Nhà nước bồi thường 111 tỷ, cán bộ làm sai chỉ hoàn trả... 677 triệu (!)

(Dân trí) - 6 năm qua, Nhà nước đã phải giải quyết bồi thường 204 vụ việc với trên 111 tỷ đồng nhưng mới chỉ xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ trong 22 vụ việc, với tổng số tiền 676,742 triệu đồng (!)

 


Năm 2015, riêng vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), nhà nước đã phải chi ngân sách bồi thường trên 7,2 tỷ đồng.

Năm 2015, riêng vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), nhà nước đã phải chi ngân sách bồi thường trên 7,2 tỷ đồng.

 

Theo báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Bộ Tư pháp thực hiện, đến ngày 31/12/2015 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Còn lại 54 vụ việc vẫn đang tiếp tục giải quyết.

Bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, TAND các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước. Đây là các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đến nay đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền trên 32,5 tỷ đồng; còn 12 vụ việc đang giải quyết.

Cụ thể, theo phân loại về lĩnh vực, 6 năm qua các cơ quan quản lý hành chính đã thụ lý 57 vụ việc yêu cầu bồi thường (chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thuế, đất đai, xử lý vi phạm hành chính), trong đó đã giải quyết bồi thường 45 vụ việc với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trên 12,74 tỷ đồng. Còn 12 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Trong lĩnh vực tố tụng, các cơ quan đã thụ lý 163 vụ việc và đã giải quyết xong 133 vụ việc, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường gần 56,8 tỷ đồng; còn 30 vụ việc đang giải quyết. Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc và đã giải quyết xong 32 vụ việc với số tiền phải bồi thường là 37,77 tỷ đồng. Trong đó có trên 7,272 tỷ đồng bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), 22,977 tỷ đồng của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình). VKSND các cấp đã thụ lý giải quyết đối với 113 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết xong 93 trường hợp với tổng số tiền phải bồi thường 16,4 tỷ đồng và còn 20 trường hợp đang giải quyết.

 

Ông Lương Ngọc Phi đang giữ kỷ lục về số tiền được bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: Dân Việt)
Ông Lương Ngọc Phi đang giữ "kỷ lục" về số tiền được bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: Dân Việt)

 

Ngành công an đã thụ lý giải quyết 11 vụ việc và đã giải quyết xong 7 vụ việc với số tiền phải bồi thường trên 2,2 tỷ đồng, còn 4 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Cơ quan tiến hành tố tụng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đã thụ lý giải quyết 1 vụ việc với số tiền bồi thường 350 triệu đồng.

Ngoài ra, theo báo cáo của các Bộ, ngành quản lý công tác thi hành án thì yêu cầu bồi thường mới chỉ phát sinh trong lĩnh vực thi hành án dân sự và các trường hợp này hầu hết thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Đến nay, tổng số vụ việc yêu cầu bồi thường đã được thụ lý trong lĩnh vực thi hành án dân sự là 38 vụ việc, trong đó số vụ việc đã giải quyết là 26 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 9,1 tỷ đồng. Còn 12 vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

Thậm chí, số liệu này chưa bao gồm vụ việc của Chi Cục thi hành án dân sự huyện An Dương (Hải Phòng) giải quyết bồi thường cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Hà Nội (BIDV) với số tiền 12,580 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.

Đặc biệt, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, 6 năm qua chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng.

Từ kết quả hoạt động giải quyết bồi thường trong 6 năm qua, Bộ Tư pháp đánh giá Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu, tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại.

Thông qua việc thực hiện công tác bồi thường, công chức nhà nước tiếp tục có sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, vai trò của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Qua đó nâng cao trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo tinh thần để tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước thì không có hành vi trái pháp luật trong thi hành công vụ.

Tuy vậy 6 năm qua, cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với cán bộ thực thi công vụ chưa được thực hiện kịp thời. Số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả 3 lĩnh vực (chủ yếu là trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự) là rất ít, chỉ có 22/204 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền 676,742 triệu đồng, trong khi tổng số tiền mà Nhà nước đã phải bồi thường lên tới 111,149 tỷ đồng.

“Như vậy có thể thấy rằng, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa đúng theo quy định của pháp luật”- Bộ Tư pháp nhận định.

Mặc dù Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi (cố ý hoặc vô ý) nhưng một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ lại không xem xét yếu tố lỗi của người thi hành công vụ (?!).

Theo dự báo, số tiền mà ngân sách nhà nước sẽ phải trích ra để bồi thường oan sai trong thời gian tới còn tăng mạnh khi các vụ việc tồn đọng, đang trong quá trình "thương lượng" được giải quyết dứt điểm.

Thế Kha