1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao công trình đập thủy điện của Lào bị vỡ?

(Dân trí) - Công ty xây dựng đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy cho biết mưa lớn bất thường là một trong số những nguyên nhân khiến công trình này bị vỡ dẫn tới sự cố khiến hàng trăm người mất tích tại Lào.

Phối cảnh đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy sau khi hoàn thiện (Ảnh: PNPC)
Phối cảnh đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy sau khi hoàn thiện (Ảnh: PNPC)

Công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đang được xây dựng tại phía nam Lào bất ngờ bị vỡ vào tối 23/7, trút 0,5 tỷ m3 nước xuống khu vực hạ lưu. Sự cố bất ngờ này khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và gần 7.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Với kinh phí xây dựng 1,02 tỷ USD, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy do Công ty năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy, hay còn gọi là PNPC, xây dựng và quản lý. Đây là dự án hợp tác giữa các công ty đa quốc gia gồm Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan, SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, Korea Western Power của Hàn Quốc và Lao Holding State Enterprise của Lào.

Theo trang tin Nikkei, trong thông báo phát đi ngày 24/7, công ty Ratchaburi cho biết lượng mưa trút xuống quá nhiều trong những ngày vừa qua đã gây ra tình trạng vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy, khiến nước ồ ạt tràn xuống các ngôi làng ở khu vực hạ lưu. Trước đó, tổ chức giải cứu tình nguyện Vientiane Rescue cũng nói rằng đập Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ sau những trận mưa lớn trong khu vực.

“Sự cố này xảy ra do mưa liên tiếp khiến nước chảy vào bể chứa của đập tăng cao”, thông báo của Ratchaburi cho biết.

Theo Kijja Sripatthangkura, giám đốc điều hành của Ratchaburi, “đập bị nứt và nước chảy xuống khu vực hạ lưu và chảy xuống sông Xe-Pian cách đập khoảng 5 km”.

Một phát ngôn viên của công ty SK Engineering & Construction nói với BBC rằng một đập phụ giữ nước, chứ không phải đập chính, đã bị vỡ một phần do “lượng mưa lớn bất thường”.

“Chúng tôi vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác, nhưng chúng tôi tin rằng phần phía trên của đập bị vỡ và nước tràn xuống từ đập nhỏ”, phát ngôn viên của SK cho biết.

lao 3

Nhiều ngôi làng bị chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập tại Lào (Ảnh: BBC)

Theo ABC, trước khi xảy ra sự cố vỡ đập, công ty Xe-Pian Xe-Namnoy ngày 23/7 đã cảnh báo về tình trạng mất an toàn tới mức nguy hiểm của đập Xe-Pian Xe-Namnoy do lượng nước quá lớn sau các trận mưa gần đây. Công ty này cũng cho biết ban đầu họ có kế hoạch xả nước và khuyến cáo người dân sơ tán khỏi khu vực hạ lưu ngay lập tức. Hiện chưa rõ hiện tượng lũ lụt là do vỡ đập hay xả lũ cố ý.

Hiện công ty SK Engineering & Construction đã cử một nhóm cứu hộ khủng hoảng tới Lào và đưa trực thăng từ Thái Lan tới hỗ trợ chính phủ Lào. Trong khi đó, công ty Korea Western Power cũng điều trực thăng, thuyền và nhân sự tới tham gia chiến dịch cứu hộ, hỗ trợ chính quyền địa phương sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt.

Nằm cách thủ đô Vientiane của Lào 550 km về phía đông nam, dự án xây dựng đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bắt đầu được khởi công từ năm 2013 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại từ năm 2019. Đập được thiết kế với công suất 410MW và xây dựng trên diện tích 238ha. Theo điều khoản thỏa thuận, công ty PNPC sẽ vận hành và quản lý dự án Xe-Pian Xe-Namnoy trong 2 năm sau khi đập này chính thức được đưa vào hoạt động thương mại.

Sau khi đi vào hoạt động, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy sẽ cung cấp xấp xỉ 1.879 GWh/năm. 90% lượng điện từ đập Xe-Pian Xe-Namnoy sẽ được bán cho Thái Lan và chỉ 10% được tiêu thụ tại Lào. Đây cũng là dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đầu tiên do các công ty Hàn Quốc triển khai tại Lào.

Theo BBC, với lợi thế nằm trên sông Mekong và có vị trí địa lý phù hợp để phát triển thủy điện, Lào đã khởi động kế hoạch xây dựng một chuỗi các đập với tham vọng trở thành “nguồn năng lượng của châu Á”. Năm 2017, Lào có 46 công trình thủy điện đã đi vào hoạt động và 54 công trình khác đang được xây dựng. Lào xuất khẩu 2/3 sản lượng điện và điện chiếm gần 30% trong tất cả hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này.

Người dân Lào sơ tán sau sự cố vỡ đập thủy điện

Thành Đạt

Tổng hợp