Thiếu tướng Võ Văn Chót: Xuân Mậu Thân - khát vọng độc lập, hòa bình và tự do
(Dân trí) - “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập dân tộc, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân…”, Thiếu tướng Võ Văn Chót nhấn mạnh.
Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 khi đó là cán bộ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 vượt sông Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đánh chiếm mục tiêu của địch ở bờ Nam. Khi các đơn vị khác hành quân thẳng vào cố đô, đơn vị ông được lệnh vào giải vây cho Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 đang bị 8 tiểu đoàn địch vây ráp ở Phước Yên (xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). Cuộc giải cứu bất thành trước hỏa lực địch quá mạnh, hơn 500 người đã ngã xuống…
50 năm sau chặng đường bi thương mà hào hùng đó, người lính năm xưa – nay là Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trị - Thiên cùng các đồng đội về thăm chiến trường xưa. Vị tướng mang tâm thế của người chiến thắng nhưng vẫn nặng trĩu những tâm tư, khi hàng vạn đồng đội, đồng chí đã mãi mãi nằm lại mảnh đất lửa này.
50 năm trước, tại chiến trường Trị - Thiên Huế, cuộc tổng tiến công và nổi dậy được diễn ra đồng loạt sau chiến dịch nghi binh ở Đường 9 – Khe Sanh (bắt đầu từ ngày 21/1/1968). Ngày 30/1/1968, tức ngày Mồng Một Tết Mậu Thân, quân và dân ta nổ súng đánh chiếm quận lị Phú Lộc, cắt đứt Quốc lộ số 1 từ đèo Hải Vân ra Huế, phá sập cầu Hai, cầu Nước Ngọt, bức rút đồn An Bằng, Thừa Lưu, giải phóng khu vực xung yếu ven biển từ Nam cầu Hai.
Tại Quảng Trị, từ ngày 31/1/1968 (tức ngày Mồng Hai Tết), lực lượng ta tấn công vào một loạt vị trí của địch gồm Nhà Đèn, Ty cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng, Điểm cao 49, khu vực La Vang, Tri Bưu, Thành Cổ. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy làm chủ đoạn Quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh.
Trước khí thế tấn công như vũ bão của quân giải phóng, nhân dân Quảng Trị, TP Huế nổi dậy dẫn đường cho bộ đội tiến công quân địch, tổ chức đào hầm, dựng chiến ngại vật, tiếp tế lương thực, chăm sóc cứu chữa thương binh, tham gia xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Các đoàn thể quần chúng được thành lập, nhiều nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo hình thành liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình, yêu nước…
Cùng với 4 thành phố lớn, 37 thị xã và nhiều quận lị, thị trấn trên toàn miền Nam, quân và dân Trị - Thiên Huế đã tấn công nổi dậy mãnh liệt, với khí thế cách mạng chưa từng có, đánh trúng hơn 40 mục tiêu địch trong và ngoài thành phố, 34 quận, huyện thị trấn, chi khu ở nông thôn, đồng bằng Trị - Thiên, phá vỡ phần lớn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, các đoàn bình định, các Ty cảnh sát…
Ủy ban nhân dân cách mạng ở nhiều huyện và thành phố Huế được thành lập, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành phố Huế ra đời.
Cuộc chiến đấu giành và giữ thành phố Huế diễn ra suốt 25 ngày đêm trước nhiều đợt phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại thành phố của địch. Ngày 25/2/1968, trước yêu cầu bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho đợt 2, lực lượng ta rút khỏi thành phố Huế cùng một số vị trí khác trên địa bàn Trị - Thiên.
Dù chưa đạt được yêu cầu như dự kiến và phải hi sinh to lớn nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Trị - Thiên Huế đã góp phần quan trọng cùng toàn miền Nam làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Đảng, Bác Hồ đã đề ra.
Với nhiều tổn thất nặng nề sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta, Ních Xơn phải thừa nhận thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 31/3/1968, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc nước ta.
Tổng tiến công và nổi dậy Trị - Thiên Huế đã trở thành một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta. Cùng với sự mưu lược, sáng tạo của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, cuộc tổng tiến công là minh chứng sinh động, rõ ràng nhất của trí tuệ, chính nghĩa con người Việt Nam chiến đấu và chiến thắng vũ khí tối tân, hiện đại cùng bộ máy điều hành chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
“Ý nghĩa sâu sắc và bài học lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và tinh thần quốc tế cao cả vẫn còn nguyên giá trị.
Có thể nói rằng, có cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 mới có mùa Xuân 1975. Có mùa Xuân 1975 mới có chúng ta ngày hôm nay…”, Thiếu tướng Võ Văn Chót nhấn mạnh.
Hoàng Lam