Lương tối thiểu vùng 2018: Tăng hay không, tăng ở mức nào?
(Dân trí) - Trước phiên họp lần 3 hôm 7/8 về điều chỉnh lương tối thiểu của Hội đồng tiền lương Quốc gia, dư luận đã “nóng” lên bởi các quan điểm trên báo giới về việc tăng hay không tăng, nếu tăng ở mức nào? Trong khi đó, mức đề xuất của 2 bên trong cuộc đang cách nhau 3 %.
Tại phiên họp lần 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia tại Hà Nội hôm 28/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - đại diện giới chủ, vẫn giữ nguyên mức đề xuất là tăng 5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Trong khi đó, Tổng LĐLĐ VN đã chấp nhận hạ đề xuất mức tăng từ 13,3 % xuống 8%. Dự kiến phiên họp tới sẽ diễn ra hôm 7/8.
“Không nên tăng lương tối thiểu năm 2018”
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giải thích quan điểm này trên tờ Đầu tư: “Trong 10 năm qua, lương tối thiểu tăng liên tục, từ 7 đến 12% mỗi năm. Trong khi đó, GDP chỉ tăng khoảng 6%/năm, năng suất lao động chỉ tăng khoảng 4%/năm”.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, mức lương tăng bao nhiêu và tăng thế nào là quyết định của thị trường, của doanh nghiệp và người lao động. “Không thể mãi can thiệp hành chính vào thị trường lao động như vậy”.
Ông Nguyễn Đình Cung không đồng tình với việc lấy tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu cần thiết của người lao động và gia đình họ để ép doanh nghiệp phải chi trả, bởi: “Người lao động phải xác định rõ năng lực, trình độ, kỹ thuật là yếu tố giúp họ có được mức lương cao, có thể đủ sống, có tích lũy…chứ không phải là trông vào việc tăng mức lương tối thiểu hàng năm để có mức sống tối thiểu”.
Ngay cả khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng không có nghĩa là người lao động được tăng lương thực sự.
“Nếu doanh nghiệp khó khăn, có thể họ sẽ phải giảm thu nhập của đa số người lao động từ phần lương “mềm” để bù vào các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn tăng thêm. Các doanh nghiệp yếu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không đủ sức chịu thêm các chi phí này, có thể chọn cách dừng lại và nhiều người lao động sẽ không có việc làm” - ông Nguyễn Đình Cung nói.
“Lương tối thiểu 2018 có thể tăng khoảng 7%”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích: Đến năm 2017, lương tối thiểu đã đạt 93% mức sống tối thiểu. Do đó, mức tăng lương tối thiểu năm 2018 thấp nhất sẽ phải là 7% (nếu loại trừ yếu tố trượt giá).
Hai bên nên thương lượng chọn mức tạm chấp nhận do tăng năng suất lao động và trượt giá dự kiến năm 2018 khoảng 3% nữa.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, lương tối thiểu không hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động. Bởi lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời cần lưu ý một nguyên tắc là tốc độ tăng tiền lương bình quân luôn thấp hơn tốc độ tăng NSLĐ. Có như thế mới bảo đảm tái sản xuất mở rộng, có tích lũy.
Vị chuyên gia này đơn cử một thực tế về quan hệ giữa lương tối thiểu và năng suất lao động: Nhiều doanh nghiệp mới chỉ trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu 5-7%.
“Có phụ thuộc vào không? Có lẽ đây là mối quan hệ tương tác, vì nếu tiền lương tối thiểu đáp ứng đủ nhu cầu sống tổi thiểu cũng là cơ sở thúc đẩy tăng năng suất lao động và ngược lại” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
“Lương tối thiểu 2018 sẽ tăng khoảng 6,5-8%”
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): "Trong các gợi ý của Bộ phận kỹ thuật (Hội đồng tiền lương Quốc gia), có 2 phương án đề xuất tăng giữa biên độ từ 6,6 - 8,5% so với mức lương tối thiểu 2017. Tôi tin là các bên sẽ bàn về phương án này trong phiên họp tới đây".
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nhóm lao động hưởng lương thấp còn nhiều. Do đó, vai trò của lương tối thiểu vẫn quan trọng, có vai trò chống bần cùng hoá và là “lưới an toàn cuối” cùng để bảo vệ người lao động.
“Đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương tối thiểu vẫn được sử dụng để xây dựng hệ thống tiền lương nói chung, đặc biệt là việc trả lương cho nhóm lao động thực hiện công việc kỹ thuật” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, hơn 10 % trong số người thuộc độ tuổi lao động đang hưởng mức lương phụ thuộc trực tiếp vào sự điều chỉnh của lương tối thiểu. Và cũng do đặc tính “động” nên lương tối thiểu sẽ không bao giờ đáp ứng đúng tuyệt đối được mức sống tối thiểu. "Bởi mức sống tối thiểu cũng luôn luôn thay đổi theo tình hình kinh tế xã hội".
Bà Lan Hương cho rằng, việc tính lương tối thiểu có thể dựa vào nguyên tắc cộng - trừ 10 % so với mức sống tối thiểu. “Trong điều kiện tốt, lương tối thiểu có thể tăng hơn 10 % mức sống tối thiểu. Bởi lương còn liên quan tới tăng năng suất lao động, đòn bẩy…”
Giải thích về việc Tổng LĐLĐ VN đề cập việc lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: “Đây là căn cứ dựa trên quy định trong Luật Lao động. Tuy nhiên cũng phải hiểu rõ về định nghĩa của Luật cũng như cách tính thực tế, giữa khái niệm đặc trưng và khái niệm thống kê. Đơn cử như việc xây 1 cây cầu cũng phải chấp nhận có các sai số, dù là nhỏ nhất…”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, các nước có nền kinh tế phát triển có nhiều loại lương hỗ trợ các nhóm đối tượng khác nhau.
"Trong khi đó ở VN, chúng ta vẫn tính tổng thể mà không tách các nhóm thu nhập thấp. Những ngành sử dụng đông lao động và dễ bị ảnh hưởng của lương tối thiểu như da giày, dệt may, thuỷ sản rất cần phải đảm bảo lương tối thiểu đáp ứng mức sát nhất với mức sống tối thiểu” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Hoàng Mạnh