Bác sĩ đầu tiên của "tộc người ngủ ngồi"
(Dân trí) - Anh La Văn Vinh là người Đan Lai đầu tiên ở xã biên giới Môn Sơn trở thành bác sĩ. Vị bác sĩ của "tộc người ngủ ngồi" vẫn nặng những trăn trở về công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào của mình.
Cú đỡ đẻ "liều mạng" của anh y sĩ
Bác sĩ Vi Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Con Cuông (Nghệ An) luôn dành sự động viên, khích lệ khi nói về bác sĩ La Văn Vinh - người đầu tiên của tộc người Đan Lai ở Môn Sơn trở thành bác sĩ.
"Bác sĩ Vinh là người có chuyên môn vững, chăm lo và tâm huyết với sức khỏe nhân dân. Anh Vinh cũng là người giàu chí tiến thủ, ham học hỏi khi xuất phát điểm có những hạn chế nhất định", bác sĩ Hương nói.
Bác sĩ La Văn Vinh, năm nay 38 tuổi, đậm người, các đường nét trên khuôn mặt toát lên sự tin cậy và dễ mến. Con đường trở thành bác sĩ của người đàn ông Đan Lai này là một chặng đường dài với những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi.
Anh La Văn Vinh sinh ra ở bản Khe Búng (xã Môn Sơn, Con Cuông), giáp biên giới với nước bạn Lào, nơi 100% là người Đan Lai. Người Đan Lai được biết đến cái tên là "tộc người ngủ ngồi" gắn với truyền thuyết trốn chạy bạo chúa Hoa Quân và họa diệt vong. Cũng bởi vậy, người Đan Lai chọn nơi xa xôi, hẻo lánh nhất giữa đại ngàn xanh thẳm Pù Mát để nương náu.
Chẳng biết trong câu chuyện truyền miệng kia bao nhiêu phần là sự thật, nhưng ký ức về sự đói nghèo và lạc hậu của một tộc người nhỏ sống trong rừng già này là có thật. Người Đan Lai vẫn truyền tai nhau về tập tục đẻ ngồi, nhúng trẻ sơ sinh dưới dòng Khe Khặng dù mùa đông hay mùa hè như một cách để "sàng lọc" tự nhiên. Họ vẫn bám trụ ở rừng sâu, tách biệt với thế giới bên ngoài.
Năm anh Vinh 6 tuổi, bố mẹ quyết định gửi anh ra nhà bác ở trung tâm xã để đi học. "Người Đan Lai chạy vào núi sâu để trốn kẻ thù, còn tôi, "chạy" ngược lại, với hy vọng của bố mẹ là tránh được cái đói nghèo dai dẳng và sự lạc hậu cố hữu của đồng bào mình", anh Vinh cười khi nói đến quyết định đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Học hết phổ thông, La Văn Vinh thi vào trường Trung cấp Y Vinh (nay là Đại học Y Vinh, Nghệ An). Năm 2009, anh Vinh ra trường với tấm bằng y sĩ, xung phong về bản Cò Phạt và Khe Búng phụ trách công tác y tế thôn bản.
"Ngày ấy, vào Cò Phạt, Khe Búng chưa có đường bộ, cứ phải men theo sườn núi mà đi, sáng đi, chiều tối mới vào đến nơi. Phụ cấp thấp lắm, đi lại khó khăn, điện thoại chưa có, có khi phải một hai tuần mới ra trung tâm một lần, bởi vậy chẳng ai muốn vào trong ấy làm đâu. Tôi thì nghĩ khác", anh Vinh trải lòng.
Vị bác sĩ chia sẻ tiếp: "Người Đan Lai ở trong đó đã thiệt thòi nhiều rồi, mình xung phong vào để giúp đồng bào. So với các đồng nghiệp, tôi có nhiều lợi thế hơn khi là người đồng bào, am hiểu phong tục, thông thạo tiếng nói nên việc tuyên truyền đến người dân hai bản Đan Lai thuận lợi hơn".
Sau 2 năm xung phong đi "cắm bản", anh Vinh được tuyển dụng chính thức vào Trạm Y tế xã. Năm 2011, anh tiếp tục quay lại bản Cò Phạt và Khe Búng với vai trò là cán bộ y tế tăng cường.
Anh Vinh vẫn nhớ như in tình huống anh trở thành bà đỡ bất đắc dĩ khi đang "cắm bản" ở Cò Phạt.
Cuối năm 2012, người dân gánh một sản phụ khó sinh tới cầu cứu cán bộ y tế. Sản phụ 28 tuổi chuyển dạ sinh lần thứ 2. Trước đó, gia đình có mời bà đỡ đến nhà để giúp đỡ đẻ nhưng sau gần một ngày chuyển dạ, sản phụ không thể sinh được.
"Qua kiểm tra, thai nhi to quá, trong khi bà đỡ thao tác sai khiến phía dưới của sản phụ bị sưng nề, không mở được. Nếu không kịp thời can thiệp, e rằng ảnh hưởng đến tính mạng của cả thai phụ và thai nhi.
Tôi chưa trải qua công việc đỡ đẻ, hơn nữa cũng mới lấy vợ, chưa có kinh nghiệm gì nhiều nhưng trước tình hình này phải liều thôi. Rất may ở trạm quân dân y có đầy đủ thiết bị nên tôi và đồng chí quân y biên phòng quyết định cắt tầng sinh môn, đỡ đẻ cho chị ấy", anh Vinh nhớ lại.
Cú liều của anh y sĩ và sự hỗ trợ của cán bộ quân y đã cứu sống 2 sinh mạng. Tình huống đỡ đẻ bất đắc dĩ ấy cũng tác động mạnh mẽ đến người đàn ông Đan Lai này. Anh quyết định đi học bác sĩ, bởi lẽ học mới nâng cao được kiến thức chuyên môn và tay nghề, khi đó mới có thể giúp được bà con nhiều hơn.
Mong người dân tìm đến cán bộ y tế
Tháng 10/2014, y sĩ La Văn Vinh khăn gói xuống thành phố Vinh học chương trình đại học, ngành bác sĩ đa khoa. Lúc này, vợ anh vừa sinh con nhỏ, lương y sĩ thấp, kinh tế gia đình hết sức khó khăn.
Anh Vinh ngày đi học, đêm ra sông Lam đánh cá, ra đồng bắt ếch để cải thiện đời sống vừa bán lấy tiền ăn học. Sau 6 năm, cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa, anh Vinh trở thành vị bác sĩ người dân tộc Đan Lai đầu tiên.
Tiếp tục trải qua 2 năm học chứng chỉ hành nghề ở Trung tâm Y tế huyện, tháng 3/2023, anh Vinh trở lại Trạm Y tế xã Môn Sơn công tác.
Trò chuyện với chúng tôi, vị bác sĩ người Đan Lai này cười bẽn lẽn: "Chưa thể gọi là giỏi được, tôi còn phải học hỏi nhiều, nhất là về kinh nghiệm thực tế".
Bác sĩ Vinh kể câu chuyện nghề nghiệp bản thân anh vừa trải qua như một minh chứng về sự cần thiết của việc học không ngừng trong ngành y. Mới đây, trong ca trực lúc 2h, anh tiếp nhận một sản phụ đã vỡ ối. Ca đỡ đẻ thành công nhưng đứa trẻ được sinh ra còn nguyên bọc ối bên ngoài. Điều này dẫu đã được học trong chương trình nhưng gặp ở thực tế, anh vẫn khá lúng túng khi xử lý.
"Tôi phải gọi ngay cho chị Thanh (bác sĩ Vi Thị Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Môn Sơn). Nhà chị Thanh ở sát trạm nên nhanh chóng có mặt hỗ trợ chúng tôi, đảm bảo an toàn cho em bé vừa chào đời", anh Vinh kể.
Trong những năm qua, nhờ chính quyền địa phương và cán bộ, nhân viên trạm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân xã Môn Sơn đã quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với đồng bào Đan Lai ở biệt lập trong rừng vẫn là điều khiến anh Vinh và các đồng nghiệp trăn trở.
Theo chị Lô Thị Nguyệt (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Cò Phạt), thực tế vẫn còn nhiều chị em Đan Lai trong bản có bầu không đi khám, sinh đẻ không đến trạm, thậm chí không chịu tiêm phòng cho con.
Cán bộ y tế xã phải vào tận bản khám hay tổ chức tiêm phòng cho trẻ nhưng nhiều người vẫn không đến điểm tập trung. Nhiều khi cán bộ trạm phải tìm đến tận nhà hay vào tận rẫy để tìm, tìm được người còn phải thuyết phục mãi người dân mới cho tiêm phòng, cho khám bệnh.
Bác sĩ Vinh cho rằng, để thay đổi nhận thức của bà con Đan Lai về vấn đề bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, cần nhiều thời gian và dày công hơn nữa. Khi bà con "chưa chịu đổi mới", hàng tháng, đội ngũ cán bộ y tế xã vẫn phải hành quân vượt núi vào với đồng bào.
"Chúng tôi không sợ vất vả, nếu bà con không ra tận nơi để thăm khám, tư vấn được, mong bà con gọi điện, chúng tôi sẵn sàng tư vấn qua điện thoại hoặc di chuyển vào tận nơi để khám, sàng lọc, cấp thuốc cho người bệnh, tránh trường hợp xấu xảy ra. Chúng tôi chỉ mong bà con chủ động đến với mình, như thế cũng là hạnh phúc rồi", vị bác sĩ Đan Lai tâm sự.
Đan Lai là dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở xã Môn Sơn và Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Dân tộc Đan Lai trước đây đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và hôn nhân cận huyết thống…
Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai với nhiều chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực người Đan Lai sinh sống. Những năm trở lại đây, cuộc sống của người Đan Lai đã có nhiều đổi thay và đang tự tin hòa nhập cộng đồng các dân tộc anh em.