1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời "chốn thâm sơn cùng cốc"

Vĩnh Khang

(Dân trí) - 20 năm kể từ khi rời vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, người Đan Lai đã biết trồng lúa nước, biết chăn nuôi, con cái được đến trường...

Đưa người Đan Lai rời rừng, lập bản mới

Người Đan Lai, trước đây trong cuộc trốn chạy kẻ thù đã kéo nhau vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An), giáp biên giới Việt - Lào trú ngụ. Nỗi sợ hãi kẻ thù ám ảnh cả trong giấc ngủ, khiến người Đan Lai chọn cách ngủ ngồi, để có thể vùng dậy chạy trốn bất cứ lúc nào cảm nhận được sự nguy hiểm. Tách biệt với bên ngoài, sống bám vào rừng, đói nghèo bủa vây, hôn nhân cận huyết thống kéo dài nhiều năm khiến tộc người Đan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi.

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời chốn thâm sơn cùng cốc - 1

Một góc bản Cửa Rào - bản tái định cư đầu tiên cho những hộ dân Đan Lai rời vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát (Ảnh: H.H).

Từ năm 2001, tỉnh Nghệ An triển khai đề án "giải cứu" tộc người Đan Lai, bắt đầu bằng việc đưa 36 hộ dân ra khỏi rừng sâu, đến định cư tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn (huyện Con Cuông). Hàng tháng trời, cán bộ từ huyện đến xã "cơm đùm cơm nắm" vượt khe vào rừng vận động từng hộ dân.

Rời rừng ra trung tâm xã, bà con Đan Lai được cấp gạo đủ ăn cả năm để bắt đầu gây dựng cuộc sống mới. Nơi quê mới, họ cấp đất, làm nhà ở, được chia ruộng, được hướng dẫn trồng lúa nước, chăn nuôi gà, lợn, bò. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, được cán bộ "cầm tay chỉ việc", dần dần bà con đã quen với cách cầm cuốc, cầm cày, biết đưa bò, lợn vào chuồng không còn thả rông...

Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, thêm 42 hộ dân ở bản Khe Búng và Cò Phạt được tái định cư tại bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn, Con Cuông). Năm 2017, 35 hộ người Đan Lai tiếp theo rời rừng sâu, ra quần tụ tại bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn).

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời chốn thâm sơn cùng cốc - 2

Ruộng lúa nước và công trình nước sạch phục vụ bà con Đan Lai nơi quê mới (Ảnh: H.H).

Những hộ dân còn lại chưa thể di dời ra trung tâm cũng bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc sống, sinh hoạt khi đường giao thông được mở vào tận bản, điện thắp sáng và sóng vô tuyến cũng được đưa vào đến nơi. Khoảng cách giữa chốn thâm sơn cùng cốc và trung tâm xã đã được rút ngắn, chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cũng vì thế đã vào được với dân bản xa.

Ông Ngân Văn Trường - Phó chủ tịch xã Môn Sơn vui mừng khi nói về những đổi thay của đồng bào Đan Lai: "Sau gần 20 năm về khu tái định cư Cửa Rào, cuộc sống của người dân Đan Lai có nhiều đổi khác. Từ 20 hộ ban đầu, đến nay, bản Cửa Rào đã có 36 hộ với 152 khẩu, cuộc sống của người dân đã ổn định, con cái được học hành đầy đủ. Sự thay đổi thể hiện không chỉ trong đời sống kinh tế mà trong cả nhận thức, tư duy.

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời chốn thâm sơn cùng cốc - 3

Được cấp đất sản xuất, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, bà con Đan Lai có thể tự túc được một phần lương thực (Ảnh: H.H).

Từ chỉ biết vào rừng săn thú, xuống suối bắt cá, qua gần 20 năm định cư ở bản Cửa Rào, đồng bào Đan Lai đã thành thạo trồng lúa nước, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ khá lên nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi làm công nhân ở dưới xuôi. Đồng bào Đan Lai có người đi học đại học, có người đi xuất khẩu lao động…".

Những người Đan Lai tiên phong thoát nghèo

Về bản mới, đồng bào Đan Lai được hỗ trợ về mọi mặt nhưng không ít người dân vẫn nặng tính trông chờ, ỷ lại. Bởi vậy, năm 2013, lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của bà La Thị Nguyệt (bản Cửa Rào, xã Môn Sơn) đã thực sự gây chấn động xã vùng biên này. Ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa với nhiều chính sách hỗ trợ sẽ bị cắt giảm, bà Nguyệt cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng rồi người phụ nữ ấy đã đi đến quyết định chưa từng có này.

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời chốn thâm sơn cùng cốc - 4

Bà La Thị Nguyệt, người Đan Lai đầu tiên xin thoát nghèo (Ảnh: H.H).

 "Tôi muốn làm gương cho con cái. Tôi không muốn chúng cứ nghèo mãi. Được nhà nước giúp đỡ, đến nay gia đình tôi đã có 5 con trâu, 4 con bò, còn thêm gà lợn, trồng được 4 sào lúa, hoa màu. Cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng so với trước đây đã thay đổi rất nhiều", bà Nguyệt chia sẻ.

Đến nay, tại vùng tái định cư của người Đan Lai đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đơn cử như hộ ông La Hồng Thám (bản Thạch Sơn xã Thạch Ngàn) trồng 4ha keo, nuôi 10 con lợn, 7 con trâu bò. Ông Thám còn mở cả cửa hàng tạp hóa, phục vụ bà con. Hộ ông Lê Văn Điệp (bản Bá Hạ) cũng gây được đàn trâu 11 con, 6 con lợn, trồng 6ha keo. 3 người con của ông Điệp đã học hết trung học phổ thông, đi làm ăn xa, hàng tháng gửi về cho bố mẹ một khoản tiền tích lũy...

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời chốn thâm sơn cùng cốc - 5

Mô hình chăn nuôi dê - một hướng đi thoát nghèo của bà con Đan Lai ở huyện Con Cuông, Nghệ An (Ảnh: H.H).

Theo ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, hiện còn 82 hộ thuộc đề án chưa được di dời tái định cư do thiếu kinh phí, quỹ đất... Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từ các cấp, các ngành và chính người dân nhưng tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào Đan Lai còn cao.

Đồng bào Đan Lai đổi đời khi rời chốn thâm sơn cùng cốc - 6

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân Đan Lai đã có nhiều thay đổi trong đời sống, trong tư duy sau 20 năm rời rừng sâu (Ảnh: H.H).

Huyện cũng đã có kiến nghị tỉnh đề nghị Trung ương xem xét công nhận tộc người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) là một Dân tộc riêng biệt để được hưởng chính sách đặc thù của Đảng và nhà nước; đề nghị Chính phủ sớm thu hồi đất của Vườn quốc gia Pù Mát giao lại cho địa phương để cấp đất ở, đất sản xuất cho nhân dân bản Cò Phạt và bản Búng. Cùng với đó, cần xem xét, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ lên mức cao hơn đối với nhân dân các xã biên giới, tập trung vào từng nhóm nhỏ để giảm nghèo bền vững...