DNews

Bộ trưởng LĐ-TB&XH tiếp kiến Thủ tướng Lào

Thái Anh

(Dân trí) - Chào xã giao Thủ tướng Lào trong chuyến công tác tại đất nước Triệu Voi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi nhiều vấn đề về kinh nghiệm xây dựng, điều hành thị trường lao động, chính sách an sinh...

Bộ trưởng LĐ-TB&XH tiếp kiến Thủ tướng Lào

Chia sẻ kinh nghiệm bao phủ bảo hiểm xã hội

Gặp Thủ tướng Lào sau khi hạ cánh tại Vientiane, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ông vừa tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đi Thổ Nhĩ Kỳ, UAE tham dự chương trình COP (cuộc họp thường niên về khí hậu của Liên Hiệp Quốc) lần thứ 28. Bộ trưởng gửi lời chúc sức khỏe của Thủ tướng Việt Nam tới người đồng cấp Lào và mời ông Sonexay Siphandone sớm sang thăm Việt Nam.

Bộ trưởng LĐ-TBXH tiếp kiến Thủ tướng Lào - 1

Tiếp kiến, làm việc với Thủ tướng Lào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời chúc sức khỏe của Thủ tướng Việt Nam tới người đồng cấp Lào (Ảnh: Thái Anh).

Báo cáo với Thủ tướng về chương trình làm việc của 2 Bộ Lao động hai nước trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội lần thứ VIII, Bộ trưởng nhấn mạnh nội dung hợp tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội mới tại mỗi quốc gia. Trong hội nghị quan trọng này, Việt Nam trao tặng Lào 3 bộ giáo trình nòng cốt về giáo dục nghề nghiệp, truyền tải kinh nghiệm về việc mở rộng, nâng cao diện bao phủ bảo hiểm xã hội - lĩnh vực mà Việt Nam phát triển tương đối nhanh.

Trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Sonexay Siphandone đánh giá cao những công việc người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến thực hiện, đồng thời chân thành cảm ơn Bộ đã giúp đỡ Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trong việc xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội.

Được biết, Bộ trưởng Đào ngọc Dung đã từng được lãnh đạo phân công đảm nhận nhiều lớp trao đổi, tập huấn chuyên đề dành cho các cán bộ Lào sang học tập liên quan đến các chính sách xã hội, Thủ tướng Lào trực tiếp đặt nhiều câu hỏi, đề nghị Bộ trưởng trao đổi một số kinh nghiệm của Việt Nam trong quản lý an sinh xã hội, vấn đề mở rộng mạng lưới bao phủ bảo hiểm xã hội; quản lý lao động dạy nghề, cai nghiện ma túy, dạy nghề… Cuộc gặp, theo đó, vượt khuôn khổ một cuộc chào xã giao, gợi mở nhiều vấn đề thú vị.

Bộ trưởng LĐ-TBXH tiếp kiến Thủ tướng Lào - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Thủ tướng Lào về chương trình làm việc của 2 Bộ Lao động hai nước trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội lần thứ VIII (Ảnh: Thái Anh).

Thủ tướng Sonexay Siphandone đề nghị 2 Bộ Lao động chia sẻ thêm mảng nội dung quan trọng này, xây dựng được chính sách để người dân hết tuổi lao động có nguồn hỗ trợ sinh sống, giúp cuộc sống của người lao động khi về già tốt đẹp hơn. Thủ tướng Lào cho biết đang nghiên cứu để nhập Quỹ bảo hiểm sức khỏe và Quỹ bảo hiểm y tế vào nhau. Ông muốn biết kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề này.

Đáp lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, kinh nghiệm cho thấy không thể sáp nhập Quỹ Bảo hiểm y tế với Quỹ Bảo hiểm xã hội được vì mục tiêu và hoạt động của hai quỹ khác nhau.

Tại Việt Nam, Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn, dùng để chăm lo sức khỏe cho người dân còn bảo hiểm xã hội là Quỹ đóng góp dài hạn, để lo lương cho người già. Vậy nên cơ quan quản lý vẫn phải vận hành 2 nhánh công việc độc lập như vậy.

Thực tế, bảo hiểm y tế thu đến đâu chi hết đến đấy nhưng Quỹ bảo hiểm xã hội, do tính chất dài hạn, luôn có kết dư, bền vững. Là một quỹ độc lập với nhà nước, có tiềm năng rất lớn nhưng Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng được sử dụng để phát huy hiệu quả cao nhất như đầu tư vào trái phiếu nhà nước phát hành, là nguồn vốn vay quan trọng cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh lần nữa, kinh nghiệm và thông lệ quốc tế cho thấy 2 quỹ, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thường là độc lập.

Xây dựng cho được thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững

Trong không khí trao đổi thân tình, cởi mở, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đề cập tình trạng khó khăn của nước bạn hậu Covid-19. Ông nhận định, Lào gặp khó khăn hơn Việt Nam khi nền kinh tế còn nhỏ, có nhiều hạn chế, cán cân mất cân đối, nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu. Sau dịch Covid-19, Lào mở cửa trở lại khá muộn, tháng 9/2022, đến nay nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thiết yếu là một nguyên nhân đẩy lạm phát tại đất nước Triệu Voi lên cao. Đời sống của người lao động, người dân Lào hiện đối mặt nhiều thách thức, khủng hoảng.

Bộ trưởng LĐ-TBXH tiếp kiến Thủ tướng Lào - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trao đổi nhiều vấn đề về kinh nghiệm xây dựng, điều hành thị trường lao động, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội... (Ảnh: Thái Anh).

Sau mở cửa, luồng lao động của Lào đang "bung" tới nhiều thị trường nước ngoài, hầu hết là các lao động trẻ, độ tuổi dưới 45. Tuy nhiên, các thị trường làm việc ở nước ngoài chưa chuyên nghiệp, bền vững nên người lao động gặp nhiều rủi ro, giá trị lao động không cao, trong khi trong nước lại đối diện tình trạng thiếu nhân lực.

Người đứng đầu Chính phủ Lào trăn trở khi làn sóng lao động đi theo phong trào, theo những thông tin lan tràn thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, đi làm việc "chui".

Ông cũng nêu thông tin, Thái Lan mới đây có chính sách nâng lương cơ bản nên nhiều lao động ở Lào di chuyển sang Thái. Lương bình quân của lao động sang Thái đạt khoảng 5-6 triệu Kip/tháng, cao hơn hẳn mức lương cơ bản của Lào hiện tại, dù Chính phủ vừa mới nâng lương từ 1,3 (1,5 triệu đồng tiền Việt Nam) lên 1,6 triệu Kip/tháng (hơn 1,8 triệu đồng tiền Việt Nam).

Tuy nhiên, thực tế ngay tại Lào, nhiều doanh nghiệp, khu sản xuất đã nỗ lực thu hút lao động với mức lương gần như tương đương, kèm nhiều điều kiện ưu đãi khác. Thu nhập của công nhân lao động tại Lào, theo đó, có thể tới mức 3-5 triệu Kip/tháng mà vẫn thiếu người làm. 2024 được xác định là năm du lịch quốc gia của Lào mà hiện tại nhân lực làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn… rất thiếu.

Băn khoăn về hướng giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Lào mong muốn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam trao đổi về kinh nghiệm quản lý thị trường lao động, xây dựng, bồi đắp tác phong công nghiệp cho người lao động, thứ đang rất thiếu hụt với lao động Lào.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những khó khăn, vướng mắc Lào gặp phải cũng tương tự các vấn đề Việt Nam phải xử lý thời gian qua. Dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam từng ghi nhận hơn 3 triệu lao động rời bỏ các thành phố, các trung tâm công nghiệp, dẫn tới lo ngại về tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động. Nhưng hậu Covid-19, hiện tượng thiếu hụt đơn hàng lại dẫn tới nguy cơ thiếu việc làm, nhiều lao động mất việc.

Chủ trương của Việt Nam, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là xây dựng cho được thị trường lao động hiện đại, bền vững và thích ứng linh hoạt. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng để điều hành thị trường đặc biệt quan trọng với nền kinh tế này.

Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu lao động, quy mô lao động lớn nên việc lo công ăn việc làm là vấn đề phải đặc biệt chú ý để có thể duy trì được tỷ lệ thất nghiệp thấp như hiện nay.

"Chúng tôi cũng bị rơi vào trình trạng người lao động bị tác động tiêu cực từ các nguồn tuyên truyền bên ngoài, những thông tin lan truyền thiếu xác đáng về "việc nhẹ lương cao" khiến nhiều người bị hút theo. Cần giải quyết vấn đề này bằng việc duy trì cân đối cung cầu lao động và đẩy mạnh vai trò của các trung tâm giao dịch việc làm. Đó là công cụ thực sự quan trọng để điều tiết thị trường", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

"Đặt hàng" của Thủ tướng với 2 Bộ trưởng Lao động 

Quá trưa, Thủ tướng Lào nêu thêm một vấn đề muốn trao đổi là về hướng tổ chức các trung tâm giao dịch việc làm. Theo ông, hiện tại ở Lào, nhiều cơ quan cùng tổ chức những trung tâm với hoạt động kết nối, hướng nghiệp như hội thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... Tổ chức như thế thì chưa tập trung.

Thủ tướng "đặt hàng" Bộ trưởng Lao động hai nước trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng lần này thảo luận, nghiên cứu hướng tổ chức các trung tâm giao dịch việc làm cho tập trung.

Nội dung khác lãnh đạo Chính phủ Lào nêu là về quản lý thông tin người lao động. Ông đặt câu hỏi, Việt Nam thực hiện hệ thống quản lý lao động như thế nào, có thể nắm được sự thay đổi, di động của người lao động không, quản lý bằng thẻ căn cước công dân hay sổ hộ khẩu, sao để theo dõi hoàn thiện thông tin về lực lượng lao động trên thị trường?

Thủ tướng Lào kỳ vọng, xây dựng được hệ thống thông tin về người lao động hiện đại để mỗi người chỉ cần một thẻ quản lý, quẹt thẻ là cơ quan công an có thể nắm lịch sử pháp lý, còn người quản lý lao động có thể nắm được về tay nghề, trình độ, quá trình làm việc… của người lao động.

Trả lời những câu hỏi vị Thủ tướng nước láng giềng đặt ra, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nói, ông nhớ những nội dung này, Thủ tướng Sonexay Siphandone từng đề cập trong phiên làm việc cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Bộ trưởng cho biết, giai đoạn đầu bắt tay xây dựng thị trường lao động, Việt Nam cũng có rất nhiều trung tâm, trường nghề do các đoàn thể, tổ chức nắm. Nhưng cuối nhiệm kỳ trước, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo đưa tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm dạy nghề chuyển về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ở cấp huyện, các tổ chức này được sáp nhập thành một trung tâm vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề. Ngoài ra, nhiều cơ sở dạy nghề cũng được sáp nhập để chỉ một trường có thể đào tạo ở các bậc học khác nhau, như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề.

Về cơ sở dữ liệu về lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, Việt Nam hiện đi theo lộ trình xây dựng trước hết hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, do Bộ công an quản lý. Mỗi người có một thẻ quản lý, thẻ đó vừa là căn cước công dân vừa là thẻ bảo hiểm y tế, xã hội, mai này là cả thẻ quản lý lương. Mô hình "all in one" như Thủ tướng Lào đề cập sẽ bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đó.

Bộ trưởng Lao động Việt Nam thông tin thêm, với riêng ngành, vừa qua, tất cả người lao động trong khu vực có hợp đồng lao đã thực hiện đồng bộ được thông tin về bảo hiểm xã hội. Từ đó, trong bối cánh dịch Covid, khi cần chi trả tiền hỗ trợ đến 40.000 tỷ đồng tới hàng triệu người lao động, chỉ trong khoảng 20 ngày toàn ngành đã thực hiện xong vì thông tin về bảo hiểm, tài khoản của người lao động đã có, chỉ cần chuyển khoản tới từng cá nhân là hoàn thành. Bộ trưởng khẳng định, việc quản lý bằng dữ liệu điện tử đặc biệt hiệu quả.