Cặp đôi "hai bố" lên rừng tìm lời giải mình là ai, sinh ra để làm gì?
(Dân trí) - Từ bỏ cơ hội đi nước ngoài làm việc và cuộc sống sang chảnh ở thành phố, cặp đôi LGBT cùng lên rừng, mua mảnh đất bạc màu rồi trồng cây, khởi nghiệp và tạo dựng hạnh phúc.
Buổi sáng ngày cuối tháng 9 ở xã Ea Sar (Ea Kar, Đắk Lắk), trời vẫn còn mù sương, gió lạnh run người dưới cơn mưa lất phất. Gia đình 3 người của anh Bùi Ngọc Việt (41 tuổi), anh Nguyễn Trọng Tân (31 tuổi) và con gái, đèo nhau trên chiếc xe máy rồi băng qua những đoạn đường đất để vào thị trấn, chỉ để uống một ly cà phê.
Đối với Việt, những việc làm tuy nhỏ nhặt như vậy nhưng dần dần giúp anh tìm được hạnh phúc trong hành trình "bỏ phố về rừng".
Bỏ tấm vé đi Úc để lên chuyến xe đò về nơi cằn cỗi
Năm 2006, Việt ra trường với đề tài tốt nghiệp nhận điểm tối đa 10/10, viết về FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) ở TPHCM. Nhờ đó, anh nhận được không ít lời mời đi làm việc tại Úc.
Thế nhưng, khi ấy Việt lại xoay vòng với suy nghĩ: "Mình là ai và sinh ra để làm gì?". Mỗi ngày khi phải chen chúc trong cảnh kẹt xe, hối hả hoàn thành công việc chỉ để kiếm tiền, suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời lại thôi thúc Việt. Vậy nên, thay vì chọn cơ hội đi Úc hoặc ở lại TPHCM lập nghiệp, Việt lại cầm trong tay tấm vé xe đò trở về quê nhà Cần Thơ.
"Muốn về thì về thôi! Đơn giản vì lắng nghe tiếng nói bên trong của mình. Vì ở nơi đó có gia đình, có những người mình thương", Việt tâm sự.
Tại Cần Thơ, Việt mở tiệm chụp ảnh, rồi sau đó là tiệm hoa, cà phê. Gần 10 năm sau khi trở về quê, Việt gặp Tân rồi cả hai gom tiền, mua đất xây nhà ở ngoại ô thành phố.
Trong đợt giãn cách vì dịch Covid-19, gia đình ba thế hệ của Việt sống quây quần ở khu vườn ấy. Chàng trai đặt tên cho khu đất là "Xóm nhà yên", trồng đủ loại cây ăn trái theo hướng vườn rừng với đa dạng hệ thực vật phát triển tự nhiên, không dùng hóa chất.
Càng sống gần gũi thiên nhiên, Việt càng nhận thấy rằng, việc tách rời tự nhiên đang khiến con người yếu đi, cảm xúc lại tiêu cực, cuộc sống chất chứa nhiều nỗi sợ. Nhận thấy về quê chưa đủ, Việt và Tân lên kế hoạch... vào rừng.
Năm 2022, cả hai đến thăm một người bạn ở xã Ea Sar, huyện Easo, tỉnh Đắk Lắk. Người bạn này đã giúp 2 người mua một mảnh đất khô cằn để thỏa sức làm những điều khác biệt.
"Chỗ mình chọn gần sát bên khu bảo tồn thiên nhiên Easo, và hướng về biển Khánh Hòa nên khí hậu tương đối ổn định, trong lành và giàu năng lượng", Việt tả về vùng đất mà mình "phải lòng".
Theo Việt, vốn dĩ điều kiện thổ nhưỡng nơi này phù hợp với rừng mang tính năng phòng hộ. Vì vậy, khi người dân từ các miền khác đến đây khai phá đất làm nông nghiệp độc canh suốt nhiều năm qua làm cho đất trở nên bạc màu, chai cứng.
"Nước ngầm bị cạn đi, đến hiện tại phải khoan sâu gần 200m mới có mạch nước. Đây là dấu hiệu báo động tình trạng thiếu nước trên diện rộng với toàn Tây Nguyên và khó đảm bảo đời sống huống chi là làm nông nghiệp. Ban đầu, chúng tôi tìm cách trồng đa dạng cây ăn trái xen kẽ với cây rừng. Nhưng qua 2 năm trồng, tôi thấy mô hình không ổn vì thời tiết ngày càng khắc nghiệt và biến đổi liên tục khó lường", Việt kể.
Lúc này đất đã bạc màu nhiều, Việt chọn không dùng phân thuốc hóa học nên việc nuôi trồng cây ăn trái mất nhiều công sức, tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn nước vốn đang khan hiếm.
Cả hai khoanh nhỏ diện tích lại, chỉ trồng cây ăn trái quanh nhà, trồng thêm cây thảo được, rau củ để đủ ăn và làm thuốc, làm trà. Còn lại để phần lớn diện tích cho cây rừng tái sinh, nuôi trồng cây rừng lâu năm. Đó lại là những cây sống khỏe, mau lớn và ít cần chăm sóc nhất.
Cặp đôi còn trồng rất nhiều hoa quanh nhà để tạo cảnh quan và trồng đa dạng cây hoa, lá có hương thơm để thanh lọc không khí. Mỗi ngày một chút, cứ có ý tưởng đến đâu, làm đến đó.
Nếm cảm giác hạnh phúc cất tiếng hát năm 40 tuổi
Đối với Việt và Tân, bỏ phố về rừng là hành trình đầy gian nan. Nhiều người hỏi Việt lý do quay về quê, rồi lại bỏ quê lên rừng.
"Tôi thường trả lời là vì muốn trồng vườn rừng, muốn sống khỏe, muốn làm gì đó có ích cho môi trường. Còn nay, câu trả lời chỉ là vì yêu cuộc đời này lắm nên muốn sống một đời thật đẹp thôi!", chàng trai tâm đắc.
Hay tin, gia đình cặp đôi phản đối kịch liệt vì đời sống ở quê nhà đã đủ đầy, không cần cả hai phải lao tâm khổ tứ như vậy. Đỉnh điểm là khi Tân bị tai nạn té từ mái nhà xuống trong lúc xây dựng.
"Gia đình ra thăm thấy cảnh hai đứa sống thiếu thốn quá càng xót, càng kêu về. Nhưng yêu rừng quá, chúng tôi vẫn kiên định, nỗ lực thuyết phục gia đình hơn", Việt bộc bạch.
Đến với rừng, mọi thứ mới mẻ hoàn toàn khiến cả hai gặp không ít khó khăn. Vất vả từ chân tay đến suy nghĩ, tất cả không còn được bày sẵn mà Việt và Tân phải tự tư duy, tự bắt tay vào làm.
Sống ở nơi hoang vu, cặp đôi phải vận dụng hết các kỹ năng sống vốn có. Có lúc tưởng chừng như "chết đi sống lại", cả hai vẫn kiên trì vì thấy đó là hạnh phúc.
"Không khí nơi đây khiến sức khỏe của chúng tôi thay đổi tích cực. Cả hai luôn ngủ ngon, càng yêu thương nhau và không thấy hối hận về điều gì trong đời. Lắm lúc, Tân còn nói rằng lâu lắm rồi mới thấy mình cười nhiều và bắt đầu hát như thế", Việt mãn nguyện, nói.
Bắt đầu cuộc sống mới ở khu rừng, Việt và Tân dù sụt cả chục cân nhưng đổi lấy tinh thần bình an. Cả hai còn học được cách phân biệt các loại cây, nhìn hướng gió để dự đoán mưa hay tìm và học được các bài thuốc chữa bệnh từ cây cỏ, học qua dân bản.
Không những vậy, cặp đôi còn tạo việc làm cho người dân thông qua việc làm thảo dược, làm du lịch nghỉ dưỡng - chữa lành - tái tạo. Việt và Tân còn dùng quỹ cộng đồng từ các cơ sở kinh doanh của mình để hỗ trợ các hộ dân trong thôn xây nhà.
Việc kinh doanh quán cà phê ở TPHCM, cả hai nhờ người thân quản lý.
Riêng với cô con gái năm nay đã vào lớp 1, hai ông bố gửi nhờ con cho gia đình rồi thỉnh thoảng về quê thăm. Sắp tới, khi cuộc sống dần ổn định, cặp đôi mong muốn gia đình sẽ về cùng chung sống, cả nhà sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc tái lập thêm rừng.
Cuối cùng, cả hai đã tìm ra lời giải cho câu hỏi "tôi sinh ra để làm gì?". Đối với Việt và Tân, cốt lõi chính là được sống cuộc đời của chính mình, thấy được mình hạnh phúc, bình an nội tâm và có ích.
Về rừng, Việt có cái nhìn thực tế đa chiều, không chọn cách sống cũ khi ở đô thị nữa. Cái nhìn về cuộc đời cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Thay vì chỉ theo đuổi ý niệm về rừng là để làm gì đó có ích cho môi trường, Việt và Tân giờ đây chỉ đơn giản nghĩ rằng là vì yêu đời, muốn tìm một nơi thích hợp để sống khỏe, sống đẹp.
Ảnh: Nhân vật cung cấp