1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế thượng phong của bà Merkel

Dù gặp phải nhiều chỉ trích trong vấn đề đón nhận người di cư Trung Đông song nữ Thủ tướng Angela Merkel vẫn chiếm thế thượng phong trên chính trường nước Đức để sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Nữ Thủ tướng Angela Merkel (thứ hai hàng đầu từ trái qua) đang chiếm thế thượng phong trên chính trường
Nữ Thủ tướng Angela Merkel (thứ hai hàng đầu từ trái qua) đang chiếm thế thượng phong trên chính trường

Viện Forsa nghiên cứu dư luận của Đức ngày 25-5 công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Thủ tướng Angela Merkel vẫn nhận được sự ủng hộ cao nhất của dân chúng nước này, mong muốn bà tái cử để lãnh đạo nước Đức.

Theo đó, dù số người được hỏi ý kiến ủng hộ bà Merkel trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Đức có giảm nhẹ so với tuần trước, song vẫn đạt tỷ lệ 44%, cao hơn 29% so với tỷ lệ dành cho đối thủ chính là Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Sigmar Gabriel.

Những kết quả trên cho thấy nữ Thủ tướng Merkel vẫn đang chiếm ưu thế trên chính trường Đức, dù đang vấp phải nhiều sự phản đối và chỉ trích trong chính sách đối với người tị nạn Trung Đông. Thủ tướng Merkel là một trong số không nhiều người kiên trì với lập trường ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp nhận những người tị nạn Trung Đông như Syria, Iraq… phải bỏ quê hương bản quán tới châu Âu để tránh đạn bom xung đột vũ trang.

Đức là một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận số người tị nạn Trung Đông, Nam Á đến định cư nhiều nhất với khoảng 1 triệu người chỉ trong năm 2015. Chính sách hào phóng tiếp nhận người tị nạn đã ngốn của ngân sách nước Đức số tiền khổng lồ, lên tới 93,6 tỷ euro (gần 106 tỷ USD) từ nay đến cuối năm 2020.

Dang tay đón nhận hàng triệu người tị nạn với bao vấn đề kèm theo từ công ăn việc làm cho tới an sinh xã hội, song điều này khiến cho nước Đức và liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel những điều đau đầu khác. Một trong số đó là việc người tỵ nạn gây ra vụ náo loạn, “tấn công tình dục tập thể”, xâm hại và cưỡng bức nhiều cô gái Đức trong đêm Giao thừa bước sang năm mới 2016 tại thành phố Cologne để rồi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel phải “trả giá” bằng thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện một số bang hồi tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, bất chấp việc sụt giảm uy tín trong chính sách ưu ái với người nhập cư, bà Merkel vẫn mang lại những thành quả tích cực cho nước Đức trong bối cảnh khủng hoảng nợ công hoành hành tại châu Âu. Số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong tháng 4 vừa qua tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục là 6,2%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng được đánh giá “đi đúng hướng” bất chấp những khó khăn chung của kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng 1,5-1,7% trong năm 2016 này.

Là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2015 theo sự bầu chọn của Tạp chí Forbes và là nhà lãnh đạo duy nhất ở châu Âu vững vàng trên chiếc ghế quyền lực thời gian dài qua bất chấp “cơn bão” khủng hoảng và suy thoái kinh tế quét qua châu Âu, nữ Thủ tướng Merkel được cho là có cơ hội giành chiến thắng cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.

Bà Merkel - hiện là người thứ ba của nước Đức sau các Thủ tướng Korad Adenauer và Helmut Kohl cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp - sẽ đi vào lịch sử nước Đức và châu Âu nói chung nếu tiếp tục ra tranh cử và chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô