Tết Mậu Thân 1968: 500 chiến sĩ đánh vào Tân Sơn Nhất, 380 người nằm lại!
(Dân trí) - Những ngày tháng 7, các cựu chiến binh của tiểu đoàn 16 lại nhớ về hàng trăm đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968. Trận đánh ấy đã làm nên tên tuổi của Tiểu đoàn 16 Anh hùng, cũng là trận đánh mà chiến sĩ tiểu đoàn hy sinh gần hết.
Chuẩn bị gói bánh chưng thì nhận lệnh tấn công Tân Sơn Nhất
Tiểu đoàn 16 được thành lập và tồn tại chỉ vỏn vẹn chưa đầy 4 năm (7/1967 – 3/1971) nhưng đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận và lập nên không ít chiến công… Trong đó, trận đánh ác liệt nhất làm nên tên tuổi Tiểu đoàn 16 anh hùng là trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Theo cựu chiến binh Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, Tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – lực lượng Tiểu đoàn 16 vốn là quân chính quy, hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu vào năm 1967.
Ban đầu tiểu đoàn được giao về cho Bộ chỉ huy quân sự Tây Ninh quản lý. Sau đó, đến cuối năm 1968 thì di chuyển về chiến trường Long An, thuộc sự quản lý của phân khu 2.
Theo Trung tá Bùi Hồng Hà, cựu chiến binh Tiểu đoàn 16, khi di chuyển về Long An, đơn vị của ông được lệnh ăn Tết tại căn cứ Ba Thu và kế hoạch là chiều 30 sẽ mổ lợn, gói bánh chưng. Nhưng đến trưa 30 thì được thông báo ngưng ăn Tết và nhận lệnh tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất.
“Lúc này sư đoàn 9 (đơn vị chủ lực của quân giải phóng ở miền Nam) được lệnh về Tây Ninh ăn Tết nên khi được lệnh tổng tiến công thì đơn vị này xuống không kịp. Đơn vị tôi được lệnh vượt sông Vàm Cỏ tấn công vào Sài Gòn”, ông Hà kể lại.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành nhớ lại: “Khoảng 24h tối 30 tết, xung kích 1 của đơn vị tôi đã lọt vào trong 21 hàng rào dây thép gai vây quanh sân bay do các đồng chí đặc công tiểu đoàn 12 đưa vào. Đội xung kích 2 đã nằm ở vị trí sẵn sàng chiến đấu phía bên kia quốc lộ 1 (nay là đường Trường Chinh). Đúng 2h sáng mùng 1 Tết, lệnh nổ súng bắt đầu, chúng tôi ùa vào tấn công sân bay Tân Sơn Nhất”.
Lúc này, Tiểu đoàn 16 được lệnh đánh vào mặt Tây – Tây Bắc của sân bay Tân Sơn Nhất. Đại đội 1 và 2 được phân công làm chủ lực đánh sâu vào sân bay. Đại đội 3 và lực lượng trợ chiến ở bên ngoài làm quân dự bị.
Khi vượt qua hàng rào sân bay, các chiến sĩ Tiểu đoàn 16 vấp phải sự chống cự quyết liệt của quân địch trấn giữ trong lô cốt đầu cầu. Do địch hỏa lực quá mạnh, nhiều chiến sĩ đã hy sinh ngay trước lô cốt. Sau đó, chiến sĩ Phan Văn Đồ ôm bộc phá quyết tử mới đánh sập được lô cốt này.
Vượt qua lô cốt đầu câu, lực lượng được chia thành 2 cánh theo đường tuần tra trong sân bay để đánh sâu vào trong. Đại đội 1 rẽ phải tiến về phía Đông, đánh chiếm được 2 nhà để máy bay, đẩy bọn địch vào phía trong. Đại đội 2 rẽ trái tiến về phía Tây tiến sát khu gia binh, vừa đánh, vừa truy đuổi địch.
Lúc này, chi đoàn thiết giáp của địch từ Gò Vấp được tin đã chạy về yểm hộ, chạy dọc quốc lộ nã đạn 12 ly 7 liên tục vào 2 bên quốc lộ 1, chia cắt đại đội dự bị với quân chủ chiến của Tiểu đoàn 16. Lực lượng dự bị phải rút về khu vực hãng dệt Vinatexco (công ty dệt Thắng Lợi hiện nay) để cố thủ.
Ông Vũ Chí Thành kể: “Trận đó 2 cánh quân của Tiểu đoàn 16 đánh sâu vào trong sân bay nhưng vì không có pháo hỗ trợ nên tiến rất chậm, chỉ mới chiếm được vài nhà chứa máy bay thì hầu như ai cũng hết đạn nhưng vẫn cố gắng tiến công”.
Mãi đến gần sáng, thấy thời cơ đã hết mà quân ta đã hy sinh gần hết, đồng chí Trần Văn Trắc, Đại đội trưởng Đại đội 2, ra lệnh rút quân thì chỉ còn 6, 7 chiến sĩ ra khỏi được cổng sân bay, phối hợp cùng Đại đội 3 phá vòng vây để trở về căn cứ địa.
“Tiểu đoàn mình hơn 500 anh em nhưng rút ra không còn bao nhiêu. Lúc này còn đang bí mật nên không biết lực lượng hy sinh cụ thể thế nào. Sau đó mấy ngày, khi đơn vị tập kết thì phát hiện thiếu mấy đại đội và được biết đã hy sinh, còn 380 người còn nằm lại sân bay”, ông Hà nghẹn ngào.
Tiểu đoàn hơn 500 người, 380 người hy sinh
Nhà máy dệt Vinatexco, nơi đại đội 3 và lực lượng trợ chiến tiểu đoàn 16 cố thủ bị địch oanh tạc khủng khiếp. (Ảnh tư liệu)
Lấy áo mưa phủ xác đồng đội
Những ngày tháng 7 này, nghĩ về đồng đội, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 16 còn may mắn sống sót lại rơi nước mắt. Điều họ đau đớn nhất là đã không thể đưa thi thể đồng đội theo cùng khi rút lui.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành nghẹn ngào kể: “Khi ấy địch đang vậy chặt, xe tăng và trực thăng nã đạn rất rát nên Đại đội 3 bị chia cắt hoàn toàn với 2 cánh quân đánh sâu vào sân bay. Mà anh em đánh vào sân bay hầu hết đều hy sinh, chỉ còn 6, 7 người phá vây ra ngoài thì làm sao đưa xác đồng đội về!”.
“Mình có ông bạn cầm khẩu pháo bị thương. Bạn nằm đó và dặn: “Ông Hà ơi nhớ nha, khi nào ra thì mang tôi ra với!”. Tôi nói: “Yên tâm nằm đó đi, khi nào ra thì mang ra!”. Bạn nằm đó đau đớn vì đùi chảy máu nhưng không băng bó được vì địch đánh rát quá. Đến 2 giờ chiều thì thấy bạn kêu to: “Cha mẹ ơi! Cho con đi thôi, hết máu đau quá!”. Sau này nghe im thì biết hy sinh mất rồi…” - giọng ông Hà nghèn nghẹn, nước mắt chảy dài.
Người lính già khóc khi nhớ lại cảnh phải lấy áo mưa phủ xác đồng đội
Trước khi rút lui, ông Hà đành thất hứa với bạn vì không thể nào đưa xác bạn về theo. Ông đứng lặng nhìn đồng đội nằm đó, lấy chiếc áo mưa quấn quanh người che cho bạn bớt lạnh rồi gạt nước mắt rút đi theo đội ngũ.
Lúc này, địch quần máy bay trên đầu nã súng trải thảm với tuyên bố hủy diệt quân giải phóng. Phía quốc lộ 1 cũng bị chi đoàn thiết giáp án ngữ.
May mắn Đại đội trưởng Đại đội 2 Trần Văn Trắc dùng quả đạn B40 cuối cùng bắn cháy 1 xe tăng mới có khe hẹp cho đồng đội phá vây thành công.
Lô cốt đầu cầu án ngữ cổng vào sân bay bị tiểu đoàn 16 phá hủy. (Ảnh tư liệu)
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành kể: “Lúc đó anh em đánh sâu vào sân bay chiến đấu thảm liệt lắm! Cả 2 đại đội vào mà chỉ còn 6, 7 người ra. Anh Nguyễn Văn Sáu, Chính trị viên của tiểu đoàn bị thương ở chân cũng kiên quyết không ra, giao sắc cốt chứa tài liệu cho chiến sĩ liên lạc giao về bộ chỉ huy rồi tiếp tục chiến đấu cho đến lúc hy sinh để làm gương cho anh em. Có chiến sĩ như anh Phan Văn Đồ ôm bộc phá đánh sập lô cốt thì chắc thi thể cũng không còn để mang ra. Mà muốn mang thi thể đồng đội ra cũng không được. 380 người nằm lại, vài người rút ra làm sao đưa đồng đội về…”.
“Đợt tìm thấy mộ tập thể thứ nhất trong sân bay vào năm 1995 chỉ có 181 người, còn rất nhiều anh em trong tiểu đoàn đã mất không tìm thấy thi thể. Đến giờ này có tìm thấy di hài chắc cũng không còn nhận ra ai nên tôi mong là lần này tìm thấy mộ tập thể thứ 2 thì đưa hết tên anh em chưa tìm thấy thi hài vào mộ bia kỷ niệm. Vì nhiều gia đình đồng đội tôi đến nghĩa trang thăm mà không thấy tên người thân liệt sĩ của mình đã ngã xuống trong trận đánh này cũng tủi thân lắm!”, ông Thành mong mỏi.
Lai lịch Tiểu đoàn 16 Anh hùng
Tiểu đoàn 16 - Phân khu 2 nguyên là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304B thuộc Quân khu 3 được thành lập ngày 15/9/1965. Từ tháng 7/1967 đến cuối năm 1971, trên chiến trường Tây Ninh, Sài Gòn, Long An, Tiểu đoàn 16 đã đánh hơn 250 trận lớn nhỏ.
Với thành tích đó, ngày 2/8/2013, Tiểu đoàn 16 đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu, Chính trị viên Tiểu đoàn 16 cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài: Tùng Nguyên - Quốc Anh
Ảnh & Clip: Phạm Nguyễn