1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ-Ấn-Philippines sẽ chặn đứng tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông?

Mỹ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và Philippines nhằm chặn đứng tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 10/4 đã đặt chân đến Ấn Độ, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du châu Á lần này.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh AP

Chuyến công du của ông Carter diễn ra trong bối cảnh các nước láng giềng và bản thân Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể áp đặt quyền kiểm soát về quân sự trên toàn Biển Đông sau khi đã xây dựng nhiều công trình như hệ thống radar và đường băng trên các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp tại đây.

Phát biểu với trung tâm nghiên cứu mang tên Hội đồng Quan hệ Ngoại giao tại New York ngày 8/4, ông Carter nhấn mạnh: “Rất nhiều quốc gia đã yêu cầu chúng tôi hỗ trợ họ nhiều hơn nữa cả song phương và đa phương. Rất nhiều nước trông đợi chúng tôi duy trì các nguyên tắc và luật lệ từ lâu đã giúp khu vực phát triển mạnh mẽ”.

Ông Carter đã mô tả chính sách “Tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương” của Tổng thống Mỹ Obama và chính sách “Hành động Đông Á” của Thủ tướng Ấn Độ Modi là “cái bắt tay chiến lược” giữa “2 nền dân chủ lớn nhất trên thế giới”.

“Hiển nhiên, Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng và tích cực hơn nữa. Điều đó được thể hiện thông qua những gì mà nước này đang làm, đó là ủng hộ cách tiếp cận đầy tính xây dựng về an ninh trong khu vực”, ông Carter nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kỳ vọng, chuyến công du Ấn Độ của ông sẽ là một bước tiến quan trọng để thực thi những quyết sách quan trọng mà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đề ra từ 2 năm trước.

Mỹ- Ấn nối lại quan hệ đồng minh

Phát biểu ngay khi đặt chân đến Ấn Độ, ông Carter khẳng định: “Ấn Độ là một quốc gia có tầm ảnh hưởng rất lớn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á- Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu rõ, Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với Ấn Độ để đối phó với các động thái của Trung Quốc: “Không ai có thể nghi ngờ gì về việc mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ có thể đi xa đến đâu”.

Hải quân Ấn Độ được kỳ vọng sẽ cùng Hải quân Mỹ trở thành đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hải quân Ấn Độ được kỳ vọng sẽ cùng Hải quân Mỹ trở thành đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Dự kiến, trong thời gian ở thăm Ấn Độ từ ngày 10-13/4, ông Carter sẽ trao đổi với giới chức cấp cao nước chủ nhà về mối quan hệ đồng minh mới giữa hai bên. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang làm những điều mà chỉ 10 năm trước chúng tôi không thể tưởng tượng nổi".

Hiện Mỹ và Ấn Độ đang hợp tác trong lĩnh vực thiết kế tàu sân bay, công nghệ chế tạo động cơ phản lực và có thể sẽ cùng chế tạo các máy bay chiến đấu.

Ngoài ra, Ấn Đông cũng sẽ tham gia cuộc tập trận chiến đấu trên không mang tên Cờ Đỏ do Mỹ khởi xướng. Trước đó, Ấn Độ đã cùng quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia các cuộc diễn tập săn ngầm và phòng không.

Bên cạnh các cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp nước chủ nhà Manohar Parrikar, ông Carter dự kiến cũng sẽ thăm tàu sân bay Vikramaditya- một trong 2 chiếc hàng không mẫu hạm của Ấn Độ.

“Lờ” Trung Quốc, Mỹ muốn “tập trung vào” Philipines

Trong khi đó, tại Philippines, ông Carter sẽ đến thăm căn cứ Không quân Antonio Batista trên Đảo Palawa gần Biển Đông và các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Căn cứ Không quân Antonio Batista là một trong 5 căn cứ mà Mỹ sẽ điều động binh sĩ luân phiên hiện diện sau thỏa thuận quân sự giữa hai bên đã có hiệu lực từ tháng 1/2016.

Hai chiếc trực thăng Mỹ hiện diện tại một căn cứ quân sự ở Philippines.
Hai chiếc trực thăng Mỹ hiện diện tại một căn cứ quân sự ở Philippines.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, việc có thể tiếp cận 5 căn cứ của Philippines sẽ giúp “tăng cường năng lực hoạt động của chúng tôi ở Philippines và Biển Đông cũng như củng cố thông điệp răn đe [Trung Quốc-ND] của Mỹ”.

Thỏa thuận trên cũng đánh dấu sự quay trở lại của quân đội Mỹ tại Philippines, nước vốn là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898-1946. Cho đến năm 1992, Mỹ vẫn hiện diện tại căn cứ Hải quân trên vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark, hai trong số những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Trong chuyến thăm Philippines, ông Carter dự kiến sẽ gặp Tổng thống Benigno Aquino và người đồng cấp nước chủ nhà Voltaire Gasmin. Tuy nhiên, ông Carter đã quyết định sẽ không dừng chân tại Trung Quốc dù trước đó ông đã chấp nhận lời mời của nước này.

Quyết định hủy chuyến thăm Trung Quốc của ông Carter chỉ được đưa ra vài tuần trước khi ông công du châu Á cho thấy căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến tình hình Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh AP
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh AP

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết: “Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã chấp thuận lời mời đến thăm Trung Quốc vào mùa Xuân. Tuy nhiên, có những vấn đề về lịch trình” đã ngăn ông không thể thực hiện chuyến đi này.

“Chúng tôi đang tích cực” sắp xếp để ông Carter có thể đến thăm Trung Quốc vào một ngày nào đó “trong năm nay”, ông Urban nói./

Theo Trần Khánh

VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm