh chồng Tây mê nước mắm, kể chuyện Bác Hồ vanh vách (Video: Nguyễn Hòa).

Cuối tuần, anh Martin gọi điện về Việt Nam trò chuyện với bố vợ cả tiếng đồng hồ. Bố vợ vui tính, không hiếm lần "chơi khăm" con rể bằng một số từ lóng, Martin không hiểu, bắt vợ giải thích rồi cười sảng khoái. Martin tự nhận là hợp tính bố vợ và cảm thấy "bực" khi bố không chịu sang Thụy Sĩ du lịch dù anh con rể đã "mời đến 50 lần" rồi. Tình cảm bố vợ, con rể khiến chị Hòa nhiều khi còn cảm thấy ghen tỵ.

Yêu Việt Nam, Martin tìm đọc nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa về đất nước mà anh luôn cảm thấy mới mẻ nhưng rất gần gũi mỗi khi có dịp đặt chân đến. Trên tủ sách của anh, có rất nhiều cuốn sách về Việt Nam được viết bởi tác giả người Đức và anh duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Chàng rể ngoại quốc này cũng tìm hiểu về các danh nhân, các vị anh hùng Việt Nam và đặc biệt yêu quý Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 5

Anh Martin cùng bố vợ. Hàng tuần anh gọi điện nói chuyện với bố vợ và tranh thủ luyện tiếng Nghệ.

"Anh tìm mua và đọc nhiều sách về Việt Nam khiến tôi cảm thấy mình được tôn trọng và yêu thương. Tôi rất ngạc nhiên khi anh biết ngày 2/9 là Quốc khánh của Việt Nam, cũng là ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Martin bảo anh rất yêu Hồ Chủ Tịch bởi anh nghiên cứu nhiều và biết "đó là một người rất giỏi", chị Hòa không giấu được sự tự hào về người chồng.

Ngồi bên cạnh, Martin mỉm cười: "Người Việt Nam có câu "yêu nhau yêu cả đường đi lối về" mà. Martin yêu vợ, nên Martin yêu Việt Nam, cũng như yêu nước Đức quê hương mình và yêu đất nước Thụy Sĩ nơi vợ chồng Martin đang sống và làm việc".

Nghiện nước mắm, đi du lịch cũng phải mang theo một chai

Còn nhớ cách đây 15 năm, lần đầu tiên Martin theo anh rể chị Hòa đến chơi và ở lại dùng cơm, chàng trai ngoại quốc khiến cả nhà há hốc mồm khi... ăn cơm với nước mắm. Té ra, Martin mê nước mắm từ trước khi đến Việt Nam. Và đương nhiên, chả ở đâu anh chàng lại được thỏa thích ăn "đã cơn thèm" như khi đến Việt Nam, nơi mà hầu hết trên mâm cơm của mỗi gia đình không thể thiếu bát nước mắm đậm đà điểm xuyết vài lát ớt cay xè lưỡi.

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 6

Anh Martin mê nhiều món ăn Việt Nam và trên bàn ăn không thể thiếu bát nước mắm.

Kể cả khi sang Thụy Sĩ định cư, trên mâm cơm của vợ chồng chị Hòa không bao giờ thiếu bát nước mắm, tất nhiên sẽ được pha đúng vị Nghệ An với gừng, tỏi, chanh và ớt cay. Sự "nghiện" của anh Martin đến độ nếu trên bàn ăn không có nước mắm thì nhất định không được. Mỗi lần đi siêu thị, kiểu gì trong giỏ đồ của anh cũng có một chai nước mắm, có hôm mua hẳn... 3 chai vì sợ hết. Thậm chí nếu đi du lịch nước ngoài, chàng rể Tây này nhất định phải mang theo chai nước mắm vì sợ ở đó không bán.

Mà cũng không hẳn chỉ nghiện mỗi nước mắm, Martin mê tất tần tật món ăn Việt Nam như bún, phở, nem rán, dưa muối, dưa xào lòng... Duy chỉ có món cháo lươn đặc sản quê vợ thì Martin "chưa thích" vì thấy con lươn giống con rắn. Tuy nhiên, anh chàng cam kết với vợ "sẽ thích dần dần" (!).

Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 7
Chàng rể Tây mê nước mắm và nói Nghệ ngữ chuẩn không cần chỉnh - 8

Không chỉ mê món ăn Việt Nam, Martin còn là "tín đồ" của nước chè xanh. Mỗi lần có dịp về Việt Nam thăm bố mẹ vợ, anh chàng lân la sang nhà hàng xóm, vừa xem đánh cờ tướng, vừa được mời nước chè xanh. Không giống nhiều người nước ngoài khác, anh Martin có thể ăn và khá thích các loại rau, gia vị Việt Nam. Bởi vậy, chị Hòa đã thiết kế ban công nhà mình thành một vườn rau đủ loại với hạt giống được đưa từ quê nhà sang. 

Khu vườn nhỏ của chị Hòa không chỉ giải quyết vấn đề kinh phí mua thực phẩm, nhất là các loại rau Việt Nam vốn được bán với giá đắt đỏ ở siêu thị mà giúp chị đỡ nhớ nhà, nhớ quê hương. "Tôi cũng thường xuyên đãi hàng xóm và bạn bè của chồng rau, củ mình tự trồng, như một cách để giới thiệu Việt Nam gần hơn với các bạn", chị Hòa chia sẻ.

                                                                Ảnh: Nhân vật cung cấp