1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM có vội vàng khi bán hơn 5.000 nhà, đất tái định cư thu tiền ngân sách?

(Dân trí) - TPHCM xin phép Trung ương chuyển nhà tái định cư sang mục đích khác, chuyển một số nhà tái định cư dôi dư thành nhà thương mại để đưa vào sử dụng, thu hồi hồi vốn nhanh. Để chuyển mục đích thì thành phố phải tính toán lại giá đất, suất đầu tư, tổng giá trị… và tất cả đều xin ý kiến Trung ương.

Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về công tác quản lý tài nguyên đất trên địa bàn thành phố, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây TPHCM – cho biết từ năm 2006-2017, thành phố đã đầu tư xây dựng và mua lại 40.052 căn hộ và nền đất tái định cư.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết quỹ nhà đất tái định cư dư là do chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết quỹ nhà đất tái định cư dư là do chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi

Trong đó, thành phố đã bố trí sử dụng 26.122 căn hộ, nền đất để phục vụ tái định cư cho người dân khi thành phố triển khai các dự án. Hiện thành phố quản lý 13.930 căn hộ, nền đất.

Theo ông Tuấn, sở dĩ quỹ nhà đất tái định cư còn dư nhiều là do thay đổi trong chính sách bồi thường tái định cư. Nhiều hộ gia đình nhận tiền và tự lo cuộc sống nên nhu cầu nhà tái định cư giảm xuống. Trong trường hợp số tiền nhận không đủ đi mua nhà ở thương mại thì Nhà nước bố trí tái định cư theo diện trả góp hoặc mua nhà ở xã hội.

“Nhiều dự án dư thừa nhà, đất tái định cư và thời gian dài dồn lại nên dư nhiều, tới 35%”, ông Tuấn nói.

Ông cho biết, khi khảo sát thì nhiều gia đình chọn căn hộ tái định cư nhưng thực tế sau này người dân đã thay đổi vì nhiều khu tái định cư xa nơi ở cũ, tiện ích cuộc sống không đảm bảo.

“Đây cũng là bài học của thành phố trong thực hiện dự án. Tái định cư không chỉ là nơi ở mà không gian sống, đi học, đi làm, phong tục tập quán của người dân…”, ông Tuấn nói.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, thành phố quyết định giữ lại 8.524 căn hộ, nền đất để giao cho các địa phương bố trí tái định cư cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi 153 dự án đang và chuẩn bị triển khai. 5.406 căn hộ, nền đất còn lại sẽ tổ chức đấu giá để thu hồi nguồn vốn cho ngân sách.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc tổ chức lại cuộc sống cho người dân bị bồi thường giải phóng mặt bằng tuy khó nhưng phải làm
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc tổ chức lại cuộc sống cho người dân bị bồi thường giải phóng mặt bằng tuy khó nhưng phải làm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh: “Tổ chức cuộc sống người dân là khái niệm dễ nói nhưng khó làm. Tuy khó nhưng phải làm”.

Theo bà Quyết Tâm, nếu tổ chức nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ thì người dân sẽ ủng hộ. Nếu người nghèo, thu nhập thấp và được nhận bồi thường ít thì sẽ làm gì nếu không được vào chung cư tái định cư.

“Những hộ này sẽ đi thuê nơi khác rồi đến lúc nào đó hết tiền, xã hội cũng phải tiếp tục lo. Hệ lụy sẽ kéo dài”, bà Tâm nói.

Bà Quyết Tâm băn khoăn liệu người được nhận bồi thường ít có ra vùng ven, sang lại giấy tay đất nông nghiệp vài chục mét rồi xây dựng trái phép, không khéo thành khu ổ chuột. Ngoài ra, họ có thể lấn chiếm kênh rạch làm nhà lá để ở, muốn giải tỏa cũng không dễ.

Chủ tịch HĐND TP đã đưa ra dẫn chứng về cách tổ chức tái định cư của một số nơi trên thế giới và thành phố nên học hỏi. Theo bà, khi người dân nhận tiền bồi thường họ báo cáo với cơ quan Nhà nước về việc tạo lập nơi ở mới như thế nào. Nếu đúng với kế hoạch của Nhà nước thì được đồng ý còn không thì phải điều chỉnh.

“Có cách điều chỉnh để người dân đi bất cứ nơi đâu, ở nơi nào cũng quản lý được. Đó là cách quản lý tiên tiến, quản lý sát với quyền và lợi ích của người dân. Không phải đền bù rồi họ ôm tiền đi làm gì, sống ở đâu, sống bao lâu cũng không hề biết. Phải tiếp tục theo dõi chứ không thể giao cục tiền là mình xong trách nhiệm, như vậy là chưa đủ”, bà Tâm nhấn mạnh.

TPHCM cần giải tỏa và di dời 21.851 căn nhà ven, trên kênh rạch
TPHCM cần giải tỏa và di dời 21.851 căn nhà ven, trên kênh rạch

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP về việc thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020 (chương trình đột phá của Đảng bộ TP khóa X), thành phố cần di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch (thuộc 61 dự án).

Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TPHCM tháng 6, PV Dân trí đã đặt vấn đề: Sở Xây dựng đã rà soát, cân nhắc đảm bảo quỹ nhà đất tái định cư cho hơn 21 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi 61 dự án chỉnh trang đô thị khi quyết định bán hơn 5.000 căn hộ, nền đất?

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Trần Kiên cho biết, vấn đề tái định cư được xử lý toàn diện, đảm bảo quỹ nhà ở, đất ở phục vụ các dự án trọng điểm, chỉnh trang đô thị, trong đó có các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch.

Theo ông, 61 dự án phải di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 21.851 hộ bị ảnh hưởng. Đối với các hộ dân khi bồi thường giải phóng mặt bằng thì phải đảm bảo quỹ nhà tái định cư, nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội.

“Đối với hộ dân sống ven kênh, khi thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thì nguyên tắc phải đảm bảo quỹ nhà đất tái định cư. Theo khảo sát thì có 2/3 số hộ không có chủ quyền và giấy tờ nhà hợp pháp. Tuy nhiên, thành phố vẫn đảm bảo các hộ dân này có nơi ở mới khang trang, tốt hơn nơi ở cũ”, ông Kiên nói.

Theo ông, thành phố đã chuẩn bị lên kế hoạch cho quỹ nhà ở xã hội cho người dân không có điều kiện mua nhà thương mại có thể thuê mua, phù hợp với hoàn cảnh của các hộ dân.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TPHCM đã xin ý kiến Trung ương khi bán nhà tái định cư để thu hồi vốn cho ngân sách
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TPHCM đã xin ý kiến Trung ương khi bán nhà tái định cư để thu hồi vốn cho ngân sách

Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng nhu cầu tái định cư của người dân rất đa dạng. Họ có thể nhận tiền để tự lo cuộc sống ở nơi khác hoặc tham gia dự án chung cư nào đó có vị trí tốt hơn. Chính vì thế nên quỹ nhà đất tái định cư mới dư.

Theo ông, tính toán lại hiệu quả, thành phố xin phép Trung ương chuyển nhà tái định cư sang mục đích khác, chuyển một số nhà tái định cư dôi dư thành nhà thương mại để đưa vào sử dụng, thu hồi hồi vốn nhanh. Để chuyển mục đích thì thành phố phải tính toán lại giá đất, suất đầu tư, tổng giá trị… và tất cả đều xin ý kiến Trung ương.

Quốc Anh