Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi tại Lào
(Dân trí) - Đón Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại sân bay, Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho biết, sắp tới sẽ có thêm một Thứ trưởng của Bộ này được cử sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Sáng 4/12, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bắt đầu chuyến công tác tại Lào, dự chương trình Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Việt - Lào lần thứ VIII.
10h30 Bộ trưởng hạ cánh tại sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, Lào. Đón Bộ trưởng tại sân bay là Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, ông Padeumphone Sothany.
Thứ trưởng Sothany là một cán bộ được đào tạo tại Việt Nam mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng đứng lớp, giảng về các vấn đề xã hội. Do vậy, câu chuyện trao đổi giữa hai cán bộ từng có thời gian gắn bó tại Việt Nam diễn ra rất thân tình, cởi mở.
Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào thông báo sắp tới sẽ có thêm một Thứ trưởng của Bộ này được cử sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ hào hứng về chương trình giảng dạy cho lớp cán bộ này, với nhiều chuyên đề về các vấn đề xã hội.
Chương trình công tác của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại CHDCND Lào kéo dài 2 ngày.
Trong buổi sáng, tại thủ đô Viêng-chăn, Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Chính phủ nước bạn.
Trong ngày, Bộ trưởng di chuyển tới tỉnh Luông Pha-băng, chuẩn bị cho chương trình hội nghị Bộ trưởng diễn ra tại đây.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam - Lào lần thứ VIII được tổ chức chính thức sáng 5/12/2023. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và người đồng cấp, Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào Baykham Khattiya đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị gồm phiên khai mạc, phiên hội nghị song phương, bế mạc và lễ ký biên bản hội nghị giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng có nhiều hoạt động, hội thảo thành phần như hội nghị quan chức cấp cao về lao động và xã hội do Thứ trưởng các Bộ chủ trì.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn có hoạt động khảo sát các làng sản xuất truyền thống, tiếp xúc người lao động tại Lào cũng như thăm những công trình văn hóa, lịch sử nổi bật tại đất nước Triệu Voi.
Năm 2023 là thời điểm ghi dấu mốc 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác lao động giữa Chính phủ nước Việt Nam và Chính phủ Lào. Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa hai Bộ Lao động của hai nước cũng được thực hiện trên cơ sở bản Hiệp định ký kết năm 2013. Từ đó, thường niên, Bộ Lao động hai nước đều có các hoạt động để thúc đẩy hợp tác, nhất là về phát triển nguồn nhân lực.
Kết quả của quá trình thực hiện Hiệp định hợp tác lao động, từ năm 2021 đến nay, từ số liệu thu thập ở 253 đơn vị kinh doanh của nhà đầu tư Việt Nam cho thấy, có gần 9.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lào, trong đó có hơn 1.400 lao động nữ.
Phía Lào cũng có chính sách, kế hoạch sử dụng lao động nước ngoài của các đơn vị lao động và dự án đầu tư của Việt Nam để giải quyết tình trạng thiếu lao động hoặc nguồn cung lao động Lào chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Hai bên đang thực hiện chính sách đặc biệt đối với lao động Việt Nam làm việc trong các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, dự án hợp tác song phương Việt Nam - Lào và các dự án đầu tư của Việt Nam được miễn giảm 50% phí cấp thẻ lao động đối với lao động Việt Nam làm việc trong tam giác phát triển kinh tế. Cụ thể, tỉnh Saravan, Sekong và Attaphu đã thực hiện chính sách giảm 66% phí cấp thẻ lao động theo thông báo của Chính phủ Lào.
Mới đây nhất, cùng thời điểm này năm ngoái, tại tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, hai bên đã thống nhất, ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực" giữa 3 Bộ: Bộ lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ lao động và Phúc lợi Xã hội, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Chuyến công tác lần này của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi hai nước được kỳ vọng sẽ là cú hích với hoạt động hợp tác lao động, mang lại kết quả tốt hơn bằng mô hình trao đổi thông tin liên quan với xuất khẩu lao động trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh có hợp đồng, dự án đầu tư và dự án viện trợ không hoàn lại của Việt Nam trong từng giai đoạn.
Trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, Bộ trưởng Lao động Việt Nam kỳ vọng tăng cường trao đổi kỹ thuật và thông tin kỹ thuật bằng cách trao đổi chia sẻ thông tin về người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em tự kỷ, xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bảo vệ trẻ em và giúp đỡ nạn nhân của nạn mua bán người; tiếp tục các hoạt động trao đổi và điều phối của đoàn lãnh đạo cấp cao, đào tạo cán bộ giữa hai Bộ; phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau về việc lao động và phúc lợi xã hội tại các cuộc họp, diễn đàn thảo luận ở các cấp trong khu vực ASEAN và quốc tế.