DMagazine

3 tháng "thần tốc" và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng

(Dân trí) - Không ai khác mà chính các Mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc, cho Đảng, cho Dân tộc những người con yêu quý - một phần máu thịt của mình, để làm nên nền độc lập, hòa bình của ngày hôm nay.

Không ai khác mà chính các Mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc, cho Đảng, cho Dân tộc những người con yêu quý - một phần máu thịt của mình, để làm nên nền độc lập, hòa bình của ngày hôm nay.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 1

Hiện cả nước có gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có gần 5.000 Mẹ còn sống. Sự ra đời của danh hiệu này là biết bao trăn trở, trách nhiệm của những người làm công tác chính sách quân đội. Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - người trực tiếp tham gia nghiên cứu, đề xuất, chắp bút và hướng dẫn tổ chức thực hiện, đã "tiết lộ" cùng phóng viên Dân trí những chuyện ít biết về danh hiệu Nhà nước cao quý này.

Tháng 5/1994, Ban bí thư Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp do Tổng Bí thư Đỗ Mười chủ trì để nghe Tổng Cục Chính trị báo cáo về công tác chính sách quân đội. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị thay mặt Tổng Cục Chính trị báo cáo, Cục trưởng Cục Chính sách Nguyễn Mạnh Đẩu phụ tá Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp trong cuộc họp này.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 3

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại: "Sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười trầm ngâm: "Đến giờ phút này, sau nhiều năm chiến tranh, chúng ta đã có nhiều hình thức khen thưởng, nhiều hình thức vinh danh những người có công trong chiến tranh. Nhưng theo tôi, có một lực lượng đóng góp lớn nhất cho Cách mạng mà chúng ta chưa vinh danh cũng như chưa có một chính sách thỏa đáng với sự cống hiến, với sự hi sinh.

Đó là những người mẹ Việt Nam, chính các Mẹ chứ không ai khác sinh thành, dưỡng dục, hiến dâng cho Tổ quốc, cho Đảng, cho Dân tộc chúng ta những người con yêu quý, mà không phải một người, 2 người, 3 người mà thậm chí những Mẹ có 9 người con đã hi sinh cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc".

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 5

Tổng Bí thư Đỗ Mười giao Tổng cục Chính trị phối hợp với các ngành, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nghiên cứu, xây dựng một chính sách đãi ngộ thỏa đáng cả về tinh thần, vật chất đối với các Mẹ.  

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Cục trưởng Cục Chính sách Nguyễn Mạnh Đẩu đã tổ chức cán bộ đơn vị tỏa đi các địa phương khắp cả nước thống kê số lượng các bà mẹ có con hi sinh trong các cuộc kháng chiến, phối hợp chính quyền các địa phương khảo sát đời sống vật chất, tinh thần, mong muốn của các Mẹ. "Lúc bấy giờ các Mẹ đều đã lớn tuổi. Quyền lợi vật chất cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là ý nghĩa, quyền lợi tinh thần. Những mất mát, hi sinh của các Mẹ xứng đáng được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh", Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Cục Chính sách đã xây dựng đề án, phối hợp nghiên cứu, xin ý kiến của các cơ quan có liên quan trong và ngoài quân đội để trình cấp có thẩm quyền xác định đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng, chế độ được hưởng và thủ tục, quy trình xét tặng.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 7

Về tên gọi của danh hiệu cao quý này cũng là một điều khiến những người soạn thảo, xây dựng đề án phải bàn thảo, cân nhắc rất kỹ để đi đến thống nhất tên gọi Bà mẹ Việt Nam anh hùng - một danh hiệu riêng có ở Việt Nam, để vinh danh những người mẹ, người vợ liệt sĩ. "Có người đặt vấn đề vì sao gọi Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà không vinh danh ông Bố Việt Nam anh hùng. Về mặt xã hội, về mặt sinh lý, về mặt con người thì không có ai cao quý hơn tình mẹ. Trên cõi đời này, trong cõi nhân sinh này, tình cảm số một là tình cảm của người mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau, đánh đổi cả tính mạng của mình để sinh con, tình cảm mẹ con là tình cảm thiêng liêng nhất ở cõi đời này", vị Trung tướng nhớ lại.

Chỉ trong vòng 3 tháng, một khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành. Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, đó là sự nỗ lực của các tập thể trong và ngoài quân đội, bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm và sự tri ân đối với những người mẹ đã hiến dâng Tổ quốc đứa con của mình để mang lại nền độc lập hôm nay.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 9

Chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trở thành phong trào lớn, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta (Ảnh: Báo Quân khu 7).

Ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Lệnh công bố Pháp lệnh và đúng một tháng sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 167-CP thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước. Đây cũng chính là đợt phong tặng lớn nhất trong lịch sử.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 11
3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 13

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được lấy nguyên mẫu từ hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người mẹ Quảng Nam có 9 người con và 2 người cháu hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (Ảnh: Bảo tàng Bà mẹ Việt Nam anh hùng).

"Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một danh hiệu đặt ra chính sách thỏa mãn được ý Đảng và lòng dân, được toàn xã hội hoan nghênh hưởng ứng. Đó được xem là một sự kiện chính trị xã hội trọng đại của đất nước, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau đó, Cục Chính sách tham mưu Tổng Cục Chính trị tham mưu Nhà nước ban hành chủ trương phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Phong trào này đến nay đã thực sự lan tỏa sâu rộng tới từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, các địa phương để tiếp tục chăm lo tốt nhất về vật chất, đời sống tinh thần cho các Mẹ", nguyên Cục trưởng Cục Chính sách Nguyễn Mạnh Đẩu cho hay.

Ngày 19/12/1994, nhân kỉ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể Lễ phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng lần đầu tiên. 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, đại diện cho gần 2 vạn bà mẹ được phong tặng của cả nước đã có mặt tại buổi lễ. Tổng Bí thư Đỗ Mười, các Cố vấn Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã có mặt tại sự kiện trọng đại này.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 15

Đã gần 30 năm trôi qua nhưng trong tâm trí người lính già vẫn nguyên vẹn cảm xúc về buổi lễ vinh danh các Mẹ Việt Nam anh hùng lần đầu tiên trong lịch sử: "Thứ nhất, với cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, tôi may mắn được cấp trên chấp thuận cho một chủ trương, một kiến nghị, một đề nghị đã trở thành hiện thực trong cuộc sống, có sức vang lớn trong xã hội. Trên cương vị người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường, tôi nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã hi sinh. Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của cả dân tộc, các Mẹ là những người hi sinh thầm lặng vô hình nhưng cũng chính là những người chịu nỗi mất mát, đau thương lớn nhất. Các Mẹ đã sinh con, nuôi nấng trưởng thành và hiến dâng cho Tổ quốc. Nay con của các mẹ, dẫu không còn nhưng nơi chín suối có thể an lòng bởi những người mẹ của mình đã được Đảng, được Nhà nước, được Nhân dân tôn vinh, bù đắp...".

Là người lính trực tiếp ra trận, người cầm quân chiến đấu và người trực tiếp làm công tác chính sách quân đội, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn luôn đau đớn, day dứt nỗi niềm. Trong cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại, hơn 1,5 triệu người con ưu tú của Dân tộc đã ngã xuống nhưng hiện mới có khoảng 70 vạn hài cốt liệt sĩ được đưa về các nghĩa trang và có tới gần 60% trong số đó chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị.

3 tháng thần tốc và danh hiệu cao quý về những người mẹ Việt Nam anh hùng - 17

"Đây là vấn đề do lịch sử để lại. Thời điểm đó, do yêu cầu của chiến tranh, trình độ năng lực quản lý và những nguyên nhân bất khả kháng khác, nhiều người hi sinh nhưng mất mộ, mất thông tin. Những ngôi mộ chưa biết tên, những đồng đội, đồng chí đang nằm lại nơi những cánh rừng sâu hay bên nước bạn luôn là nỗi đau đớn, day dứt của những người làm công tác chính sách quân đội và của những người đã bước ra khỏi cuộc chiến, may mắn được trở về. Tìm và đưa hài cốt các liệt sĩ trở về là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, cũng là cách tri ân thiết thực nhất đối với những người đã ngã xuống và bù đắp nỗi đau thầm lặng của hàng vạn bà mẹ liệt sĩ đang mỏi mòn chờ đợi. Có những người mẹ đã không thể chờ đợi được đứa con thân yêu của mình trở về, dẫu chỉ bằng nắm xương...", giọng vị tướng già từng có 15 năm gắn bó với công tác chính sách nghẹn lại.

                                                                                     Nội dung: Hoàng Lam

                                                                                     Thiết kế: Thủy Tiên