Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Sua, hơn 50 năm day dứt nỗi nhớ chồng con
(Dân trí) - "Tôi rất biết ơn các cấp lãnh đạo đã tạo điều kiện, cấp xét và phong tặng cho tôi danh hiệu cao quý. Đây là niềm vinh dự và hạnh phúc to lớn trong những năm tháng cuối đời", mẹ Võ Thị Sua chia sẻ.
Nhớ mãi về thời khắc hay tin chồng hy sinh
Ngày 10/12, mẹ Võ Thị Sua (82 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) sẽ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân những cống hiến của mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm và con trai mẹ - liệt sĩ Nguyễn Văn Mên đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Trước ngày lễ, phóng viên đã có dịp được về thăm mẹ, nghe mẹ kể lại quá trình tham gia cách mạng và những nỗi đau khi chồng, con hy sinh trong kháng chiến. Do tuổi cao, hễ xúc động mẹ lại thở dốc nhưng ánh mắt vẫn hiện lên phong thái tự hào về thời kỳ son trẻ đã dành trọn tình yêu cho Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Củ Chi nơi mẹ Sua sinh ra và lớn lên là vùng "đất thép" kiên cường. Nơi mẹ ở thường xuyên bị địch dùng nhiều thủ đoạn càn quét, đánh phá ác liệt. Trong bối cảnh đó, mẹ Sua sớm tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.
Từ những năm 13 tuổi, mẹ đã bắt đầu nuôi cán bộ, đội thúng bánh bò đến trước cửa hầm khoét để chia cho từng chiến sĩ. Lớn hơn một chút, mẹ liều hơn, đi đưa thư và một mình mang thuốc cho cán bộ bị thương ở chiến trường Gò Môn khốc liệt năm xưa.
Bí mật nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho bộ đội nhiều năm, bị địch đánh đấm, tra khảo nhưng mẹ chẳng bao giờ sợ sệt hay rơi nước mắt trước nòng súng quân thù. Mãi đến tháng 5/1968, lần đầu tiên mẹ khóc nức nở và ngất lịm khi hay tin người chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm hy sinh do nổ bom, sập hầm.
"Chồng tôi khi đó là Tiểu đoàn phó của Tiểu đoàn 7 Củ Chi. Ngày xưa có biệt hiệu là "Tiểu đoàn lửa", nghĩa là đi tới có lửa đạn tới đó. Năm 1968, giặc bắn và ném bom xuống hầm nơi chồng tôi và các anh em hoạt động. Hầm sập, nhiều anh em phải nằm lại mãi mãi. Trong đó... có ông ấy", mẹ Sua mắt rưng rưng, kể khá rành mạch phần ký ức không thể nào quên.
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, 2 con trai ruột và 1 con trai nuôi của mẹ bị bắt đến đồn làm lính. Giác ngộ cách mạng từ sớm, 3 người con đã nhanh chóng trốn đi biệt tích, tòng quân nhập ngũ. Những ngày đó, lính Ngụy thường đánh đập, tra khảo mẹ để tìm tung tích 3 người con.
"Chúng kề súng vào đầu tôi, tra hỏi con tôi đi đâu, súng đạn giấu ở đâu. Tôi làm liều trả lời 'Ngày đó tôi giao con cho mấy chú, giờ mất con, tôi không bắt đền mấy chú thì thôi chứ sao lại hỏi tôi?". Giận quá, chúng đá vào người tôi mấy cái rồi bỏ đi", mẹ Sua kể.
Đau thương nhưng đầy tự hào
Chồng hy sinh, con trai đi bộ đội, một mình mẹ nuôi 2 đứa con gái và nuôi giấu bộ đội giữa bom đạn, giữa những cuộc càn quét của địch. Ngày giải phóng đến gần, cứ ngỡ được đoàn viên ca khúc khải hoàn, nào ngờ, mẹ lại hiến dâng cho đất nước thêm 1 người con trai.
Con trai lớn của mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Mên hy sinh do nổ mìn trong lúc đi dọn đường cho xe tăng, trước ngày thống nhất đất nước năm 1975 vỏn vẹn một tháng. Khóc thương chồng chưa dứt, trên đầu mẹ lại thêm vành khăn tang trắng.
Một lần nữa, mẹ Sua đau đớn, tuyệt vọng vì "xem đứa con trai lớn như vàng, như ngọc". Đến nay, lòng mẹ vẫn xót xa và thường xuyên thao thức cả đêm vì nỗi mất mát to lớn ấy. Chuyện nhớ, chuyện quên nhưng tướng tá, mặt mũi chồng và con lại hiện rõ mồn một trong ký ức mẹ hằng đêm.
Hy sinh gia đình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc không làm mẹ nản lòng. Trong thời bình, mẹ vẫn luôn cổ vũ, động viên con cháu phụng sự đất nước. Bà Nguyễn Thị Mơ (con gái mẹ Sua) chia sẻ: "Lúc con tôi đi nghĩa vụ ở đảo Hoàng Sa, mẹ tôi ra thăm còn mua quà cho anh em nó dù mẹ đi đứng khá khó khăn. Trong đời sống hằng ngày, mẹ cũng luôn căn dặn con cháu phải đặt lương tâm, đạo đức lên hàng đầu".
Trước thềm lễ phong tặng diễn ra tại quê nhà Củ Chi, mẹ Sua bày tỏ: "Tôi rất biết ơn các cấp lãnh đạo đã tạo điều kiện, cấp xét và phong tặng cho tôi danh hiệu cao quý này. Với tôi, đây là niềm vinh dự và hạnh phúc to lớn trong những năm tháng cuối đời".