“Chủ nhà chơi chiêu trò, trọng tài thiếu khách quan là vấn nạn của SEA Games”
(Dân trí) - Cựu trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) Nguyễn Hồng Minh cho rằng chuyện các quốc gia chủ nhà luôn cố gắng tận dụng mọi lợi thế của mình là chuyện không mới ở các kỳ SEA Games. Riêng vấn đề trọng tài thiếu khách quan đã trở thành vấn nạn.
Ông đánh giá thế nào về vấn đề trọng tài ở SEA Games năm nay, vì sao chuyện các đoàn phản ứng trọng tài chưa bao giờ giảm?
Đầu tiên, tôi muốn nói rõ về đặc thù các môn thi đấu và nguyên tắc trọng tài ở các cuộc tranh tài thể thao. Thứ nhất là trọng tài phải công bằng, thứ nhì là phải đúng luật, và thứ ba là phải chính xác. Về luật thi đấu các môn thể thao càng chi tiết, càng khách quan thì càng giúp cho các trọng tài càng đúng đắn trong các phán quyết.
Nhóm các môn đánh giá bằng chỉ số thông qua máy móc, thông qua băng hình như bắn súng, điền kinh, bơi… là những môn ít tranh cãi. Ngược lại, nhóm các môn được đánh giá thông qua cái nhìn chủ quan của trọng tài như nhảy cầu, trượt băng nghệ thuật, nhóm các môn võ (Karetado, Taekwondo, Wushu)… là các môn dễ tranh cãi.
Tại Olympic, các môn càng khách quan thì càng dễ được đưa vào chương trình thi đấu, ngược lại các môn chủ quan rất khó được hội đồng Olympic chấp nhận, trong khi ở SEA Games thì có nhiều các môn ngoài chương trình Olympic.
Vậy thì vấn đề trọng tài là vấn đề chính dẫn đến những tranh cãi tại đấu trường SEA Games?
Ở các cuộc tranh tài khu vực, thành tích và số lượng huy chương ám ảnh các đoàn thể thao quá nhiều. Nước chủ nhà luôn có xu thế là tận dụng tối đa ưu thế của họ, đồng thời hạn chế ưu thế của các quốc gia khác, đặc biệt là ở nhóm môn mang tính cảm quan. Điều này đã trở thành vấn nạn, rất khó khắc phục ở SEA Games vì tư tưởng phải có thành tích bằng mọi giá.
Những phản ứng của các đoàn mà tôi theo dõi trong những ngày qua chủ yếu cũng đến từ những môn mang tính cảm quan, nơi trọng tài có thể quyết định bằng sự chủ quan của họ, như Quyền Anh, đi bộ, TDDC…
Riêng trong môn đi bộ, đoàn Việt Nam vừa mất oan một HCV vì cho rằng đối thủ người Malaysia chạy chứ không đi, theo ông thì chúng ta có khiếu nại về việc này được không?
Sẽ khiếu nại được, nhưng việc khiếu nại trong môn đi bộ rất phức tạp. Luật trong môn đi bộ là cơ thể VĐV phải luôn có điểm dừng trên mặt đất, trong khi ở môn chạy thì có những khoảnh khắc gần như VĐV bay trên không. Vậy nếu khiếu nại VĐV đối phương chạy chứ không phải đi, chúng ta phải chứng mình được hình ảnh có thời điểm họ không có điểm nào dừng trên mặt đất. Muốn vậy thì chúng ta phải có camera riêng, ghi lại khoảnh khắc đó.
Trường hợp khác ở nội dung xe đạp đồng đội nam tính giờ hôm qua, các đoàn tố đội chủ nhà Malaysia đi tắt rồi về nhanh nhất, giành HCV. Tôi không trực tiếp ở đấy nên không biết, có thể họ tận dụng cách bố trí lộ trình để chiếm ưu thế, nhưng để tố được họ thì mình cũng phải có camera chứng minh họ ăn gian lộ trình. Trong môn xe đạp điều này rất khó, vì lộ trình hàng chục, thậm chí hàng trăm km, đâu phải lúc nào cũng có điều kiện theo sát từng đội để ghi hình.
Còn về trường hợp của Quách Công Lịch trong môn điền kinh thì sao, bộ môn điền kinh Việt Nam có mặt tại chỗ từng có đơn khiếu nại?
Cái này thì phải xem lại quy định chạm đích. Quy định chạm đích trong môn điền kinh là VĐV nào chạm ngực trước thì thắng, chứ không phải là tính phần đầu được nhô ra trước. Theo tôi được biết thì có 2 camera khác nhau chụp ở vạch đích đến. Anh Thuỷ (trưởng bộ môn điền kinh thuộc Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ - PV) ban đầu có làm đơn kiến nghị, nhưng sau anh ấy rút đơn lại, chắc là cũng có lý do.
Chuyện đội tuyển cầu mây Indonesia bỏ thi đấu cũng là một bê bối khác tại SEA Games năm nay?
Đây là vấn đề thuộc về phương pháp phản ứng. Không loại trừ khả năng trọng tài xử ép, nhưng phản ứng thì cũng phải đúng phương pháp, đúng luật. Bởi, nếu phản ứng sai phương pháp thì đầu tiên người phản ứng đã là người làm sai luật.
Năm 2001 tại Malaysia, Karatedo cũng từng phản ứng, yêu cầu BTC chủ nhà không sắp xếp 1 vị trọng tài thường xuyên bắt ép đội Việt Nam không được bắt các trận có chúng ta nữa, ngược lại đội sẽ dừng thi đấu. Năm 2003 trong môn Pencak Silat cũng vậy, nhưng Việt Nam chưa bao giờ bỏ cuộc giữa chừng.
Có thể phản ứng bằng cách dùng biện pháp mạnh, nhưng phải đúng luật, đội cầu mây Indonesia bỏ ra khỏi sân không thi đấu nữa là sai luật. Nên nhớ, khi trọng tài đã phán quyết thì họ thường không thay đổi. Phản ứng ở đây là để gây sức ép cho họ, để họ thay đổi ở các trận đấu sau đó của chúng ta, hoặc của các đội khác.
Muốn các cuộc tranh tài bớt tranh cãi thì điều tiên quyết vẫn là sự công tâm của trọng tài, tạo ra sự khách quan nhất có thể. Các cuộc tranh tài trên thế giới vẫn có tranh cãi, nhưng riêng ở SEA Games do sức ép thành tích bằng mọi giá của các quốc gia chủ nhà, nên sự khách quan sẽ giảm đi, theo nhiều cách thức khác nhau: Quốc gia chủ nhà tác động vào trọng tài, tác động vào lịch thi đấu, thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ăn, nghỉ, tập luyện của các đội, các đoàn khác một cách đột ngột…
Xin cảm ơn ông
Trọng Vũ (thực hiện)