Việc làm khó tin "để không quên mặt chữ" của cụ bà sinh hoạt trên giường
(Dân trí) - Trong một lần tình cờ bước vào phòng của bà nội 85 tuổi, Hồng bất ngờ khi thấy bà miệt mài đọc sách trên giường. Bị lẫn vì tuổi tác, lúc nhớ lúc quên, bà luyện đọc "để không quên mặt chữ".
Ngày 11/2, Dương Thị Hồng (25 tuổi, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đăng tải đoạn video về bà nội lên mạng xã hội. Cô cho biết dù mọi sinh hoạt đều diễn ra trên giường (từ ăn uống đến vệ sinh) nhưng bà nội 85 tuổi vẫn miệt mài đọc sách mỗi ngày.
Đây không phải lần đầu Hồng bắt gặp cảnh bà nội Dương Thị Thứ đọc sách. Chính ông Dương Văn Thu (cùng 85 tuổi, chồng bà Thứ) đã truyền cảm hứng đọc sách cho vợ và các con, cháu.
Ông Thu vốn thích nghiên cứu, mỗi ngày đều dành thời gian đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi.
Cụ bà 85 tuổi miệt mài đọc sách trên giường mỗi ngày (Video: NVCC).
Từ đó, bà Thứ đọc mọi loại sách có trong nhà, từ sách giáo khoa cũ, truyện tranh, đến sách kiến thức, tâm linh, tử vi. Do bị lẫn, lúc nhớ lúc quên, cụ bà đọc sách không phải để thu nạp thêm kiến thức mà "để không quên mặt chữ", "đỡ buồn tuổi già".
"Nhìn hình ảnh bà nội 85 tuổi lúc nhớ lúc quên vẫn đọc sách mỗi ngày, tôi nhận thấy bản thân còn quá lười đọc, học. Tôi quyết tâm trong năm nay phải đọc sách nhiều hơn, noi theo tấm gương của ông bà bởi đọc sách không bao giờ là muộn", Hồng nói.
Cháu gái tâm sự, ông bà nội đều sinh ra ở làng quê, cả đời làm nông dân. Ông bà sinh được 6 người con. Trong khi những đứa trẻ khác trong làng hầu hết theo bố mẹ làm nông thì ông bà cố gắng làm lụng nuôi các con học hết lớp 12, lên đại học hoặc cao đẳng.
Người cha luôn dặn các con phải đọc sách, cố gắng học tập và phấn đấu. Nhờ đó, các con của ông bà người thì làm giáo viên, người là cán bộ xã, đến đời các cháu thì đều là trí thức, làm giáo viên, giảng viên, bác sĩ.
"Con cháu thành đạt như hôm nay đều nhờ công sức của ông bà", Hồng nghẹn ngào.

Ông Thu đã truyền cảm hứng đọc sách đến vợ và các con, cháu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hai năm gần đây, bà Thứ yếu đi nhiều, gần như 90% sinh hoạt đều trên giường. Cụ bà sống cùng gia đình người con thứ 5 - là bố của Hồng, còn ông Thu sống cùng con trai cả.
Dù sống khác nhà, ông Thu thường xuyên qua thăm vợ, lúc nào cũng dặn dò con, cháu chuẩn bị đồ ăn vì sợ bà đói. Những hôm cảm thấy khỏe, bà Thứ mới ra ngoài ăn cơm cùng con, cháu.
Hồng nhớ kỷ niệm ngày bé do nghịch ngợm, bà nội lại nóng tính nên cô thường bị bà đánh roi. Lúc đó, cô sợ bà lắm, thậm chí ghét bà. Giờ nghĩ lại, cô nhận ra thời gian trôi qua nhanh, bà đã già đi từ lúc nào không hay, đến mức chẳng thể đi lại và nhiều lúc quên con, cháu.
Sau Tết, lúc Hồng chia tay gia đình lên Hà Nội làm việc, bà Thứ dặn cháu gái đi lại cẩn thận. Bà hỏi: "Mỗi ngày làm có được 50.000 đồng không? Nếu không được thì về nhà chăn bò, sống với bà".
Dịp Tết của hai năm trước, bà Thứ gọi Hồng đến, lén cho cháu tiền. Cô nói sẽ chẳng thể được trải qua cảm giác đó một lần nào nữa, kể từ khi bà nội yếu dần.
"Những năm trước, tôi là người ham kiếm tiền, mỗi năm về quê chưa đến 10 lần. Nhưng lần này về nhận thấy ông bà đã già, tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho người thân", cô nói.

Gia đình tổ chức lễ mừng thọ 85 tuổi cho ông Thu và bà Thứ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hồng về nhà nhiều hơn, mỗi lần về đều ngủ với bà nội, gọi điện cho bố mẹ mỗi ngày. Cô cũng thường đăng tải hình ảnh, video của ông bà lên mạng xã hội để lưu giữ kỷ niệm, bởi "không biết còn bao nhiêu thời gian để ghi lại những khoảnh khắc này".
Dịp Tết vừa qua, gia đình tổ chức lễ khao thọ 85 tuổi cho ông Thu và bà Thứ - hai trong 5 người lớn tuổi nhất làng.
"Điều ước duy nhất của tôi là ông bà khỏe mạnh, sống mãi bên con cháu. Tôi sẽ trân trọng từng phút giây bên ông bà và gia đình, bởi đã nhận ra gia đình là điều quan trọng nhất với mỗi người", Hồng nói.