PhotoStory

Đường độc đạo vào nơi ở của "tộc người ngủ ngồi" Đan Lai

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Con đường được mở năm 2013 nhằm phá vỡ thế cô lập của đồng bào Đan Lai với thế giới bên ngoài. Sau 10 năm, tuyến đường này vẫn là thách thức lớn với người dân.

Gian nan đường vào bản "tộc người ngủ ngồi" Đan Lai (Video: Hoàng Lam).

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 1

Cò Phạt và Khe Búng (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) là 2 bản sinh sống của đồng bào Đan Lai với 233 hộ dân, 1.014 nhân khẩu (Ảnh: Thanh Hải).

Theo truyền thuyết, trong quá trình trốn chạy kẻ thù, những người Đan Lai đã đến nơi đầu nguồn dòng Khe Khặng, giáp biên giới Việt Lào để trú ngụ. Cuộc sống gắn liền với nỗi sợ truy đuổi nên người Đan Lai xưa thường ngủ ngồi để kịp bỏ chạy khi kẻ thù xuất hiện, bởi vậy người Đan Lai còn được biết đến với cái tên "tộc người ngủ ngồi".

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 2

Trước đây, người Đan Lai phải vượt núi theo đường mòn hoặc dùng thuyền độc mộc theo  dòng Khe Khặng hiểm trở với nhiều đoạn dốc thác, đá ngầm hiểm trở để ra trung tâm xã Môn Sơn. Việc đi lại khó khăn, tốn kém khiến cuộc sống của tộc người này như biệt lập giữa đại ngàn. 

Năm 2013, một con đường bộ được mở từ trung tâm xã vào hai bản Cò Phạt và Khe Búng nhằm phá thế cô lập của cộng đồng Đan Lai. 

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 3

Tuy nhiên sau 10 năm, con đường bộ độc đạo vào với đồng bào Đan Lai đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi dốc trơn trượt...

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 4

Tuyến đường bộ độc đạo dài khoảng 18,6km với hàng chục đoạn dốc gần như nối tiếp nhau. Những đoạn dốc bị sạt lở trở thành thách thức đối với nhiều tay lái khi lưu thông trên tuyến đường này. 

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 5

Anh La Văn Phượng (bản Cò Phạt) cho biết: "Vào ngày nắng, việc đi lại tuy vất vả, nguy hiểm nhưng xe máy còn chạy được. Ngày mưa, đường trơn trượt, có những đoạn phải đẩy hoặc gánh xe máy qua dốc. Bởi vậy, chỉ những lúc thật cần chúng tôi mới ra xã".

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 6
Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 7

Theo anh Phượng, dốc Khe Cọ là con dốc cao và khó đi nhất toàn tuyến đường. Dốc chỉ dài khoảng 100m tính cả hai chiều, trở nên lầy lội, trơn trượt sau một trận mưa. 

Với những người từ bên ngoài vào, chưa có kinh nghiệm và không quen địa hình, vượt dốc Khe Cọ sau mưa là một thử thách rất gian khổ.

"Người dân ở đây phải sử dụng lốp chống trượt hoặc quấn xích sắt mới dám vượt dốc Khe Cọ vào mùa mưa", La Văn Phượng nói khi hỗ trợ chúng tôi vượt dốc Khe Cọ. 

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 8

Cuối năm 2023, dự án nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng được phê duyệt. Thời tiết, địa hình không thuận lợi, cộng với việc chở vật liệu vào thi công khiến con đường càng hư hỏng, nhiều đoạn, đường bị đào sâu thành rãnh.

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 9

Con đường nhão nhoét, trơn trượt sau trận mưa bất chợt, nếu tài xế không vững tay lái có thể "đo đường" bất kỳ lúc nào.

Đường độc đạo vào nơi ở của tộc người ngủ ngồi Đan Lai - 10

Ông Lê Văn Niên (bản Cò Phạt) cho biết: "Đường xấu quá, ốm cũng chịu, sinh đẻ cũng phải ở nhà, trường hợp cấp cứu phải thuê thuyền đi ra xã thôi nhưng tốn tiền lắm, mỗi chuyến vào ra cũng mất tiền triệu. Từ khi nghe tin nhà nước sửa lại đường, bà con Đan Lai phấn khởi lắm. Mong nhà nước sớm làm cho cái đường bằng phẳng để chúng tôi đi lại thuận tiện hơn". 

Theo ông Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng ban quản lý các dự án đầu tư huyện Con Cuông, cần 90 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Khe Búng.

Trong điều kiện kinh phí hiện tại, huyện ưu tiên thi công hơn 6km từ bản Khe Búng ra bản Cò Phạt. Thời điểm này, đơn vị thi công đang thi công 2 mấu cầu treo và hoàn thành 350m bê tông đầu tiên, phần còn lại đang hạ dốc và làm nền đường.

"Theo kế hoạch, phân đoạn này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025 nhưng huyện đang phấn đấu để hoàn thành vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới để thuận tiện cho giao thông đi lại và an toàn của người dân. Địa phương đang nỗ lực huy động nguồn vốn để thông toàn tuyến trong thời gian tới", ông Thịnh thông tin.