1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Việt Nam sẽ nhận trên 2 triệu USD trong Sáng kiến an ninh hàng hải của Mỹ

(Dân trí) - Mỹ sẽ cấp cho Việt Nam trên 2 triệu USD trong Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á của Lầu Năm Góc để tăng cường năng lực hàng hải, trong bối cảnh Washington gia tăng sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc bành trướng trong khu vực.


(Ảnh minh họa: US Navy)

(Ảnh minh họa: US Navy)

Diplomat đưa tin, giới chức Mỹ xác nhận, Lầu Năm Góc đã bắt đầu thực thi một chương trình xây dựng năng lực hàng hải mới của Lầu Năm Góc cho các quốc gia quanh Đông Nam Á gần Biển Đông, được công bố lần đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái sau khi được quốc hội phê chuẩn.

Giới chức Mỹ đã công bố ngân sách năm đầu tiên cho Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á (MSI) kéo dài 5 năm, trị giá 425 triệu USD, cho 5 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cùng Singapore, Brunei, Đài Loan. Sáng kiến nhằm cải thiện năng lực của các quốc gia và vùng lãnh thổ này nhằm đối phó với một loạt thách thức hàng hải, trong đó có sự bánh trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của sáng kiến, vốn được Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sĩ John McCain đứng đầu đề xuất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng MSI “là cơ hội mới” để Mỹ hợp tác với các đối tác khu vực và đồng minh về an ninh biển và một loạt các thách thức khác.

“Điều đó cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm đóng vai trò xây dựng, then chốt tại đó, và cách thức chúng tôi làm điều đó là hợp tác với các quốc gia khác và khuyến khích các nước đó hợp tác với nhau”, ông Carter cho biết với Diplomat trên chuyến bay từ New York về Washington trước khi lên đường thăm Philippines và Ấn Độ.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay MSI cũng nhằm tiến tới việc xây dựng “các đối tác mạnh, độc lập” trong khu vực, có khả năng chống lại một loạt mối đe dọa, trong đó sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Chúng tôi muốn có các đối tác vững mạnh, độc lập trên khắp khu vực. Và cách tốt nhất để trợ giúp họ trở nên mạnh mẽ và độc lập là giúp họ xây dựng năng lực an ninh hàng hải. Vì vậy, đó là sáng kiến của MSI, chỉ đơn giản như vậy”, quan chức trên nói.

Tổng ngân sách được quôc hội phê chuẩn cho MSI trong năm 2016 là 49,72 triệu USD. Mặc dù con số cụ thể chưa được công bố nhưng Diplomat dẫn các nguồn tin thân cận cho biết phần lớn trong ngân sách này sẽ dành để hỗ trợ một trung tâm hàng hải và hoạt động chung, cải thiện khả năng tình báo, giám sát và trinh sát triển biển, hỗ trợ và bảo dưỡng tàu tuần tra và an ninh hàng hải, hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, tham gia huấn luyện và phối hợp đa phương.

Philippines được trợ giúp nhiều nhất

Khoảng 85% trong tổng số ngân sách của năm nay - tương đương 41 triệu USD - sẽ được dành cho Philippines, phù hợp với điều mà các quan chức Mỹ đã nói trước đó.

Philippines, quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ hơn cả trong 4 nước ASEAN tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, có một trong những nền quân đội yếu nhất châu Á và đã bị ảnh hưởng lớn bởi sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, khi Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, quấy rối các tàu, máy bay và ngư dân Philippines. Manila cũng đang chờ phán quyết của tòa án, dự kiến được đưa ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, đối với vụ kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò.

Ông Carter cho hay ngân sách của MSI sẽ giúp tăng cường các khả năng hàng hải của Manila trong lĩnh vực an ninh biển.

Theo Diplomat, danh sách các khoản đầu tư cụ thể cho Philippines bao gồm việc tăng cường mối quan hệ chỉ huy và quản lý giữa quân đội Philippines, cảnh sát biển, Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia; hỗ trợ tình báo hàng hải, các thiết bị giám sát, radar và cảm ứng; huấn luyện cho máy bay không người lái và radar mặt đất; hỗ trợ và bảo dưỡng các tàu tuần tra của Philippines.

Việt Nam, một quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và có tiếng nói mạnh mẽ, sẽ nhận được trên 2 triệu USD.

Cũng theo Diplomat, danh mục trợ giúp Việt Nam gồm trợ giúp hiện đại hóa tàu và máy bay tuần tra hàng hải; hỗ trợ cung cấp trung tâm tìm kiếm và cứu nạn, kiểm soát và các hệ thống thông tin và kiểm soát cũng như huấn luyện.

Việt Nam dự kiến sẽ nhận được ngân sách lớn hơn từ MSI vào năm tới. “Tôi hi vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được tăng cường”, một quan chức Mỹ cho hay.

Malaysia sẽ nhận gần 3 triệu USD trong ngân sách của MSI, trong khi Indonesia nhận gần 2 triệu USD. Cả hai quốc gia Đông Nam Á này đều chứng kiến việc Trung Quốc gia tăng xâm nhập vào các vùng biển của nước này. Malaysia đang dần có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia đã gần đây đã va chạm một tàu hải cảnh Trung Quốc vì vụ ngăn chặn một tàu cá đánh bắt trái phép gần vùng biển ước này.

Ngoài các quốc gia trên, Thái Lan cũng sẽ nhận một khoản viện trợ (dưới 1 triệu USD) để tăng cường mối quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa quân đội Thái và các cơ quan chỉ huy cấp dưới. Hầu hết các quốc gia cũng sẽ nhận viện trợ cho việc tham gia các hoạt động đa phương.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm