Những chuyện ít biết về Tổng tuyển cử năm 1946
Năm 1946, mặc dù đất nước ở vào hoàn cảnh thù trong giặc ngoài với vô vàn khó khăn, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn diễn ra trong niềm phấn khởi của toàn dân.
Nhìn lại những câu chuyện, những bài học từ 61 năm trước luôn thấy được ý nghĩa và sự thiêng liêng với quyền bỏ phiếu của mỗi công dân.
Một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc lập một thiết chế dân chủ, điều mà trong lịch sử dân tộc chưa hề có, dân ta chưa hề được hưởng... Và ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược trong sự nô nức, phấn khởi của toàn dân.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, 61 năm trước là Trung đội trưởng của Trung đội tự vệ Thủ đô. Vừa là một cử tri, ông còn được giao trọng trách cùng đơn vị bảo vệ cho cuộc bầu cử ở Hà Nội, trước sự chống phá quyết liệt của Quốc dân đảng. Trung đội của ông Cư đã có chiến sĩ ngã xuống khi chưa kịp bỏ lá phiếu của mình, nhưng đó là sự hy sinh đầy ý nghĩa, góp phần đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thắng lợi vẻ vang.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, Cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử 1946 cho biết: "Tổng tuyển cử thực sự là không khí của toàn dân. Là thế hệ đã biết thế nào là nô lệ, đã trông thấy đồng bào chết đói, đã từng là vong quốc nô…, nên khi đi bỏ phiếu, chúng tôi cầm lá phiếu mà rất xúc động, vì biết đây là lá phiếu của tự do, lá phiếu giành được từ biết bao xương máu. Cảm tưởng được hít thở không khí tự do, đi bỏ phiếu với tâm trạng hết sức phấn chấn... Lúc ấy, Bác Hồ ứng cử ở phố Hàng Vôi, Hà Nội, mặc dù rất nhiều địa phương đề nghị muốn bầu cho Bác".
Ngày đó, Nam Bộ - cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang chịu sự đánh phá ác liệt của quân đội Pháp. Giữa cảnh chiến tranh, nhưng cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, cuộc phổ thông đầu phiếu vẫn được thực hiện, thậm chí đầy đủ mọi thủ tục và quy trình. Kể cả những cuộc ứng cử viên gặp gỡ cử tri, trình bày lập trường, và trả lời chất vấn cử tri.
Nhà báo lão thành Lý Văn Sáu, năm 1946 có mặt tại Khánh Hoà, nơi mà máy bay địch ném bom cách hòm phiếu chỉ vài trăm mét. Khu vực ông bỏ phiếu đã có 6 người chết, 19 người bị thương. Nhưng dù có chết mà được bỏ phiếu thì nhân dân cũng hả dạ, vì đã kịp góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mỗi lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn chống lại quân thù.
Ông Sáu khi ấy đảm nhiệm việc ghi phiếu giúp cho rất nhiều người dân còn chưa biết chữ. Hầu hết sự lựa chọn của cử tri là bỏ phiếu cho những đại biểu được Mặt trận Việt Minh giới thiệu, bởi cử tri thực sự đã thấy được nhiều việc làm có ích cho đất nước, cho nhân dân của những ứng cử viên này.
Nhà báo Lý Văn Sáu, Cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 cho biết: "Đồng bào ta lúc bấy giờ tuyệt đại đa số là nông dân, họ chưa biết chữ, nhưng nhìn hạt thóc họ biết hạt nào mẩy, hạt nào lép. Họ nhìn con người cũng vậy. Đối với cử tri, người có đức là người liêm khiết, không phạm vào điều xấu. Người có tài là người đã làm được việc tốt cho đất nước. Từ đó mà họ lựa chọn. Đó là sự lựa chọn rất tự nhiên và rất nhân dân..."
Trong Tổng tuyển cử năm 1946, nhân dân cả nước đã bầu vào Quốc dân đại hội 333 đại biểu. Năm ấy có chiến tranh, nhưng người nông dân đã không còn phải chịu sưu thuế, không còn ách cường hào.
Nhìn lại câu chuyện về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để thấy được lịch sử 61 năm cách mạng là 61 năm cả dân tộc chiến đấu và phấn đấu, để người dân được hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Để ngày nay đi bỏ phiếu, chúng ta là công dân của một nước độc lập có chủ quyền, tính chất ấy chưa bao giờ thay đổi. 12 cuộc bầu cử là 12 cuộc để toàn dân chứng tỏ điều thiêng liêng ấy.
Theo Trần Việt
VTV Web