1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bồi thường ông Chấn 7,2 tỷ đồng: Cán bộ yếu kém thì Nhà nước phải chịu!

(Dân trí) - Ngày 8/6, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - cho biết, nếu chứng minh được lỗi cố ý dẫn đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù 10 năm thì cán bộ phải bồi hoàn số tiền đó.

Hàng loạt vụ án oan vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong thời gian qua, vấn đề dư luận băn khoăn hiện nay là số tiền đến bù cho người bị oan sai lấy ở đâu ra, thưa ông?

Ở nhiều nước pháp luật quy định nếu chứng minh rằng công chức mẫn cán và vô tình để xảy ra sai thì nhà nước vẫn bồi thường. Đặc biệt là công chức tư pháp được loại trừ hoàn toàn khỏi trách nhiệm bồi thường về vật chất, để không bị sức ép gì khi thực hiện công vụ. Tuy nhiên, ở họ việc bồi thường rất ít xảy ra vì ở đây nó liên quan mật thiết đến công tác cán bộ, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm rất chặt chẽ. Nếu quy hoạch, tuyển dụng vẫn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy nhà nước thì tất cả những công tác yếu kém đó nhà nước phải chịu.

Bồi thường ông Chấn 7,2 tỷ đồng: Cán bộ yếu kém thì Nhà nước phải chịu!
Theo ông Nguyễn Đình Quyền việc bồi hoàn số tiền bồi thường oan sai được rất nhỏ so với những gì Nhà nước bỏ ra

Nếu cứ lấy tiền ngân sách đi “làm thay” trách nhiệm của các cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai, rất dễ dẫn đến sự băn khoăn, thậm chí bất bình trong dân?

Về nguyên tắc thì Nhà nước vẫn phải bồi thường để quyền người bị oan phải được bảo đảm. Còn nếu muốn Nhà nước không phải lấy ngân sách bồi thường thì phải chấn chỉnh lại toàn bộ bộ máy từ đào tạo tuyển dụng, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật... Tại sao các nước việc bồi hoàn đó rất là ít? Là vì công tác cán bộ tuyển dụng của họ chặt chẽ, lấy được người xứng đáng vào vị trí công tác.

Nhưng nếu để cán bộ đưa ra những quyết định dẫn đến oan sai phải móc tiền túi ra bồi thường thì họ sẽ có trách nhiệm hơn, từ đó hạn chế được nhiều trường hợp ngồi tù oan?

Quan hệ giữa công chức và Nhà nước không phải là quan hệ dân sự để bồi thường tay đôi. Đó là quan hệ giữa một bên thực hiện công quyền của Nhà nước và một bên là tổ chức cá nhân. Đó là quan hệ hành chính Nhà nước giữa thực hiện công vụ và người có quyền lợi liên quan chứ không phải là quan hệ dân sự giữa hai bên khi anh làm sai mà tôi phải bồi thường lợi ích cho anh. Có lẽ không bao giờ có việc bồi thường tay đôi giữa công chức nhà nước với người bị oan sai cả.

Như ông phân tích ở trên là những trường hợp cán bộ vô tình để xảy ra oan sai, nhưng trường hợp cố ý thì sao?

Giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý trong tố tụng là rất khó phân biệt, bởi vì người ta luôn đổ cho năng lực hạn chế. Năng lực hạn chế hay do tinh thành trách nhiệm hay do cố tình, chứng minh được ra là rất khó. Trừ trường hợp bắt quả tang cán bộ đi đêm ngầm với đương sự. Nhưng ngay cả lỗi cố ý đi chăng nữa thì việc bồi hoàn của cán bộ viên chức đối với mức độ bồi hoàn là rất nhỏ. Việc bồi hoàn đó theo trách nhiệm vật chất thì rất nhỏ, không thấm gì so với ngân sách Nhà nước phải bỏ ra.

Trong vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn, đã có cán bộ bị tạm giữ. Như vậy ở đây có cơ sở để truy bồi hoàn 7,2 tỷ đồng mà ngân sách nhà nước có thể phải bỏ ra bồi thường cho ông Chấn?

Nếu là lỗi cố ý thì người làm oan sai phải bồi hoàn. Nhưng như tôi nói mọi thứ phải dựa trên cơ sở luật định và luật thì cũng phải dựa trên những nguyên lý về tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước. Không có nước nào là công chức đứng ra bồi hoàn thiệt hại cho người bị oan cả. Ngay cả khi thực hiện Nghị quyết 338 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra cũng có ý kiến là cơ quan pháp luật sẽ chùn tay vì sợ sẽ phải bồi hoàn.

Thực tế hiện nay, sau khi thỏa thuận được số tiền bồi thường nhưng đến khi người bị oan nhận được cũng là cả quãng thời gian dài?

Thời gian qua việc bồi thường thiệt hại quá chậm. Lý do chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường mà tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là cố tình dây dưa, trì hoãn gây khó khăn.

Điều đó cho thấy đã đến lúc phải thay đổi mô hình bồi thường bồi thương oan sai, giao cho một cơ quan làm công khai minh bạch hơn. Chẳng hạn là giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan không tiến hanh tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt Nhà nước bồi thường oan sai. Đằnng nào tòa án, viện kiểm sát hay thi hành thì đều là ngân sách Nhà nước đi bồi thường.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong - Như Quỳnh